Chiến sự Nga-Ukraine ngày 6/12/2024: Phương Tây phải chuyển sang giải pháp hòa bình; Ukraine chưa sẵn sàng nhượng bộ lãnh thổ
Một số diễn biến liên quan đến chiến sự Nga-Ukraine:
Phương Tây phải chuyển sang giải pháp hòa bình
Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto tin rằng, các nước phương Tây nên từ bỏ chiến lược đối với Ukraine nhằm tiếp tục xung đột và thay vào đó áp dụng giải pháp hòa bình.
“Thời gian trôi qua cho thấy, không có giải pháp nào trên chiến trường. Việc cung cấp vũ khí không đưa chúng ta đến gần hòa bình dù chỉ một chút, nhưng chắc chắn đã dẫn đến nhiều thương vong hơn. Chúng ta cần một chiến lược mới là chiến lược vì hòa bình”, TASS dẫn lời ông Szijjarto nói.
Đồng thời, ông lưu ý, thay vì nhất quyết hạ thấp tuổi nhập ngũ ở Ukraine, các nước EU và NATO nên hướng tới ngừng bắn và bắt đầu đàm phán hòa bình với Nga. Theo ông, đây là lý do tại sao mùa hè năm ngoái, Chính phủ Hungary đã bắt đầu sứ mệnh gìn giữ hòa bình và nhiệm vụ này hiện phải được tiếp tục.
Chiến sự Nga-Ukraine ngày qua vẫn diễn ra ác liệt trên khắp mặt trận. Ảnh: RIA |
Budapest tin tưởng, cơ hội giải quyết xung đột Ukraine sẽ tăng lên đáng kể sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhậm chức vào ngày 20/1.
Ông cũng đảm bảo, Hungary sẽ tiếp tục góp phần duy trì các kênh liên lạc và ngoại giao cởi mở nhằm mục đích giải quyết tình hình ở Ukraine.
Ukraine chưa sẵn sàng nhượng bộ lãnh thổ
Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Andrei Sibiga tuyên bố tại Hội nghị Thượng đỉnh tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) ở Malta rằng, Ukraine chưa sẵn sàng nhượng bộ lãnh thổ cho Nga.
“Sẽ không có sự thỏa hiệp nào về toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền hoặc an ninh trong tương lai đối với chúng tôi”, Strana.ua dẫn lời ông Sibiga nói. Theo Bộ trưởng, Ukraine cần sự chắc chắn về địa chính trị từ phương Tây.
Giải pháp ở Ukraine có thể trở thành hiện thực
Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho rằng, Tổng thống đắc cử Donald Trump muốn giải quyết xung đột ở Ukraine và mục tiêu này có thể đạt được bất chấp sự phản đối của chính quyền Tổng thống Biden sắp mãn nhiệm.
“Chúng ta đang tiến rất gần đến thời điểm mà mục tiêu của ông Trump về việc chấm dứt cuộc chiến này trở thành hiện thực”, TASS dẫn lời ông Szijjarto nói.
Tuy nhiên, ông chỉ ra, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã bày tỏ một lập trường hoàn toàn khác, tập trung vào việc tiếp tục xung đột Ukraine, tại cuộc họp của các Ngoại trưởng NATO ở Brussels vào ngày 3-4/12.
Theo ông Szijjarto, chính quyền Tổng thống Biden đang cố gắng đảm bảo sẽ khó có thể thiết lập hòa bình sau ngày 20/1, khi ông Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ.
“Một tình thế tiến thoái lưỡng nan khi một mặt, các bên có cơ hội tốt để giải quyết xung đột, nhưng mặt khác, nguy cơ leo thang cao hơn bao giờ hết”, Ngoại trưởng Hungary nhấn mạnh.
Ukraine có thể ủng hộ các kế hoạch hòa bình của Tổng thống đắc cử Mỹ
Chánh Văn phòng của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, ông Andrey Yermak đang đến Mỹ để gặp những nhân vật chủ chốt do Tổng thống đắc cử Donald Trump lựa chọn cho chính quyền tương lai.
Theo Wall Street Journal, Ukraine đã sắp xếp các cuộc tiếp xúc giữa ông Yermak với bà Susie Wiles - người đồng quản lý chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump và đã được chọn làm Chánh văn phòng Nhà Trắng, ông Keith Kellogg - người được ông Donald Trump lựa chọn làm đặc phái viên tại Ukraine và ông Mike Waltz - cố vấn an ninh quốc gia trong chính quyền sắp tới.
“Ông Yermak đang cố gắng thuyết phục các quan chức thân cận với ông Trump rằng, Ukraine có thể ủng hộ các kế hoạch hòa bình của Tổng thống đắc cử Mỹ, thay vì trở thành trở ngại”, Wall Street Journal cho biết.
Chuyến thăm Mỹ của ông Yermak diễn ra trong bối cảnh lực lượng Ukraine đang phải chịu tổn thất trên chiến trường và thiếu quân tiếp viện.
NATO nói về các kịch bản tiềm năng để kết thúc xung đột
Theo Bloomberg, các nước NATO đang thảo luận các kịch bản tiềm năng nhằm kết thúc cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine, trong đó tập trung vào các giải pháp đàm phán và đảm bảo an ninh cho Kiev.
Một trong những phương án được cân nhắc là thiết lập khu vực phi quân sự do lực lượng châu Âu giám sát. Động thái này nhằm bảo vệ Ukraine mà không gây thêm căng thẳng với Nga. Các nhà ngoại giao phương Tây cho biết, tình hình bất ổn hiện tại đòi hỏi các cuộc đàm phán sớm được khởi xướng.
Tổng thư ký NATO Mark Rutte nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo Ukraine có một vị thế mạnh mẽ trước khi tiến tới bất kỳ cuộc đàm phán nào. “Chúng ta không chỉ hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến, mà cần cung cấp đủ nguồn lực để thay đổi cục diện xung đột này một cách triệt để”, ông Rutte nói.