Chiến sự Nga-Ukraine ngày 1/7/2023: Đàm phán giải quyết xung đột có thể được khởi động trong cuối năm 2023?
Tờ The Washington Post của Mỹ dẫn các nguồn tin thân cận đăng tải, Giám đốc Cơ quan Tình báo Liên bang Mỹ (CIA) William Burns và Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky trong tháng 6 đã có cuộc hội đàm bí mật về vấn đề lãnh thổ và khả năng khôi phục đàm phán giải quyết xung đột với Nga.
Theo đó, tại cuộc họp, giới chức Ukraine đã trình bày các kế hoạch đầy tham vọng của họ về khả năng giành lại các vùng lãnh thổ Nga đã sáp nhập. Cùng với đó, Giám đốc CIA cũng được thông tin về khả năng khởi động quá trình đàm phán hòa bình với Nga dự kiến vào cuối năm 2023. Từ các thông tin được công bố, chuyến thăm của ông William Burns tới Ukraine nhằm xác nhận cam kết của phía Mỹ về việc cung cấp cho Kiev các thông tin tình báo và hỗ trợ khả năng phòng thủ của Ukraine.
Giám đốc Cơ quan Tình báo Liên bang Mỹ (CIA) William Burns. Ảnh: Reuters. |
Liên quan tới khả năng đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov đánh giá, khả năng này là hoàn toàn tồn tại. Tuy nhiên, yêu cầu tiên quyết là mục đích Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga phải thay đổi. Theo lời ông Oleksiy Reznikov, Ukraine sẵn sàng trở thành “láng giềng tốt”, nhưng với điều kiện Moscow phải xem xét lại cách tiếp cận để giải quyết xung đột.
Còn theo Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov, hiện tại Ukraine chưa có bất kỳ động thái gì về khả năng nối lại đàm phán hòa bình với Nga.
“Chúng tôi chưa thấy bất kỳ cử chỉ thiện chí nào. Sự thiếu chuẩn bị và các điều kiện không thể chấp nhận được do họ đưa ra không phải là điều kiện để khởi động lại đàm phán”, ông Dmitry Peskov nhấn mạnh.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Các vấn đề quốc tế thuộc Duma Quốc gia Nga, Dmitry Novikov cho rằng, Ukraine chỉ chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán khi thất bại về mặt quân sự. Kiev sẽ chỉ nhượng bộ khi không còn gì để mất.
This browser does not support the video element.
Một trong những điều kiện quan trọng liên quan tới khả năng nối lại đàm phán chính là vấn đề lãnh thổ. Ukraine hiện vẫn giữ nguyên quan điểm tiên quyết là không nhượng bộ. Cố vấn Văn phòng Tổng thống Ukraine, Mikhail Podolyak nhấn mạnh: “Ukraine sẽ không từ bộ một phần lãnh thổ của mình để đổi lấy hòa bình”.
Về phía Nga, Ngoại trưởng Sergey Lavrov cũng có quan điểm Moscow sẽ không nhượng bộ về vấn đề các khu vực đã sáp nhập.
“Các bạn có thể thấy đây là sự khác biệt của cách tiếp cận. Giống như khi bạn ra chợ, mọi người sẽ tìm được tiếng nói chung. Chúng tôi không có vấn đề về lãnh thổ…”, ông Sergey Lavrov nêu quan điểm. Theo Ngoại trưởng Nga, Moscow đang chiến đấu vì con người, lịch sử, tôn giáo và ngôn ngữ Nga. Ngôn ngữ Nga đang bị chèn ép và từng bước xóa bỏ tại Ukraine, các quốc gia Baltic và tại châu Âu.
Theo cách tiếp cận cứng rắn hơn, thành viên Ủy ban Các vấn đề quốc tế thuộc Hội đồng Liên bang Nga, Thượng nghị sĩ vùng Crimea Sergei Tsekov cho rằng, quá trình đàm phán hòa bình với Ukraine chỉ được nối lại khi Kiev chuyển giao các vùng Nikolaev, Odessa và Kharkov cho Nga. Cùng với đó, các mục tiêu phi quân sự hóa, phi hạt nhân hóa Ukraine sẽ không được đưa ra khỏi chương trình đàm phán.
Về tình hình chiến sự, sau nhiều nỗ lực tấn công, Quân đội Nga đã đẩy lùi hoàn toàn lực lượng Ukraine vượt sông Dnieper và tạo bàn đạp ở chân cầu Antonovsky.
Theo thông tin từ Nhóm tác chiến Dnieper và Thống đốc vùng Kherson Vladimir Saldo, lực lượng Ukraine vượt sông đã bị vô hiệu hóa hoàn toàn.
“Và cuối cùng không còn bàn đạp nào của Ukraine ở phía hữu ngạn sông Dnieper”, ông Vladimir Saldo và nhấn mạnh rằng, mọi hành động quân sự tiếp theo của Ukraine nhằm vượt sông sẽ được đáp trả thích hợp.
Ông Vladimir Saldo cho biết, lực lượng Nga đã dùng thuyền và lợi dụng đêm tối bí mật tiếp cận và tấn công các vị trí phòng thủ của Ukraine ở ven sông. Do bị bất ngờ, toàn bộ lực lượng phòng thủ Ukraine đã bị vô hiệu hóa. Đây là chiến công chung của lực lượng hỗn hợp của Nga.
Trước đó, hôm 30/6, Quân đội Nga đã sử dụng tên lửa đạn đạo Iskander-M đánh sập một vị trí phòng thủ của Ukraine ở dưới chân châu. Vụ tấn công khiến ít nhất 30 binh sĩ Ukraine thiệt mạng. Do bờ tả ngạn sông Dnieper do Ukraine kiểm soát cao hơn phía hữu ngạn của Nga nên các đơn vị Nga rất khó công phá các vị trí vượt sông của Ukraine do hỏa lực pháo binh và xe tăng chi viện từ bên kia sông.