Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 22/12/2023: Phương Tây đang mất hứng thú với Ukraine; Hungary phản đối Kiev gia nhập NATO
Thông tin chiến sự
Nga hạ 4,6 nghìn UAV Ukraine trong năm 2023. Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Nga Valery Gerasimov cho biết, trong năm 2023, các hệ thống phòng không của Nga đã tiêu diệt hơn 6,3 nghìn mục tiêu trên không của lực lượng vũ trang Ukraine, bao gồm 4,6 nghìn UAV, hơn 100 tên lửa Storm Shadow, 90 tên lửa chống radar HARM, cũng như 30 tên lửa thuộc tổ hợp tác chiến - chiến thuật Tochka-U và hơn 1,4 nghìn quả đạn MLRS.
Theo Tổng tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Nga, việc sử dụng UAV thuộc nhiều loại và mục đích khác nhau đã trở thành một phần không thể thiếu trong các hoạt động chiến đấu.
Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 22/12/2023: Phương Tây đang mất hứng thú với Ukraine |
Số lượng tên lửa, UAV Nga sử dụng trong 22 tháng chiến sự. Theo phía Ukraine, Nga đã phóng ra hơn 10.000 tên lửa và UAV nhằm vào các mục tiêu của phía Kiev trong gần 22 tháng chiến sự giữa 2 bên.
Phát ngôn viên Không quân Ukraine Yuriy Ihnat cho biết, Nga đã phóng 7.400 tên lửa và 3.700 UAV tấn công Shahed vào các mục tiêu ở Ukraine trong cuộc xung đột kéo dài gần 22 tháng qua.
Phòng không Ukraine đã bắn rơi 1.600 tên lửa và 2.900 UAV. “Chúng tôi đang phải đối diện với một đối thủ tiềm lực mạnh và chúng tôi đang đáp trả”, ông Ihnat thông tin.
Theo ông Ihnat, tỷ lệ bắn hạ tên lửa của Ukraine thấp hơn so với UAV vì Nga sử dụng tên lửa đạn đạo nên Kiev khó đánh chặn hơn. Ngoài ra, một lý do khác là vì phương Tây chỉ cung cấp cho Ukraine các lá chắn phòng không tiên tiến nhiều tháng sau khi xung đột bùng phát.
Một số diễn biến liên quan
Khoảng 100.000 quân nhân Ukraine được đào tạo ở Mỹ và châu Âu. Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Nga Valery Gerasimov cho hay, Ukraine đã nhận từ châu Âu hơn 200 tên lửa Storm Shadow, SCALP và ATACMS, khoảng 100.000 quân nhân của lực lượng vũ trang Ukraine đã được huấn luyện ở phương Tây.
Phương Tây đang mất hứng thú với Ukraine. Chủ tịch Hội đồng Liên bang Valentina Matvienko chưa thấy các điều kiện tiên quyết để chấm dứt xung đột ở Ukraine, nhưng sự quan tâm của phương Tây đối với chủ đề này đang giảm dần.
“Thành thật mà nói, tôi chưa thấy những điều kiện tiên quyết để cuộc xung đột này dừng lại. Nhưng thực tế là sự quan tâm của phương Tây đối với chủ đề Ukraine đang giảm sút, họ không còn lý do gì để phân bổ thêm số tiền lớn cho Ukraine”, bà Matvienko nhấn mạnh.
Bà Matvienko nói thêm, phương Tây muốn buộc Nga rút quân khỏi Ukraine bằng cách đưa ra các biện pháp trừng phạt được cho là sẽ phá hủy nền kinh tế.
Hungary phản đối Ukraine gia nhập NATO. Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết, Hungary phản đối ý định gia nhập NATO của Ukraine vì điều này có thể dẫn đến việc lôi kéo các nước liên minh vào xung đột quân sự.
Người đứng đầu chính phủ Hungary nói: “Việc Ukraine trở thành thành viên NATO có nghĩa là chúng tôi sẽ buộc phải gửi quân tới đó vào sáng hôm sau. Chúng tôi không muốn điều đó”.
Ông Orban thừa nhận rằng, liên minh với một quốc gia đang có xung đột quân sự với quốc gia khác không có lợi cho Hungary.
Hungary yêu cầu EU ngừng viện trợ cho Ukraine trong 5 năm. Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho hay, Hungary đề xuất Liên minh châu Âu hạn chế cung cấp hỗ trợ tài chính cho Ukraine từ ngân sách cộng đồng trong 5 năm.
Ông Orban lưu ý, tại hội nghị thượng đỉnh bất thường của EU vào cuối tháng 1 hoặc đầu tháng 2, vấn đề sửa đổi ngân sách EU cho giai đoạn 2024 - 2027, quy định phân bổ 50 tỷ euro cho Ukraine, sẽ lại được thảo luận. Quan điểm của Hungary là không cung cấp số tiền này trong 5 năm.
Thủ tướng nhấn mạnh, Hungary không muốn tham gia vào các khoản vay tập thể và trở thành con nợ cùng với các quốc gia khác, bởi vì nước này chưa nhận được một đồng nào từ Quỹ phục hồi đại dịch châu Âu, vốn cũng được bổ sung thông qua các khoản vay.
Italy tuyên bố cần chuyển sang giai đoạn đàm phán về Ukraine. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Italy Guido Crosetto, cộng đồng quốc tế ngày nay phải suy nghĩ xem liệu xung đột ở Ukraine có thể đạt được bằng các biện pháp chính trị hay không.
“Chúng ta phải tiến hành từ tình hình hiện tại ở mặt trận, hiểu những vùng lãnh thổ nào ở Ukraine đã quay trở lại, bảo toàn được và cuộc phản công của lực lượng vũ trang Ukraine không thể tiếp tục. Dựa trên tiền đề này, rõ ràng là cần phải chuyển từ giai đoạn xung đột quân sự sang giai đoạn đàm phán chính trị”, ông Crosetto nói. Đồng thời, Bộ trưởng nói thêm, Italy sẽ tiếp tục gửi cho Ukraine những vũ khí cần thiết vào năm 2024.
Ukraine không đủ quân để huấn luyện xe tăng Leopard 2. Nhà báo Paul Ronzheimer của tờ Die Welt (Đức) cho biết, các trung tâm ở Đức, nơi quân nhân Ukraine được đào tạo để vận hành xe tăng Leopard 2 chỉ có một nửa lực lượng, điều này cho thấy sự thiếu hụt nhân sự trong lực lượng vũ trang Ukraine.
Theo nhà báo, ở Ukraine từ lâu đã có vấn đề trong việc tuyển dụng tân binh ra mặt trận. “Nếu xung đột kéo dài, xu hướng này sẽ gây ra nhiều vấn đề, vì kết quả của nó phần lớn phụ thuộc vào số lượng quân mỗi bên có”, ông Ronzheimer nhận định.
Đợt huy động quân mới ở Ukraine sẽ mất ít nhất 1 năm. Thư ký Hội đồng Quốc phòng và an ninh quốc gia Ukraine, ông Oleksiy Danilov cho biết, việc huy động thêm 500 nghìn người nữa vào hàng ngũ lực lượng vũ trang Ukraine sẽ mất ít nhất 1 năm.
“Những người ở tuyến đầu cần được định kỳ thay thế, cho nghỉ ngơi, luân chuyển. Hãy nhớ rằng con số 500 nghìn không phải là chuyện một lần và việc nhập ngũ sẽ không xảy ra hay được thực hiện trong 1 ngày hoặc 1 tháng, nó sẽ được kéo dài ít nhất 1 năm để chúng tôi có thể làm việc một cách có hệ thống”, ông Danilov nói.