Chống chuyển giá: Tìm cách “bắt tận tay”
Coca Cola luôn báo lỗ nhưng liên tục mở rộng kinh doanh
- “Nghi án” khó kết luận
Có mặt tại Việt Nam đã 18 năm với độ phủ sóng sản phẩm toàn quốc, chiếm trên 50% thị phần nước giải khát có gas, nhưng Công ty Coca - Cola Việt Nam liên tục kinh doanh lỗ. Đến nay, lỗ lũy kế của Coca- Cola Việt Nam lên tới 3.700 tỉ đồng, nhưng doanh thu liên tục tăng 20%-30%/năm. Metro Cash & Carry cũng là trường hợp tương tự khi đơn vị này khai lỗ từ năm 2001 đến 2009 là 1.157 tỷ đồng, song vẫn đẩy mạnh mở rộng hệ thống siêu thị tại Việt Nam. Mục tiêu của gã khổng lồ trong ngành bán lẻ này, từ 3 đến 5 năm tới sẽ có 30 - 35 trung tâm bán lẻ tại Việt Nam.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, lại có quá trình kinh doanh đầu vào khá khép kín từ công ty mẹ nên việc kiểm tra, xác định và đấu tranh chống chuyển giá không dễ dàng.
Để có thể kết luận các doanh nghiệp chuyển giá, không dễ. Với trường hợp của Coca- Cola Việt Nam, do toàn bộ nguyên vật liệu được nhập từ công ty mẹ nên không có sự so sánh về giá với các doanh nghiệp cùng lĩnh vực. Giáo sư Nhan Đình- Giám đốc Viện Kế toán quốc gia Thượng Hải (Trung Quốc)- cho rằng: Thách thức lớn nhất trong chống chuyển giá là cách thức định giá thông tin của công ty đa quốc gia rất tinh vi. Các doanh nghiệp này thường không hợp tác với cơ quan thanh tra thuế.
Làm trong sạch môi trường đầu tư
Ông Michael Palmer- chuyên gia về chuyển giá của Úc - đã đưa ra ý kiến mà Việt Nam có thể cân nhắc trong quá trình thực hiện chống chuyển giá. Cụ thể là xây dựng nhóm cán bộ, chuyên gia hàng đầu về giá chuyển nhượng tại trung ương và các chi cục. Không nên quá ôm đồm nhiều cuộc thanh tra, kiểm toán nếu muốn thực hiện các cuộc kiểm toán một cách nghiêm ngặt, kỹ lưỡng và nên sử dụng các dữ liệu của nước ngoài. Đây là bài học thành công của Úc và nhiều quốc gia.
Theo ông Nguyễn Quang Tiến- Phó trưởng ban Cải cách và hiện đại hóa, Tổng cục Thuế- cơ quan thuế đã trình Bộ Tài chính chương trình kiểm soát chuyển giá từ nay đến năm 2015. Trong đó tập trung vào công tác thanh tra theo kế hoạch, trọng tâm quản lý theo rủi ro chứ không thanh tra tràn lan. Theo đó, sẽ nhắm vào các doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá như kê khai lỗ triền miên, nhưng vẫn mở rộng đầu tư, hay nâng vốn đầu tư để chia chác khấu hao. Ngoài thanh tra, kiểm tra để xác định, còn bổ sung thêm quy chế pháp lý, ví dụ như vốn mỏng, lỗ liên tục, chuyển vốn ra ngoài nhưng do vay của công ty mẹ… mà Việt Nam chưa có quy định.
Hiện tại, cơ quan Thuế đang xây dựng cơ sở dữ liệu tỷ suất lợi nhuận các ngành như: Giày dép, dệt may, vải sợi, xây dựng, kinh doanh bất động sản, cơ khí…, tăng cường hợp tác chia sẻ dữ liệu với nước ngoài. Đây sẽ là cơ sở để hỗ trợ thanh tra giá chuyển nhượng, đẩy mạnh chống chuyển giá trong thời gian tới.
Năm 2012, ngành thuế đã thanh tra, kiểm tra 1.495 doanh nghiệp lỗ có dấu hiệu chuyển giá, truy thu và phạt hơn 622 tỉ đồng, giảm lỗ 3.307 tỉ đồng, nộp ngân sách 207 tỉ đồng. |
Thùy Linh