Đài RT: Nga cảnh báo Thế chiến 3 nếu Ukraine tấn công bằng vũ khí phương Tây
Theo đài RT (Russia Today), ngày 19/11, cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia, đưa ra cảnh báo sắc lạnh: “Nếu Ukraine sử dụng vũ khí NATO để tấn công lãnh thổ Nga, Moscow có quyền đáp trả bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt, không chỉ nhắm vào Kiev mà còn vào các cơ sở chính của NATO. Và đó sẽ là thời điểm Thế chiến 3 bùng nổ”.
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Dmitry Medvedev. Ảnh: TASS |
Tuyên bố trên được ông Medvedev đăng tải trên Telegram, đồng thời nhấn mạnh Ukraine và các đồng minh phương Tây nên chuẩn bị cho “phản ứng mạnh mẽ chưa từng có” từ Nga.
Cảnh báo này xuất hiện ngay sau khi Tổng thống Vladimir Putin ký phê duyệt học thuyết hạt nhân sửa đổi, trong đó mở rộng các tình huống có thể sử dụng vũ khí hạt nhân: Nga hoặc Belarus bị tấn công bằng vũ khí thông thường, nhưng đe dọa nghiêm trọng đến chủ quyền hoặc toàn vẹn lãnh thổ. Bất kỳ cuộc tấn công nào của một quốc gia phi hạt nhân với sự hỗ trợ của quốc gia hạt nhân nhằm vào Nga đều được coi là hành động xâm lược chung, kích hoạt khả năng phản ứng hạt nhân. Đáng chú ý, quy định này cho phép Moscow sử dụng hạt nhân ngay cả khi bị tấn công bằng tên lửa phi hạt nhân từ phương Tây.
Cập nhật này của Nga là phản ứng trước thông tin từ Washington, khi Tổng thống Joe Biden được cho là đã “bật đèn xanh” cho Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa do Mỹ cung cấp để tấn công lãnh thổ Nga. Theo sau, Anh và Pháp cũng bị cáo buộc có động thái tương tự, chấp thuận việc hỗ trợ Ukraine tấn công sâu vào bên trong biên giới Nga.
Phát ngôn viên Điện Kremlin, Dmitry Peskov, khẳng định: “Học thuyết mới của Nga trao cho chúng tôi quyền đáp trả hạt nhân nếu bất kỳ tên lửa nào, dù phi hạt nhân, từ Ukraine hoặc phương Tây tấn công lãnh thổ Nga”.
Cảnh báo của Moscow đã làm dấy lên nỗi lo toàn cầu, khi các chuyên gia nhận định rằng học thuyết sửa đổi này đánh dấu bước leo thang nghiêm trọng nhất kể từ Chiến tranh Lạnh. Trong khi đó, Ukraine tiếp tục nhận được hỗ trợ vũ khí từ phương Tây và khẳng định quyền tự vệ chính đáng. Kiev cho rằng các hành động của Nga chỉ là đòn tâm lý nhằm làm suy yếu sự ủng hộ quốc tế.
Ukraine bắn 6 tên lửa ATACMS vào lãnh thổ Nga
Theo tin từ Reuters, ngày 19/11, lần đầu tiên trong 1.000 ngày xung đột, Ukraine đã phóng 6 tên lửa tầm xa ATACMS do Mỹ cung cấp vào vùng Bryansk, Nga. Động thái này diễn ra chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ký phê chuẩn học thuyết hạt nhân mới, hạ thấp ngưỡng kích hoạt vũ khí hủy diệt.
Một đợt phóng tên lửa tầm xa ATACMS tại Ukraine năm 2022. Ảnh: AFP |
Một video được đăng tải trên kênh Telegram liên kết với quân đội Ukraine cho thấy các tên lửa ATACMS được phóng từ một địa điểm không xác định. Trong khi đó, phía Ukraine tuyên bố các cuộc tấn công đã phá hủy một kho vũ khí quân sự quan trọng tại Karachev, vùng Bryansk, nơi cách biên giới hơn 100 km. Theo thông tin từ Bộ Tổng tham mưu Ukraine, có ít nhất 12 vụ nổ thứ cấp xảy ra tại hiện trường vào lúc 2h30 sáng ngày 19/11.
Khi được hỏi liệu ATACMS có được sử dụng hay không, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky chỉ đưa ra câu trả lời chung chung: “Ukraine hiện có khả năng tầm xa, bao gồm cả ATACMS và máy bay không người lái nội địa”.
Cuộc tấn công này không chỉ gây thiệt hại cho Nga mà còn đẩy xung đột lên mức độ nghiêm trọng mới. Washington gần đây đã nới lỏng hạn chế đối với việc cung cấp ATACMS cho Ukraine, trong khi Moscow không giấu sự phẫn nộ trước động thái này.
Nga cáo buộc việc sử dụng ATACMS có thể được xem là hành động gây chiến của phương Tây thông qua Ukraine. Theo học thuyết hạt nhân sửa đổi, bất kỳ cuộc tấn công nào vào Nga do một quốc gia phi hạt nhân thực hiện nhưng có sự hỗ trợ của cường quốc hạt nhân đều có thể kích hoạt phản ứng hạt nhân từ Moscow.
Với 6 tên lửa tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, các nhà phân tích nhận định, hành động này sẽ làm gia tăng nguy cơ Nga trả đũa bằng lực lượng mạnh mẽ hơn.
Lính Kiev ‘chao đảo’ tại Donbass, mất hơn 1.335 binh sĩ trên toàn mặt trận
Theo hãng thông tấn Nga - TASS, trong ngày 19/11, Nga đã tuyên bố kiểm soát hoàn toàn khu định cư Novoselidovka thuộc Cộng hòa Nhân dân Donetsk. Theo Bộ Quốc phòng Nga, đây là kết quả của chiến dịch tấn công mạnh mẽ trong khuôn khổ chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Binh sĩ Ukraine khai hỏa ở Donetsk. Ảnh: AFP |
Tại Kharkov, lực lượng Nga thuộc Nhóm Bắc đã tiêu diệt 135 binh sĩ Ukraine, phá hủy một xe tăng và một trạm tác chiến điện tử. Hai cuộc phản công của Ukraine tại khu vực này đều bị đẩy lùi, khiến lực lượng này mất thêm nhiều phương tiện chiến đấu.
Phía Tây chứng kiến thiệt hại nặng hơn, khi Nhóm Tây của Nga loại khỏi vòng chiến đấu 510 quân nhân Ukraine. Các khí tài bị phá hủy bao gồm một khẩu pháo Mỹ M101, hệ thống pháo tự hành Gvozdika và một trạm tác chiến điện tử Anklav-N.
Tại khu vực phía Nam, Nhóm Nam gây tổn thất lớn với 550 binh sĩ Ukraine bị tiêu diệt. Nga cũng phá hủy ba xe bọc thép M113 của Mỹ và nhiều pháo tự hành, pháo D-30.
Ở mặt trận phía Đông, Nga đã loại khỏi vòng chiến đấu 140 binh sĩ Ukraine, phá hủy một xe tăng Leopard của Đức cùng một kho đạn dược.
Nga tiếp tục sử dụng máy bay, tên lửa và UAV để tấn công các sân bay quân sự và cơ sở năng lượng của Ukraine. Trong 24 giờ qua, 146 khu vực tập trung binh lực và khí tài của Ukraine đã bị tấn công.
Hệ thống phòng không Nga cũng bắn hạ 85 UAV, 5 tên lửa đạn đạo và một tên lửa HIMARS do Mỹ sản xuất, gây hạn chế lớn đối với khả năng phản công của Ukraine.
Như vậy trong ngày qua, Ukraine đã mất tổng cộng khoảng 1.335 binh sĩ và rất nhiều khí tài giá trị tại các mặt trận.
Kể từ khi chiến dịch bắt đầu, Ukraine đã mất hơn 36.259 UAV, 19.386 xe tăng và phương tiện bọc thép, cùng 18.181 pháo và cối. Cuộc chiến tại Donbass ngày càng căng thẳng, khi các đòn tấn công tiếp diễn từ cả hai phía, khiến tình hình thêm phức tạp.
Moscow huy động ‘thiên nga trắng’ 40 tấn dội bom khắp lãnh thổ Ukraine
Theo RT, ngày 19/11, Nga thực hiện một cuộc không kích quy mô lớn vào lãnh thổ Ukraine, sử dụng 7 máy bay ném bom Tu-160 và 16 máy bay Tu-95MS, phóng tổng cộng 80 tên lửa hành trình Kh-555/Kh-101, theo báo cáo từ Không quân Ukraine. Đây là lần đầu tiên sau hơn 18 tháng, “thiên nga trắng” Tu-160 được triển khai cho các chiến dịch tấn công, đánh dấu sự leo thang đáng kể trong chiến lược không kích của Nga.
Máy bay ném bom chiến lược siêu thanh Tu-160. Ảnh: RT |
Về lý thuyết, 7 chiếc Tu-160 có khả năng mang tới 84 tên lửa hành trình, trong khi 16 chiếc Tu-95MS có thể phóng thêm từ 96 đến 128 tên lửa, nâng tổng khả năng tấn công lên hơn 200 tên lửa. Tuy nhiên, số lượng thực tế chỉ dừng lại ở 80 tên lửa, cho thấy Nga đang giữ lại một phần đáng kể để phục vụ các chiến dịch trong tương lai.
Tu-160, với biệt danh “thiên nga trắng”, là máy bay ném bom chiến lược lớn nhất thế giới, mang theo sức mạnh khủng khiếp với tải trọng chiến đấu tối đa 40 tấn, tốc độ tối đa 2.220 km/h, bán kính chiến đấu 7.600 km, cho phép tấn công sâu vào lãnh thổ đối phương. Hai khoang chứa vũ khí khổng lồ của Tu-160 có thể mang hàng loạt tên lửa hành trình chiến lược, tên lửa dẫn đường, bom hạt nhân và bom thông thường, sẵn sàng hủy diệt bất kỳ mục tiêu nào trong tầm ngắm.
Nga hiện sở hữu khoảng 15 chiếc Tu-160, nhưng không phải tất cả đều hoạt động. Một số đang được nâng cấp lên phiên bản Tu-160M, với khả năng cải thiện hiệu suất và tích hợp công nghệ hiện đại. Đến tháng 6/2024, ba xưởng sản xuất chính tại Nga đã được nâng cấp để chế tạo các bộ phận mới cho dòng máy bay này, với trung tâm lắp ráp đặt tại Nhà máy Hàng không Kazan.