Chiến sự Nga-Ukraine 13/2: Ukraine sẽ công bố “sự kiện đặc biệt” kỷ niệm 1 năm ngày xảy ra xung đột
Dù thông cụ thể không được công bố, nhưng Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine ông Dmitry Kuleba khẳng định sẽ có những quyết định chính trị và quân sự quan trọng được thông qua trong các ngày 23 và 24/2 tới: “Sẽ có nhiều tín hiệu quan trọng liên quan tới cuộc chiến. Các lệnh trừng phạt bổ sung, viện trợ quân sự và các cam kết về sự đoàn kết của quốc tế đối với Ukraine được thông qua”.
Khi Nga đang tăng cường tấn công ở miền Đông, lực lượng phòng thủ Ukraine tỏ ra đuối sức trước hỏa lực và ưu thế vượt trội của Moscow. Ảnh: Defense News. |
Trước đó, hôm 13/2, đã có thông tin về việc Đại hội đồng Liên hợp quốc đang xem xét dự thảo ra nghị quyết chống lại hoạt động quân sự của Nga tại Ukraine với nội dung “Vì nền tảng hòa bình toàn diện, công bằng bền vững cho Ukraine” do các quốc gia phương Tây đề xuất. Mục tiêu chính của nghị quyết mới là bác bỏ các đề xuất hòa bình của Nga và yêu cầu Moscow thực hiện đề xuất hòa bình của Kiev về việc chuyên giao các vùng lãnh thổ, bao gồm cả bán đảo Crimea.
Cùng với đó, Bộ Ngoại giao Ukraine đang theo đuổi hội nghị thượng đỉnh vì hòa bình tại Ukraine tại trụ sở Liên hợp quốc trong tháng 2/2023 mà không có sự tham dự của Nga.
“Mọi cuộc chiến đều kết thúc bằng đàm phán hòa bình. Việc Nga có tham dự hội nghị hay không sẽ chỉ được quyết định sau khi thành lập tòa án quốc tế xét xử tội ác chiến tranh tại xung đột Ukraine”, ông Dmitry Kuleba nhấn mạnh.
Phản ứng trước tuyên bố của Kiev, Đại diện thường trực của Nga tại Liên hợp quốc, Vasily Nebenzyev khẳng định, ý tưởng tổ chức hội nghị trên không thực tế và chỉ là hành động của Kiev nhằm hài lòng các quốc gia viện trợ phương Tây. Ukraine luôn có “ý tưởng viển vông” về việc Nga sẽ đầu hàng để giải quyết xung đột trong hòa bình. Điều này cũng giúp giải thích vì sao Nga sẽ không được mời tham gia hội nghị.
Về tình hình chiến sự tại miền Đông, Quân đội Nga đang đẩy mạnh các hoạt động trên toàn tuyến với nhiều mũi tấn công thọc sâu gây tổn thất nặng nề cho phía Ukraine.
Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Nga, Quân đội Nga đang mở rộng chiến tuyến theo hướng Krasny Liman (Lugansk) với sự hỗ trợ của hỏa lực pháo binh và không quân để gây thiệt hại nặng cho phía Ukraine giữ chiến tuyến.
Cùng với đó, Nga đã kiểm soát hoàn toàn thị trấn Soledar với những hình ảnh binh sĩ Wagner đi tuần bên trong thị trấn.
Tại Ugledar, các mũi giáp công của Ngacũng đang vây chặt lượng Ukraine phòng thủ và buộc Kiev phải tung lực lượng dự bị vào trận.
Donbass hiện là mặt trận giao tranh khốc liệt nhất khi cả Nga và Ukraine đều muốn kiểm soát khu vực này và gây tổn hại cho đối phương. Tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraine hôm 11/2 cho biết Nga thực hiện khoảng 50 cuộc tấn công mỗi ngày ở Donetsk, đồng thời nhấn mạnh Ukraine tiếp tục giữ được Bakhmut và phải ổn định tiền tuyến xung quanh thành phố chiến lược này.
Nhiều quốc gia châu Âu tỏ ra không mấy mặn mà với đề xuất viện trợ máy bay chiến đấu đăt tiền cho Kiev |
Liên quan tới đề nghị viện trợ máy bay chiến đấu của Ukraine, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda tuyên bố việc giao máy bay F-16 cho Kiev là một quyết định "rất nghiêm trọng" và sẽ "không dễ dàng" thực hiện. Tuyên bố này giáng một đòn mạnh vào hy vọng của ông Zelensky về các gói viện trợ máy bay chiến đấu từ Mỹ và phương Tây.
Ba Lan là một trong những quốc gia ủng hộ mạnh mẽ Ukraine nhất kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch đặc biệt vào nước này. Trong tháng 1/2023, Ba Lan là một trong số các quốc gia cam kết gửi thêm xe tăng, đạn dược và thiết bị quân sự tới tiền tuyến ở Ukraine.
Tổng thống A. Duda và người đồng cấp Ukraine đã có cuộc điện đàm trong tuần này - sau khi nhà lãnh đạo Ukraine kết thúc chuyến công du chớp nhoáng các quốc gia châu Âu. Tại London, ông V. Zelensky đưa ra bài phát biểu cảm xúc và gây ấn tượng mạnh tại Quốc hội Anh để kêu gọi các đồng minh của Ukraine gửi máy bay chiến đấu để giúp nước này chống lại Nga trên không: "Tôi kêu gọi các bạn và thế giới bằng những từ đơn giản, nhưng quan trọng nhất - máy bay chiến đấu cho Ukraine, đôi cánh cho tự do".
Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn hôm 12/2, ông A. Duda đã bất ngờ đưa ra những tuyên bố khiến hy vọng của Tổng thống Zelensky về những chiếc máy bay chiến đấu phương Tây trở nên mong manh, xa vời hơn: "Quyết định tặng bất kỳ loại máy bay chiến đấu nào, bất kỳ chiếc F-16 nào cho một nước bên ngoài Ba Lan là một quyết định rất khó khăn và đó không phải là điều dễ dàng đối với chúng tôi”.
Ba Lan hiện có ít hơn 50 máy bay chiến đấu nên đề nghị của phía Ukraine rất khó thực hiện. "Chúng tôi không có đủ những chiếc máy bay này (để sử dụng)", nhà lãnh đạo Ba Lan cho biết.
Ông cũng nhấn mạnh rằng các máy bay chiến đấu như F-16, có "nhu cầu bảo dưỡng rất lớn" nên "chỉ gửi một vài máy bay là không đủ". Ngoài ra, Ba Lan là thành viên của NATO, bất kỳ quyết định nào về việc viện trợ máy bay chiến đấu đều phải là một "quyết định chung" của các khối.
Các tuyên bố trên được cho là đã giáng một đòn mạnh vào hy vọng của ông V. Zelensky về việc được viện trợ máy bay chiến đấu vì Ba Lan là một trong những đồng minh quan trọng của Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.