Chiến sự Israel-Hamas ngày 5/12/2023: Israel có thể bơm nước biển làm ngập hệ thống đường hầm ở Dải Gaza
Tờ The Wall Street Journal dẫn nguồn tin từ Chính phủ Mỹ đăng tải, Israel đang xem xét khả năng làm ngập hệ thống đường hầm dưới lòng đất tại /chu-de/dai-gaza.topic bằng nước biển. Tel Aviv tin rằng đây là cách hiệu quả để vô hiệu hóa nơi ẩn náu của các chiến binh Hamas.
Theo The Wall Street Journal, Lực lượng Phòng vệ /chu-de/chien-su-israel-hamas.topic (IDF) đã hoàn thành việc lắp đặt 5 trạm bơm gần trại tị nạn Al-Shati vào giữa tháng 11/2023. Những hệ thống lắp đặt này có khả năng bơm nước từ Biển Địa Trung Hải để làm ngập các đường hầm trong vòng vài tuần.
Việc bơm nước biển làm ngập hệ thống đường hầm tại Dải Gaza ẩn chứa nhiều nguy cơ lâu dài. Ảnh: Getty. |
Chính quyền Israel vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng. Cả Mỹ và Israel hiện vẫn chưa thống nhất được về phương án thực hiện.
Vì mức độ kín nước chính xác của các đường hầm không rõ ràng nên không thể tính toán được tác động của việc cố gắng làm ngập các đường hầm bằng nước biển, cũng không thể biết điều gì sẽ xảy ra với hệ thống cấp thoát nước của Dải Gaza. Việc bơm nước biển ngập các đường hầm cũng có thể làm các hóa chất độc hại có thể ngấm sâu vào lòng đất gây ô nhiễm lâu dài.
Theo một số cựu quan chức Mỹ, biện pháp như vậy có thể đẩy Tổng thống Mỹ Joe Biden và Washington vào tình thế khó khăn khi bị cả thế giới lên án. Hơn nữa, kể cả khi đường hầm bị ngập nước, các chiến binh Hamas ẩn náu ở đó vẫn có thể thoát thân. Theo một cựu quan chức CIA, việc làm ngập các đường hầm có thể buộc Hamas phải rời bỏ chúng, nhưng nước biển có thể làm “trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo” ở Dải Gaza.
Vào tháng 11/2023, cựu Thủ tướng Israel Ehud Barak cảnh báo, Tel Aviv chỉ còn vài tuần nữa để tiêu diệt phong trào Hamas vì thiện cảm với nhà nước Israel, đặc biệt là ở Mỹ, đã suy yếu do các cuộc tấn công của IDF vào Gaza.
Theo tờ Politico, Mỹ đang tính toán tới khả năng chuyển giao quyền kiểm soát Dải Gaza cho Chính quyền Quốc gia Palestine (PNA) mới sau khi xung đột với Israel kết thúc.
Kể từ giữa tháng 10/2023, giới chức Bộ Ngoại giao Mỹ, Nhà Trắng và đại diện các quốc gia trong khu vực Cận Đông đã hoạch định chiến lược đảm bảo an ninh ở Dải Gaza sau cuộc xung đột hiện nay.
Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: “PNA cần có ảnh hưởng chính trị mạnh mẽ khi đóng vai trò lãnh đạo ở Dải Gaza, nhưng lực lượng này có những vấn đề nghiêm trọng về tính hợp pháp và năng lực”.
Chiến lược mới do Mỹ khởi xướng bao gồm việc tăng cường hỗ trợ an ninh do Văn phòng Quan hệ Quốc tế của Bộ Ngoại giao cung cấp cho PNA. Giới chức Mỹ nhấn mạnh các ý tưởng được đưa ra chỉ mới nổi và còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khó lường.
Về vấn đề này, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, sau cuộc gặp với Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi nói rằng, Washington không tán thành lời kêu gọi của Israel yêu cầu cư dân Dải Gaza rời khỏi khu vực và không chấp thuận kịch bản đó “trong mọi trường hợp”.
Liên quan tới cuộc xung đột, tờ Politico đăng tải, nhiều quan chức Mỹ tỏ ra thất vọng trước phản ứng của Tổng thống Joe Biden trước các cuộc tấn công gần đây của phiến quân Houthi ở Yemen nhằm vào các tàu thương mại của Mỹ ở Biển Đỏ. Đặc biệt, họ tỏ ra phẫn nộ trước nỗ lực bưng bít vụ việc của Washington, chiếm hạm Hải quân Mỹ đã tham gia hoạt động ngăn chặn.
Mỹ và đồng minh đang tìm phương án giải quyết vấn đề hậu xung đột tại Dải Gaza thông qua một chính quyền Palestine mới tại đây. Ảnh: Reuters. |
“Mọi người nghĩ rằng nó liên quan đến Israel, nhưng vì tình hình ở Dải Gaza đang trở nên khó khăn nên không ai nói gì cả. Thế giới phải lên án điều này”, một quan chức Mỹ giấu tên cho biết.
Politico cũng dẫn lời Đô đốc Christopher Grady, Phó chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ cho rằng các cuộc tấn công vào tàu Mỹ ở Biển Đỏ là một "vấn đề lớn" và nói rằng đây "là sự mở rộng của những gì có thể là một cuộc xung đột lớn hơn giữa Israel và Hamas". Những tuyên bố như vậy mâu thuẫn với những thông điệp gần đây từ Lầu Năm Góc kêu gọi tách biệt các sự kiện đang diễn ra với nhau tại khu vực Trung Đông.