Chiến sự Nga-Ukraine ngày 5/4: Số phận Bakhmut đã được định đoạt, chưa thấy Ukraine phản công
Sau những hình ảnh của Chủ tịch Tập đoàn Wagner treo quốc kỳ Nga trên nóc tòa nhà thị chính thị trấn, các nhóm đột kích Wagner tiếp tục khai thác chiến quả và liên tục đẩy lực lượng phòng thủ Ukraine về phía Tây và không cho họ có thời gian để tái tổ chức và bố trí trận địa phòng ngự.
Hiện tại, quân đội Nga và đồng minh đã giành được khu liên hợp công nghiệp AZOM, ga xe lửa Bakhmut 1 và phần còn lại của các tòa nhà phía Đông đường Myra trong trung tâm thị trấn. Giao tranh đã được đẩy sang các khu định cư phía Tây như: Xung quanh khu bệnh viện đa khoa, khách sạn Atlantic và khu chợ trên đại lộ Horbatova.
Lực lượng phòng thủ Ukraine đang bị đẩy nhanh chóng sang phía Tây thị trấn Bakhmut và khó có khả năng trụ vững trong vài ngày tới |
Còn tại hướng Bắc, sau hơn hai tuần chiến đấu binh lính Wagner đã tiến vào vùng ngoại ô phía Bắc của Bohdanivka và bắt đầu đụng độ với lực lượng phòng thủ tại đây. Với tốc độ tiến quá nhanh, nhiều nhóm phòng thủ Ukraine trong nội đô Bakhmut đã bị cô lập. Trong khi đó, nhiều đơn vị Ukraine đã tìm cách chạy khỏi “nồi hầm” này trước khi nó bị đóng nắp dưới làn đạn pháo của phía Nga. Tất cả các tuyến cao tốc chính nối vào Bakhmut đều nằm dưới tuyến hỏa lực của phía Nga và các động tĩnh đảo quân của phía Ukraine đều hứng chịu tổn thất. Theo những hình ảnh do binh sĩ Ukraine ghi lại, trên các con đường lầy lội ra khỏi Bakhmut chất đống những phương tiện quân sự bị bỏ lại do trúng đạn pháo và cối.
Trong khi đó, vẫn chưa thấy có động thái về đợt phản công quy mô lớn từ phía Ukraine, theo đánh giá của ông Hamish de Bretton-Gordon, cựu chỉ huy xe tăng Quân đội Anh, khía cạnh quan trọng nhất của việc tập trung thiết giáp phương Tây tại Ukraine là khía cạnh tâm lý.
"Về mặt tâm lý, nó là thông tin cực kỳ tích cực đối với người Ukraine. Nếu chỉ nói về những con số, thì nhìn bề ngoài, việc có 50 đến 60 xe tăng hiện đại của phương Tây ở Ukraine chưa chắc đã có thể thay đổi cục diện. Trước đây, tôi nhận định họ sẽ cần tối thiểu 100 phương tiện thiết giáp để tạo nên một đòn phản công hiệu quả, thậm chí Ukraine tuyên bố cần tới 300 phương tiện như vậy", ông Hamish de Bretton-Gordon nói.
Tuy nhiên, cựu chỉ huy Anh tin rằng, loại xe tăng mới sở hữu những tính năng ưu việt cùng với các chiến thuật hiệu quả hơn của Ukraine có thể sẽ tạo ra sự khác biệt.
"Những chiếc xe tăng này là sự bổ sung cho kho xe tăng T-72 mà Ukraine đã có. Và chúng được đem đến cho một quân đội đã được huấn luyện kỹ càng về tác chiến cơ động", ông Hamish de Bretton-Gordon nói.
Cụ thể, xe tăng Leopard-2 có khả năng ổn định và bắn ở tầm xa hơn. Chúng cũng có lớp giáp vượt trội so với nhiều loại xe tăng đang được Moscow trang bị. Chúng cũng có khả năng hoạt động xuyên quốc gia tốt hơn so với xe tăng Nga có khả năng dọn đường kém hơn và chỉ chiến đấu hiệu quả vào ban đêm.
Ông Bretton-Gordon nói: "Thiết giáp hoạt động tốt nhất trong một pha xung kích nhằm phá vỡ phòng tuyến của đối phương. Họ sẽ muốn tập trung hỏa lực hơn là phân tán nó". Theo đó, thiết giáp của phương Tây nên được sử dụng, cùng với sự hậu thuẫn của đội hình thiết giáp Ukraine theo sau.
"Tôi nghĩ họ muốn tạo ra một khoảng cách ngày càng lớn và đánh lạc hướng lực lượng Nga bằng cách tạo ra một tuyến đường dài vài trăm km qua khu vực phía nam và phía đông của Zaporizhia", ông Hamish de Bretton-Gordon phân tích.
Các chỉ huy quân sự phương Tây thừa nhận xe tăng viện trợ không phải là “liều thuốc thần” và chỉ đủ để Ukraine tổ chức một đợt phản công nhỏ |
Stuart Crawford, người từng là sĩ quan trong Trung đoàn xe tăng số 4 của Quân đội Anh, cũng tin rằng tuy số lượng xe tăng và các phương tiện bọc thép khác của phương Tây đến Ukraine chưa đủ để tạo ra sự khác biệt đáng kể, nhưng chúng có thể hữu ích trong một cuộc phản công quy mô nhỏ. Ông Crawford dự đoán Ukraine sẽ phản công ở khu vực phía Nam. Cuộc phản công này sẽ diễn ra tập trung hơn, không dàn trải trên phạm vi rộng. Nó sẽ là một cuộc tấn công về phía nam từ Zaporizhia hướng tới Melitopol.
Ông Crawford hoài nghi về việc có quá nhiều hệ thống vũ khí khác nhau đến từ nhiều nguồn khác nhau sẽ gây ra các vấn đề về bảo trì và hậu cần: "Nếu bạn nhìn vào kinh nghiệm của quân đồng minh ở cuộc đổ bộ Normandy vào năm 1944, họ có rất nhiều thiết bị từ các nguồn khác nhau và vẫn quản lý được".
Tuy nhiên, lỗ hổng mà ông Crawford nhìn thấy là khả năng thiếu hỗ trợ trên không. Không bên nào đạt được ưu thế trên không tổng thể, và đó là lý do tại sao Ukraine đề nghị Mỹ viện trợ máy bay chiến đấu F-16. Nếu không chiếm được ưu thế trên không, lực lượng mặt đất không thể di chuyển dễ dàng.
Cũng như xe tăng, ông Crawford nhận thấy sự xuất hiện của các xe bọc thép chở quân Strykers cũng rất hữu ích trên một chiến trường mà pháo binh chiếm ưu thế.
Trong suốt mùa đông 2022, Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky vẫn nhấn mạnh việc cần 300 xe tăng chiến đấu chủ lực cũng như máy bay chiến đấu hiện đại và các phương tiện khác. Tuy nhiên, số lượng phương tiện chiến đấu được chuyển tới Ukraine cho đến nay lại khiêm tốn hơn nhiều. Hiện có rất ít kỳ vọng rằng, Ukraine sẽ có đủ nguồn lực để thực hiện một cuộc tấn công quy mô lớn với các phương tiện bọc thép.
Thay vào đó, các nhà phân tích, bao gồm cả các cựu chỉ huy xe tăng của Anh, dự đoán Kiev sẽ thực hiện một cuộc phản công, hoặc các đợt phản công, tương tự như những gì họ làm hồi cuối mùa hè và mùa Thu 2022. Khi đó, Ukraine đã phản công và giành lại được quyền kiểm soát phần lớn lãnh thổ xung quanh tỉnh Kharkov và khu vực phía nam, tạo tiền đề giúp họ kiểm soát lại được Kherson.