Chiến sự Nga-Ukraine ngày 5/12/2024: NATO nỗ lực buộc Ukraine đàm phán; Đức tiếp tục đưa ra giải pháp cho Kiev
NATO nỗ lực buộc Ukraine đàm phán
Theo Bloomberg, NATO muốn Ukraine bắt đầu đàm phán về lệnh ngừng bắn. “NATO đang tăng gấp đôi nỗ lực để cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine, khi lực lượng Kiev dần mất đi vị trí, làm tăng thêm lo ngại về một lệnh ngừng bắn có thể xảy ra để đóng băng cuộc xung đột vì một phần lãnh thổ Ukraine bị Nga kiểm soát”, Bloomberg viết.
Theo một nhà ngoại giao cấp cao của NATO, một trong những lựa chọn khả thi cho lệnh ngừng bắn là tạo ra khu phi quân sự, trên lãnh thổ mà mọi hành động quân sự sẽ bị cấm.
Đức tiếp tục đưa ra giải pháp cho Ukraine
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho rằng, một thỏa thuận hòa bình tiềm năng giữa Ukraine và Nga có thể bao gồm việc Kiev trở thành thành viên NATO, cũng như một giải pháp cho các vấn đề lãnh thổ liên quan đến việc nhượng lại một số vùng lãnh thổ mà Ukraine đã mất.
Chiến sự Nga-Ukraine ngày qua tiếp tục leo thang. Ảnh: RIA |
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh đang diễn ra các cuộc thảo luận về những cách khả thi để giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine.
Theo bà, các điểm chính trong thỏa thuận như vậy có thể bao gồm việc đảm bảo an ninh chính trị và vật chất cho Ukraine; sự hiện diện của quốc tế để đảm bảo sự tuân thủ lệnh ngừng bắn, rút quân, khôi phục cơ sở hạ tầng bị phá hủy; xóa bỏ chính sách trừng phạt.
“Ukraine tự quyết định vì mục đích gì mà họ sẽ ngồi vào bàn đàm phán”, bà Baerbock nhấn mạnh.
Ý tưởng cử lính gìn giữ hòa bình từ Đức tới Ukraine là không thực tế
Tờ Bild đưa tin, chuyên gia Đức coi ý tưởng cử lực lượng gìn giữ hòa bình từ Đức tới Ukraine là không thực tế.
Ông Carlo Masala, chuyên gia quân sự tại Đại học Bundeswehr ở Munich (Đức) cho rằng, với chiều dài chiến tuyến ở Ukraine, ít nhất 10 nghìn quân sẽ phải được điều đến đó, điều này sẽ làm suy yếu đáng kể sườn phía đông của NATO.
“Những đội quân này sẽ nhận được nhiệm vụ tiến hành cuộc chiến quy mô lớn với Nga trong trường hợp khẩn cấp và họ phải được trang bị vũ khí để có thể hành động bất cứ lúc nào”, ông Masala nói.
Đồng thời, chuyên gia quân sự này cũng hoài nghi về sự sẵn sàng của các nước EU trong việc gửi lực lượng tới Ukraine và gọi ý tưởng như vậy là không thực tế.
Chuyên gia Thomas Jäger, Giáo sư về chính trị quốc tế và chính sách đối ngoại tại Đại học Cologne (Đức) nhận định: “Vấn đề là các lực lượng châu Âu hiện không thể cử lính gìn giữ hòa bình đến Ukraine - từ quan điểm kỹ thuật, cũng như nhân sự… Vì vậy, đây là một cuộc thảo luận hư cấu nhằm mục đích tăng cường quyền lực nhưng không có nội dung”.
Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết, ông không cân nhắc việc đưa quân đội Đức tới Ukraine.
"Chúng tôi đồng ý với Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Ngoại giao rằng cuộc chiến này không nên biến thành cuộc chiến giữa Nga và NATO", ông Scholz nói. Ngoài ra, theo ông, bây giờ không có ích gì khi suy đoán về điều gì sẽ xảy ra sau khi cuộc chiến ở kết thúc.
Ukraine “bật đèn xanh” cho binh sĩ đào ngũ
Theo dữ liệu chính thức ở Ukraine, gần 95.000 vụ án hình sự đã được mở kể từ năm 2022 đối với những người lính “vắng mặt không có phép” và đào ngũ trên chiến trường. Đặc biệt, số lượng các vụ án đã tăng mạnh theo năm, kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát. Đáng chú ý, 2/3 trong số đó được ghi nhận trong năm 2024.
Reuters cho biết, hiện tại, một số đơn vị đang bổ sung quân số qua việc chấp nhận những người lính trước đó liệt vào nhóm “vắng mặt không có phép”.
"Vắng mặt không có phép" được coi là tội nhẹ hơn trong quân đội Ukraine. Một dự luật gần đây đã được ký thành luật quy định, lần đầu tiên binh sĩ tự ý rời đơn vị sẽ không bị coi là tội phạm, không những vậy, họ được phép quay trở lại phục vụ trong quân ngũ.
Theo Đại tá Oleksandr Hrynchuk, Phó tư lệnh cảnh sát quân sự Ukraine, có 6.000 binh sĩ “vắng mặt không có phép” đã trở lại quân ngũ trong tháng qua, bao gồm 3.000 người trong vòng 72 giờ kể từ khi luật được ký.