Chiến sự Nga-Ukraine ngày 14/6/2024: Kết quả xung đột ở Ukraine sẽ quyết định hệ thống an ninh trong nhiều thập kỷ
Một số diễn biến liên quan
Kết quả xung đột ở Ukraine sẽ quyết định hệ thống an ninh trong nhiều thập kỷ. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tuyên bố, kết quả của cuộc xung đột Ukraine sẽ quyết định phương hướng cải thiện an ninh toàn cầu trong nhiều thập kỷ tới và phương Tây hiểu rõ nguy cơ này cao đến mức nào.
Phát biểu tại cuộc họp báo tại Brussels sau cuộc họp thường kỳ của nhóm phương Tây liên quan đến việc điều phối việc cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự cho Kiev, Bộ trưởng Austin cho biết: “Kết quả của cuộc chiến ở Ukraine sẽ quyết định quỹ đạo an ninh toàn cầu trong nhiều thập kỷ tới”.
Theo người đứng đầu Lầu Năm Góc, nhóm liên lạc sẽ tiếp tục tìm kiếm các phương án để hỗ trợ Kiev, bao gồm cả việc cung cấp các hệ thống phòng không.
This browser does not support the video element.
Mỹ đạt được cam kết từ 5 quốc gia về chuyển giao hệ thống Patriot cho Ukraine. Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố, Chính quyền Washington đã nhận được cam kết từ 5 quốc gia nhằm tăng cường khả năng phòng không của Ukraine bằng cách chuyển giao các hệ thống tên lửa phòng không Patriot và các hệ thống khác.
“Chúng tôi hiện đã nhận được cam kết từ 5 quốc gia về hệ thống Patriot và các hệ thống phòng không khác. Tất cả những gì chúng tôi có, sẽ chuyển đến Ukraine cho đến khi nhu cầu của họ được đáp ứng và sau đó chúng tôi sẽ thực hiện nghĩa vụ của mình với các nước khác”, ông Biden nói.
Ukraine xác nhận tấn công sâu vào Nga bằng vũ khí phương Tây. Người đứng đầu Cơ quan Tình báo Quốc phòng Ukraine Kirill Budanov cho biết, quân đội nước này đã dùng vũ khí phương Tây tấn công tầm xa vào lãnh thổ Nga.
Theo ông Budanov, việc phương Tây nới lỏng quy định sử dụng vũ khí viện trợ đã khiến tình hình trở nên dễ dàng hơn đối với Ukraine và Nga đã cảm nhận được tác động. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, tình hình mới chỉ dừng lại ở mức đó.
Ngoài ra, khi nói về "lằn ranh đỏ" của Nga, ông Budanov cho rằng, thực tế những ranh giới đỏ như vậy đã tồn tại, nhưng Ukraine đã vài lần vượt qua chúng.
Đồng thời, ông Budanov thừa nhận tình hình ở Kharkov hiện nay rất nghiêm trọng. Do vậy, ông kêu gọi các nước phương Tây viện trợ cho Ukraine nhiều hệ thống phòng không hơn nữa.
Mỹ - Ukraine ký thỏa thuận an ninh 10 năm. Ảnh: RIA Novosti |
Mỹ - Ukraine ký thỏa thuận an ninh 10 năm. Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky đã ký bản thỏa thuận an ninh 10 năm, nhằm tăng cường sự hỗ trợ của Washington dành cho Kiev.
Ông Biden tuyên bố việc Mỹ và nhiều quốc gia khác có động thái như vậy là nhằm “giúp Kiev có thể tự bảo vệ bản thân ở thời điểm hiện tại, cũng như ngăn ngừa các cuộc tấn công tiềm tàng trong tương lai”.
“Mỹ sẽ giúp Ukraine đảm bảo cả hai điều trên, không phải với việc điều binh sĩ Mỹ tới tham chiến, mà bằng việc cung cấp vũ khí và đạn dược, mở rộng việc chia sẻ thông tin tình báo, huấn luyện binh sĩ Ukraine”, ông Biden bày tỏ.
Nhà lãnh đạo Ukraine Zelensky tuyên bố Kiev và Washington đã ký kết bản thỏa thuận “mạnh mẽ nhất” từ trước tới nay.
“Triết lý thỏa thuận an ninh giữa Ukraine và Mỹ về cơ bản là triết lý của khối quân sự NATO. Mỹ ủng hộ tư cách thành viên tương lai của Ukraine trong NATO và thừa nhận thỏa thuận an ninh của chúng tôi là một cầu nối cho tư cách thành viên của Ukraine trong NATO”, ông Zelensky nhấn mạnh.
This browser does not support the video element.
Mỹ đánh giá tình hình của lực lượng Nga ở Kharkiv. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho hay, bước tiến của lực lượng Nga tại tỉnh Kharkiv thuộc đông bắc Ukraine đang chậm lại và tiền tuyến đang ổn định sau khi một số đồng minh cho phép Kiev sử dụng vũ khí viện trợ tấn công lãnh thổ Nga.
"Những gì tôi thấy là bước tiến của quân Nga đang chậm lại và sự ổn định của một phần mặt trận đó", ông Austin nói.
“Cách đây vài tuần, có lo ngại rằng chúng tôi sẽ thấy một bước đột phá đáng kể từ phía Nga. Tôi không nghĩ chúng tôi sẽ thấy điều đó tiếp diễn", Bộ trưởng Austin nhấn mạnh và khẳng định Ukraine đang sử dụng tốt vũ khí viện trợ.
G7 đồng ý cho Ukraine vay 50 tỉ USD từ tài sản Nga. Những nhà lãnh đạo của các nước G7 (gồm Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Italia và Nhật Bản) đã đồng ý một thỏa thuận cung cấp khoản vay 50 tỷ USD cho Ukraine sử dụng tiền lãi từ khoảng 300 tỷ USD từ các quỹ của Nga bị phương Tây đóng băng sau khi Moscow phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào ngày 24/2/2022.
Thỏa thuận chính trị này là tâm điểm của ngày khai mạc hội nghị thượng đỉnh thường niên của các nhà lãnh đạo G7 ở Italia, với sự tham dự của Tổng thống Zelensky năm thứ hai liên tiếp.