Chế độ chăm sóc đặc biệt
“Dù ai đi đâu về đâu/ Tháng giêng mười bảy chọi trâu thì về/ Dù ai buôn bán trăm nghề/ Tháng giêng mười bảy nhớ về chọi trâu”. Đây là 4 câu thơ mà người dân xã Hải Lựu, huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) cùng đông đảo du khách thập phương nhắc nhau mỗi dịp đầu xuân năm mới để về vui cùng lễ hội chọi trâu, cũng như lấy may cho cả năm làm ăn, buôn bán.
Theo các ghi chép trong thư tịch cổ ghi lại đời Lê Trung Hưng, lễ hội trọi trâu xã Hải Lựu có từ thế kỷ thứ II trước công nguyên (TCN). Khi đó, thừa tướng Lữ Gia là tướng tài của triều đình, đóng quân ở Long Động trên đỉnh núi Thét (thôn Dừa Cả, xã Hải Lựu ngày nay). Trong thời gian này, ông cùng tướng sĩ chiến đấu chống quân giặc nhà Hán. Mỗi khi thắng trận, tướng Lữ Gia cho mở hội đấu ngưu để khích lệ tinh thần tướng sĩ, rồi mổ trâu chọi để khao quân và dân làng. Từ đó, lễ hội chọi trâu được truyền từ đời này qua đời khác và là niềm tự hào về tinh thần thượng võ của người dân Hải Lựu.
Lễ hội chọi trâu kéo dài liên tục suốt từ năm 111 TCN đến năm 1947 tạm dừng do quân, dân nơi đây phải dốc sức người, sức của vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đến năm 2002, lễ hội chọi trâu xã Hải Lựu được khôi phục và duy trì cho đến nay. Lễ hội mỗi năm thu hút hàng vạn du khách từ khắp mọi miền đất nước, về vui và lấy may cho cả năm làm ăn, buôn bán.
Bà Đỗ Thị Mai - Phó Chủ tịch UBND xã Hải Lựu - cho biết: Theo tục lệ, sau khi lễ hội kết thúc, những con trâu tham gia thi đấu dù thắng hay thua đều được giết thịt để tế lễ và bán cho người dân, du khách thập phương. Bởi vậy, sau mỗi mùa lễ hội, khoảng tháng 2 - 3 âm lịch, các chủ trâu của làng lại “khăn gói” lên đường để tuyển chọn trâu mới chuẩn bị cho lễ hội năm sau.
Trâu vốn dĩ là con vật khá quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày của người nông dân xã Hải Lựu. Thế nhưng, để tuyển được những con trâu chọi chất lượng tham gia thi đấu, người dân nơi đây lại phải bỏ ra không ít mồ hôi, công sức và tiền bạc. Theo các chủ trâu, để tìm được một con trâu ưng ý, họ phải lặn lội khắp hang cùng, ngõ hẻm, từ các tỉnh miền núi phía Bắc như Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai … đến các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên như Thanh Hóa, Nghệ An, Đăk Lăk…
Việc xem “tướng trâu” cũng phải thật tinh tường, mà chỉ có dân trong nghề mới nắm được. Theo các bậc lão làng trong giới luyện trâu của xã, trâu chọi phải có tướng tinh hùng dũng và độ gan lỳ. Vì vậy, ngoài đáp ứng đủ những yêu cầu tối thiểu mà ban tổ chức lễ hội đưa ra là có tuổi đời từ 9 năm, cân nặng từ 700kg trở lên, vang (vòng ngực) tối thiểu là 2,05m, một con trâu chọi chất lượng cần có những yếu tố khác như: Cổ rộng, sừng cân và hướng tiền, mắt nhỏ, mi dày, chân to, móng hến…
Chúng tôi tìm gặp ông Hà Hữu Duyệt (thôn Dừa Cả, xã Hải Lựu) vào những ngày cuối năm trong không khí lạnh “cắt da, cắt thịt” của mùa đông miền Bắc, khi ông đang chăm chút cho “ông cầu” số 10 phục vụ mùa lễ hội 2021. Ông Duyệt cho biết, từ việc chọn trâu, đến cách chăm sóc trâu cho tới ngày ra sân chọi là cả một quá trình không hề đơn giản. Phải chăm sóc “ông cầu” giống như nuôi con mình vậy, chuồng trại luôn sạch sẽ, mùa hè dẫn trâu đi tắm, mùa đông che chắn gió cẩn thận. “Tôi còn trồng ngô, cỏ voi sạch cho “ông cầu” ăn, làm mật mía cho “ông cầu” uống. Hàng ngày, phải chuyện trò, gãi lưng, xoa đầu, xoa tai cho chúng... Giai đoạn này gọi là “vỗ béo”, khi giữa người chủ và vật đã “tâm đồng ý hợp” thì mới đến lúc “luyện trâu” - ông Duyệt nói.
Tuyệt kỹ luyện trâu
Người Hải Lựu vẫn thường nói rằng, nuôi trâu chọi là vận cái "nghiệp" vào thân. Chọn trâu chọi về cơ bản, những chủ trâu đều nắm được cách xem tướng trâu hay tìm nguồn trâu. Song, điều thử thách của nghề nuôi trâu chọi chính là ở tính kiên trì về kỹ thuật chăm và “luyện võ” cho trâu.
Các ông chủ trâu thường có cách huấn luyện cho trâu riêng |
Ông Nguyễn Văn Quý - thôn Đồng Dừa, một trong những người có thâm niên và nắm nhiều “tuyệt kỹ” luyện trâu ở Hải Lựu - cho biết, trâu có 4 miếng đánh cơ bản: Bổ đao - thuộc về những ông cầu có tính khí hung tợn và thường đánh đòn này phủ đầu; móc mắt - thuộc về những chiến ngưu có sừng ngắn, khôn khéo trong việc tiến, lui, đợi đối thủ sơ hở là ra đòn; ngáng chân - làm ngã đối thủ; khóa sừng quật ngã đối thủ - dành cho những con trâu có sừng dài. Thường thì không một “ông cầu” nào hội đủ cả ba yếu tố này. Con nào cũng có sở trường, sở đoản khác nhau. Người nuôi trâu phải biết phát huy sở trường và hạn chế sở đoản. Ngoài việc cho trâu tập húc, những ngày nông nhàn, còn phải tập cho trâu quen với không khí trận mạc. “Thành bại của một ông cầu phụ thuộc rất nhiều vào người huấn luyện, đặc biệt là cách dắt trâu ra đấu trường. Nếu gặp trâu máu chiến, phải để ông cầu tránh được đòn bổ đao. Nếu là trâu đánh móc mắt, phải thả trâu vào thật nhanh tung đòn phủ đầu. Ngược lại, nếu đối thủ có bộ sừng dài, nên để trâu của mình vào xới từ từ…” - ông Quý chia sẻ.
Theo bà Đỗ Thị Mai, là lễ hội truyền thống, mang lại niềm vui, sự may mắn cho cả năm nên chủ trâu nào cũng muốn “ông cầu” của mình thắng, giải thưởng đôi khi không quan trọng bằng niềm vinh dự, chủ trâu có trâu chiến thắng thường được nhiều người nể phục bởi cách chọn và huấn luyện trâu. Năm 2020, vì dịch Covid-19 bùng phát, để đảm an toàn và phòng, chống dịch, địa phương đã hoãn lễ hội chọi trâu và các “ông cầu” của năm qua được các chủ trâu tiếp tục chăm sóc, huấn luyện. Mong rằng, năm 2021, tình hình dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát để lễ hội chọi trâu được tổ chức mang lại niềm vui, sự may mắn cho người dân xã Hải Lựu và du khách thập phương đến xem lễ hội.