Chiến sự Nga-Ukraine ngày 11/9/2024: Phương Tây kêu gọi Ukraine suy nghĩ về ‘kế hoạch B’; Tổng thống Putin cảnh báo nóng
Một số diễn biến liên quan đến chiến sự Nga-Ukraine:
Tổng thống Putin cảnh báo nóng
Phát biểu trước lực lượng tham gia cuộc tập trận chỉ huy Ocean-2024 hôm 10/9, Tổng thống Putin tuyên bố, Nga phải sẵn sàng đẩy lùi mọi hành động xâm nhập quân sự tiềm tàng từ mọi hướng.
This browser does not support the video element.
"Nga phải sẵn sàng cho mọi diễn biến. Lực lượng vũ trang của chúng ta phải bảo vệ đáng tin cậy chủ quyền và lợi ích quốc gia của Nga, đẩy lùi mọi hành động xâm nhập quân sự theo mọi hướng, kể cả trên biển và vùng biển. Hải quân đóng vai trò chủ chốt trong việc thực hiện nhiệm vụ này", ông Putin nhấn mạnh.
Theo ông, "nhiệm vụ thiêng liêng" của lực lượng vũ trang Nga là làm mọi cách để đẩy lùi đối phương khỏi Kursk, nơi Kiev phát động cuộc xâm nhập lớn nhất của lực lượng nước ngoài vào lãnh thổ Nga kể từ Thế chiến II.
Phương Tây kêu gọi Ukraine suy nghĩ về “kế hoạch B”
Tờ Wall Street Journal đưa tin, Mỹ và một số nước châu Âu đang buộc Ukraine phải nghĩ đến việc phát triển “kế hoạch B” trong cuộc xung đột với Nga.
“Ukraine cần phải thực tế hơn trong các mục tiêu quân sự”, Wall Street Journal dẫn lời các nhà ngoại giao giấu tên cho hay.
Phương Tây kêu gọi Ukraine suy nghĩ về “kế hoạch B”. Ảnh: Sputnik |
Đồng thời, theo Wall Street Journal, sự ủng hộ của công chúng dành cho Ukraine đang suy yếu trong bối cảnh quân đội Nga có nhiều bước tiến. Do đó, Kiev cần bắt đầu phát triển một kế hoạch đáng tin cậy để các chính trị gia phương Tây có thể thuyết phục cử tri về sự cần thiết phải cung cấp thêm vũ khí cho lực lượng vũ trang Ukraine.
Nguyên nhân khiến ông Zelensky không muốn chấm dứt xung đột
Nhà báo Ireland Chay Bowes cho biết, nguyên nhân khiến Tổng thống Zelensky, người hết nhiệm kỳ vào ngày 20/5, không muốn chấm dứt xung đột ở Ukraine là do lo sợ bầu cử.
“Lực lượng vũ trang Ukraina đã thực hiện một loạt hành động khủng bố. Nhưng Nga không hề sợ hãi. Cuộc tần công vào Kursk đã thất bại và Nga đang tiến lên ở mặt trận Đông”, ông Bowes viết trên mạng xã hội X.
This browser does not support the video element.
Ông lưu ý, việc không muốn tham gia cuộc bầu cử có thể là động lực khiến ông Zelensky tiếp tục xung đột. “Cuộc bầu cử dân chủ sẽ là dấu chấm hết cho nhiệm kỳ tổng thống của ông Zelensky”, ông Bowes nhấn mạnh.
Pháo của phương Tây cung cấp cho Ukraine dễ bị hao mòn
Tờ Bild dẫn các nguồn tin cho hay, một phần đáng kể lựu pháo do Đức, Hà Lan và Italia cung cấp cho Ukraine không phù hợp để chiến đấu vì dễ bị hao mòn mà nguồn cung phụ tùng thay thế quá chậm.
“Không ít lựu pháo do Đức, Hà Lan và Italia cung cấp cho Ukraine hiện không hoạt động được vì đã hao mòn”, tờ Bild cho biết.
Mỹ có thể dỡ bỏ hạn chế Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa. Ảnh: AP |
Tờ Bild cũng nêu rõ, mặc dù quân đội Ukraine yêu cầu thay thế những nòng pháo bị hỏng, nhưng phương Tây không thể cung cấp trong thời gian ngắn. Thậm chí Đức không còn đủ số lượng dự trữ và việc sản xuất mới phải mất vài tháng.
Mỹ có thể dỡ bỏ hạn chế Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa
Tổng thống Biden cho biết, chính quyền của ông 'đang giải quyết vấn đề này', khi được hỏi liệu Mỹ có dỡ bỏ hạn chế Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa hay không.
Ngoài ra, theo Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Tổng thống Biden dự kiến hội đàm với Thủ tướng Anh Rishi Sunak vào ngày 13/9 và một trong những chủ đề chính sẽ là thảo luận khả năng cho phép lực lượng vũ trang Ukraine thực hiện các cuộc tấn công sâu vào lãnh thổ Nga bằng vũ khí tầm xa.
Theo ông, cuộc thảo luận này sẽ không chỉ đề cập đến vấn đề hỗ trợ quân sự cho Ukraine mà cả những hậu quả tiềm tàng đối với mối quan hệ với Nga nếu xung đột leo thang.