Chiến thắng Bình Giã góp phần làm phá sản chiến lược ‘chiến tranh đặc biệt’
Hội thảo khoa học "60 năm Chiến thắng Bình Giã - Giá trị lịch sử và bài học kinh nghiệm" là một trong những hoạt động quan trọng chào mừng kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, hướng đến kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước…
Dự hội thảo có Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; bà Đinh Thị Mai, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Về phía địa phương có ông Phạm Viết Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu. Cùng tham dự có gần 300 đại biểu là các nhà khoa học, chuyên gia, cán bộ quản lý… các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Quang cảnh hội thảo khoa học "60 năm Chiến thắng Bình Giã - Giá trị lịch sử và bài học kinh nghiệm". Ảnh: Nguyễn Ngọc |
Báo cáo đề dẫn hội thảo, bà Đinh Thị Mai, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhận định, Chiến dịch Bình Giã là chiến dịch tiến công đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có ý nghĩa chiến lược quan trọng, góp phần làm phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn, góp phần vào việc chuyển hóa tương quan so sánh lực lượng trên chiến trường, tạo ra thế và lực mới trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; đồng thời thể hiện ý chí quyết tâm, sẵn sàng chiến đấu của quân và dân ta trong cuộc đọ sức trực tiếp với quân Mỹ vào những năm tiếp theo.
Bà Mai tin tưởng rằng, hội thảo khoa học “60 năm Chiến thắng Bình Giã - Giá trị lịch sử và bài học kinh nghiệm” sẽ góp phần làm sáng tỏ, sâu sắc hơn những vấn đề lý luận và thực tiễn được đặt ra từ Chiến dịch Bình Giã. Kết quả đó là cơ sở khoa học vững chắc góp phần củng cố niềm tin và quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong sự nghiệp đổi mới đất nước, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng, bồi đắp tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ Việt Nam; đấu tranh chống mọi âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc lịch sử của các thế lực thù địch, phản động, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Thượng tướng Lê Huy Vịnh - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu. Ảnh: Nguyễn Ngọc |
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thượng tướng Lê Huy Vịnh - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đánh giá, chiến dịch Bình Giã là chiến dịch đầu tiên của bộ đội chủ lực Miền, cũng là một trong những chiến dịch đầu tiên của lực lượng vũ trang trên chiến trường miền Nam.
“Chiến thắng Bình Giã đánh dấu bước phát triển về lực lượng, phương pháp tác chiến tập trung của lực lượng vũ trang nói chung, bộ đội chủ lực nói riêng”, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nói.
Thượng tướng Lê Huy Vịnh chia sẻ, Chiến dịch Bình Giã là lần đầu tiên Trung ương Cục, Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền chỉ đạo tổ chức sử dụng lực lượng chủ lực với phương pháp tác chiến tập trung đánh bại lực lượng chính quy cơ động mạnh của quân đội Sài Gòn.
Qua chiến dịch, lực lượng vũ trang miền Nam đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý về tổ chức, chỉ huy tác chiến, đặc biệt chiến thuật đánh vận động được rèn luyện và nâng cao.
Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phát biểu tại hội thảo: Ảnh: Nguyễn Ngọc |
Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam khẳng định, Chiến thắng Bình Giã có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
“Chiến thắng Bình Giã góp phần đẩy nhanh sự phá sản của chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, buộc Mỹ và chính quyền Sài Gòn phải chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ””, Thượng tướng Trịnh Văn Quyết nói.
Thành công của chiến dịch là đã vận dụng sáng tạo cách “đánh điểm diệt viện”, chọn điểm khơi ngòi chính xác, tạo thế, tạo thời cơ và tổ chức, sử dụng lực lượng thích hợp để đánh thắng những trận then chốt, để lại những kinh nghiệm quý cho các chiến dịch tiếp sau.
Các cựu chiến binh, nhân chứng lịch sử của chiến dịch Bình Giã tại hội thảo. Ảnh: Nguyễn Ngọc |
Ban tổ chức hội thảo “60 năm Chiến thắng Bình Giã - Giá trị lịch sử và bài học kinh nghiệm” đã nhận được hơn 70 tham luận của các đại biểu. Nội dung tham luận của các đại biểu được kết cấu thành 3 phần chính: Những vấn đề chung về Chiến thắng Bình Giã; Bước phát triển của chiến tranh cách mạng Việt Nam; Tầm vóc Chiến thắng Bình Giã và bài học kinh nghiệm…