Chiến sự Nga-Ukraine ngày 3/2: Chiến sự ác liệt, Ugledar bắt đầu bị vây hãm
Hãng thông tấn RIA Novosti của Nga dẫn lời lãnh đạo Cộng hòa Nhân dân Donetks tự xưng, Denis Pushilin đăng tải, sau các đợt tấn công mãnh liệt, Quân đội Nga và đồng minh đã thiết lập dần vòng vây hình bán nguyệt xung quanh thị trấn Ugledar.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cảnh báo Quân đội Ukraine sẽ bị triệt tiêu có hệ thống nếu Mỹ và phương Tây viện trợ các loại vũ khí tấn công tầm xa. Ảnh: RIAN |
“Ugledar đang từng bước bị vây hãm. Chúng tôi đã thiết lập vòng vây để từ từ siết chặt lực lượng phòng thủ Ukraine theo hình bán nguyệt từ hướng Đông tới Đông Nam”, ông Igor Kimakovsky, Cố vấn Cộng hòa Nhân dân Donetks tự xưng cho biết.
Theo đó, quá trình vây hãm thị trấn Ugledar được tiến hành đồng thời với nỗ lực tấn công của quân đội Nga tại thị trấn chiến lược Bakhmut. Các hoạt động tấn công của phía Nga đã khiến lực lượng phòng thủ Ukraine bị động và không thể ứng cứu được cho nhau.
Ông Denis Pushilin, với thế hợp vây hiện tại, quân đội Ukraine khó có thể đổ quân và khí tài bổ sung cho lực lượng phòng thủ. Các đơn vị phòng thủ Ukraine sẽ bị bào mòn và bức hàng trong những ngày tới.
Liên quan tới tình hình chiến sự tại Bakhmut, trước sức tấn công mãnh liệt của phía Nga và thương vong lớn của các đơn vị phòng thủ, Ukraine đã phải tung các đơn vị dự bị vào trận. Tuy nhiên, “cối xay thịt” này đang khiến Kiev lưỡng lự trước việc bỏ Bakhmut hay giữ nó bằng mọi giá. Theo nhiều nguồn tin, khu vực kiểm soát của Ukraine xung quanh Bakhmut chỉ còn khoảng 10km và lực lượng phòng thủ tại đây có rất ít cơ hội chạy thoát khỏi khả năng bị hợp vây bởi lực lượng Nga.
Trong khi đó, tại Kherson, Ukraine đã cố gắng tổ chức nhiều đợt đột kích, nhưng bất thành. Quyền Thống đốc vùng Kherson, ông Volodymyr Saldo cho biết, Quân đội Ukraine đang chịu tổn thất nặng nề khi cố gắng cắt vượt sông Dniper.
"Chúng tôi đẩy lùi tất cả các cuộc đổ bộ của đối phương cố gắng băng qua và đổ bộ vào tả ngạn sông Dnepr. Kẻ thù chịu tổn thất nặng nề. Thông thường, chúng tôi tiêu diệt hoàn toàn cả quân binh và thiết bị của họ", ông V. Saldo nói.
Theo đó, quân đội Nga đã tạo ra hệ thống phòng thủ kiên cố dọc bờ Đông của sông Dniper, bao gồm cả cửa sông Dniper-Bug và vùng đồng bằng. Thật vô nghĩa khi Ukraine cố gắng vượt sông. Theo lời ông V. Saldo, quân đội Nga "chiến đấu không phải bằng số lượng mà bằng kỹ năng" để ngăn chặn các mũi tấn công vượt sông của Ukraine.
Trước đó, ông Vladimir Vasilenko, thư ký báo chí của quyền Thống đốc vùng Kherson cho biết, quân đội Nga đã đẩy lùi nỗ lực giành được chỗ đứng ở tả ngạn của phía Ukraine. Nhiều khí tài quân sự được Ukraine sử dụng trong chiến dịch vượt sông đã bị phá hủy.
Nói về hậu quả việc Mỹ và phương Tây tăng cường viện trợ quân sự cho Kiev, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố quân đội nước này sẽ đẩy lực lượng Ukraine ra xa hơn khỏi lãnh thổ Nga để đáp trả quyết định của phương Tây về việc cung cấp vũ khí tầm xa cho nước này.
Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh, các nhà tài trợ nước ngoài của Ukraine đang ngày càng sa lầy vào cuộc xung đột, và Nga sẽ đáp trả tương xứng.
“Giờ đây, mục tiêu của chúng tôi là đẩy lùi pháo binh Ukraine ra xa, đến nơi mà họ không còn có thể tạo ra mối đe dọa đối với lãnh thổ của chúng tôi. Các loại vũ khí cung cấp cho Kiev có tầm bắn càng xa, thì quân đội của họ sẽ càng bị đẩy ra xa”, ông S. Lavrov nói.
Biện pháp mà Ngoại trưởng Lavrov đề cập đến sẽ áp dụng cho các vùng lãnh thổ đã sáp nhập Nga, bao gồm Crimea, Cộng hòa Donetsk và Lugansk, cũng như các vùng Kherson và Zaporozhye. Tất cả các vùng lãnh thổ này đều sáp nhập Nga sau các cuộc trưng cầu dân ý, nhưng Ukraine và phương Tây tuyên bố không công nhận kết quả.
Mỹ đã cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine với điều kiện không được sử dụng chúng để tấn công các mục tiêu ở Nga. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ cho biết hạn chế này không áp dụng với Crimea và các vùng lãnh thổ khác vừa sáp nhập Nga. Nói cách khác, Ukraine có thể sử dụng vũ khí Mỹ để tấn công các mục tiêu ở Crimea, Donetsk, Lugansk, Kherson, Zaporozhye vì Washington không công nhận đây là lãnh thổ Nga.
Gói hỗ trợ quân sự tiếp theo của Lầu Năm Góc dành cho Ukraine được cho là sẽ bao gồm bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất, đạn cho pháo phản lực và đạn có tầm bắn 150km.
Liên tục bị bao vây và bào mòn do hỏa lực vượt trội của Nga, lực lượng phòng thủ của Ukraine tại miền Đông đã thiệt hại nghiêm trọng và có thể mất phòng tuyến bất kỳ lúc nào |
Kiev từ lâu đã vận động các đồng minh cung cấp vũ khí có uy lực cao hơn, ví dụ tên lửa đạn đạo MGM-140 ATACMS có tầm bắn tới 300km, nhưng không được Washington tán thành do lo ngại Ukraine có thể sử dụng chúng để tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga.
Ông S. Lavrov tuyên bố việc phương Tây trang bị vũ khí cho Ukraine đã không ngừng gia tăng, bắt đầu từ cung cấp mũ bảo hiểm rồi leo thang đến xe tăng, và có thể cả máy bay chiến đấu; bác bỏ tuyên bố của một số quan chức phương Tây rằng Kiev sẽ không có được máy bay chiến đấu do phương Tây sản xuất, với lý do thiếu sự nhất quán trong chính sách của họ.
“Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố NATO sẽ không bao giờ gây chiến với Nga. Nhưng Ngoại trưởng của ông, bà Annalena Baerbock, lại nói rằng họ đang trong chiến tranh với Nga", Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh, khi đề cập đến phát ngôn gây tranh cãi của người đồng cấp Đức trong tuần trước.