Chiến sự Nga-Ukraine 27/5/2024: Tổng thống Macron kêu gọi châu Âu chuẩn bị cho mọi kịch bản vì hòa bình ở Ukraine
Thông tin chiến sự
Nga tập kích sân bay miền tây Ukraine. Quân đội Nga thông báo đã tiến hành các vụ tập kích chính xác vào cơ sở hạ tầng quân sự cũng như mạng lưới điện ở thành phố Starokonstantinov thuộc vùng Khmelnytskyi, miền tây Ukraine vào đêm 25/6, rạng sáng 26/5.
Ông Sergei Lebedev, điều phối viên của lực lượng ngầm của Nga cho hay, một trong các mục tiêu là sân bay Starokonstantinov, dự kiến sẽ trở thành nơi chính triển khai các máy bay chiến đấu F-16 của Kiev. Trong khu vực sân bay này còn có kho chứa bom, bãi huấn luyện và trạm biến áp điện.
Theo ông Lebedev, tên lửa và UAV của các lực lượng Moscow đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho cơ sở hạ tầng quân sự của Ukraine.
Giao tranh căng thẳng tại Donetsk và Kharkiv. Ảnh: RIA Novosti |
Giao tranh căng thẳng tại Donetsk và Kharkiv. Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine cho biết, trong ngày qua có 27 cuộc đụng độ ở Pokrovsk, Donetsk (miền Đông Ukraine).
“Hướng Pokrovsk ở Donetsk là khó khăn nhất, dù vậy, quân đội Nga vẫn tiếp tục nỗ lực tấn công ở Kharkiv, đặc biệt là ở các khu vực Vovchansk và Lyptsi”, ông Zelensky nói.
Trên hướng Kharkiv, Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine cho hay, có tổng cộng 11 trận giao chiến trong ngày. Tại Kupiansk (Kharkiv) tiếp tục chứng kiến các cuộc giao tranh.
Nga tuyên bố kiểm soát thêm làng ở Kharkiv. Bộ Quốc phòng Nga cho biết, các đơn vị thuộc nhóm chiến đấu Zapad (miền tây) của nước này đã giành thêm quyền kiểm soát làng Berestovoye thuộc Kharkiv, đông bắc Ukraine.
Theo phía Nga, trong 24 giờ qua, nhóm chiến đấu Sever (miền bắc) cũng tiến sâu hơn vào Kharkiv, tấn công nhân lực và trang thiết bị của lữ đoàn bộ binh cơ giới số 57 và lữ đoàn bảo vệ lãnh thổ số 125 của Ukraine tại một số khu định cư trong vùng.
“Đối phương đã mất tới 300 binh sĩ, 4 phương tiện, một bệ phóng tên lửa tự hành Grad, một lựu pháo 155-mm M777 do Mỹ sản xuất, một pháo tự hành Akatsiya cũng như một khẩu pháo D-30 122 mm”, Bộ Quốc phòng Nga thông báo.
Một số diễn biến liên quan
Ông Macron kêu gọi châu Âu chuẩn bị cho mọi kịch bản vì hòa bình ở Ukraine. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Đức Frank-Walter Steinmeier, các nước châu Âu cần hoàn toàn ủng hộ Ukraine và chuẩn bị cho mọi kịch bản để đạt được hòa bình.
Theo nhà lãnh đạo Pháp, những thách thức hiện tại đòi hỏi một “bước nhảy vọt” trong hợp tác giữa Paris và Berlin để chuẩn bị cho tương lai ở Ukraine.
"Chúng tôi đã thực hiện bước nhảy vọt này ngay từ đầu cuộc xung đột, nhưng cần phải tiến xa hơn nữa. Chúng tôi đã có quan điểm cứng rắn. Chúng tôi cũng sẽ nêu vấn đề này tại Hội đồng Bộ trưởng và Hội đồng Quốc phòng Pháp-Đức”, ông Macron nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Italy kêu gọi ông Stoltenberg từ chức sau những phát biểu về Ukraine. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng và Giao thông Italy Matteo Salvini, người đứng đầu đảng Liên đoàn trong liên minh cánh hữu cầm quyền cho rằng, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg sau khi phát biểu về việc Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây tấn công lãnh thổ Nga nên xin lỗi hoặc từ chức.
“Stoltenberg nên xin lỗi hoặc từ chức vì ông ấy không thể nói về chiến tranh, về việc sử dụng bom, tên lửa và vũ khí mà chúng tôi gửi đến Ukraine để phòng thủ, để chiến đấu”, ông Salvini nói.
Đức phản đối cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu ở Nga bằng vũ khí phương Tây. Thủ tướng Đức Olaf Scholz phản đối việc thay đổi thỏa thuận với Ukraine và cho phép lực lượng vũ trang Ukraine thực hiện các cuộc tấn công vào các mục tiêu quân sự ở Nga bằng vũ khí phương Tây.
“Có những quy định rõ ràng về vũ khí được cung cấp cho Ukraine, không có lý do gì để thay đổi chúng”, ông Scholz nhấn mạnh.
NATO không thiết lập lá chắn tên lửa ở Ukraine. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố, khối này không có ý định thiết lập lá chắn tên lửa phía trên bầu trời Ukraine như đề xuất của Kiev.
“Mặc dù đang tăng cường hỗ trợ cho hoạt động phòng vệ của Ukraine nhưng chúng tôi không có kế hoạch gửi quân NATO tới Ukraine hoặc mở rộng lá chắn phòng không của NATO tới quốc gia này. NATO sẽ không trở thành một bên tham gia cuộc xung đột”, ông Stoltenberg nói.
Tuyên bố của Tổng thư ký NATO được đưa ra sau khi Kiev đề nghị các nước phương Tây thiết lập hệ thống phòng không để bắn hạ các tên lửa Nga đang lao tới Ukraine.
Ukraine muốn lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc dự họp ở Thụy Sĩ. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi người đồng cấp Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự hội nghị hòa bình sắp diễn ra tại Thụy Sĩ nhằm chấm dứt cuộc xung đột với Nga.
Ông Zelensky cho biết, hơn 80 quốc gia sẽ tham dự hội nghị hòa bình ở Thụy Sĩ. “Tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới vẫn đang đứng ngoài những nỗ lực của Hội nghị hòa bình toàn cầu, Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình. Xin hãy thể hiện sự lãnh đạo của các ngài trong việc thúc đẩy hòa bình thực sự, không chỉ là sự tạm dừng giữa các vụ tấn công”, Tổng thống Ukraine nhấn mạnh. Theo ông, hội nghị sắp tới sẽ "cho thấy ai trên thế giới thực sự muốn chấm dứt xung đột".