Chiến sự Israel – Hamas ngày 16/3/2024: Israel chuẩn bị hoạt động quân sự nhằm vào Rafah
Theo tờ The Times of Israel, Thủ tướng /chu-de/chien-su-israel-hamas.topicBenjamin Netanyahu vừa thông qua kế hoạch can thiệp quân sự vào thành phố Rafah ở phía nam Dải Gaza và bác bỏ mọi đề xuất ngừng bắn với phong trào Hamas.
"Quân đội đang chuẩn bị cho chiến dịch, cũng như hoạt động sơ tán dân thường ở Dải Gaza", Văn phòng Thủ tướng Israel thông tin, nhưng không tiết lộ thời điểm bắt đầu hoạt động quân sự.
Thủ tướng Israel đã bác bỏ đề xuất ngừng bắn, trao đổi con tin Israel lấy tù nhân Palestine do Hamas đề xuất và chỉ trích những điều khoản do nhóm vũ trang Palestine đề xuất "vẫn còn quá vô lý". Ông cũng thông báo sẽ cử phái đoàn đến Qatar để tiếp tục đàm phán hòa bình "sau khi nội các an ninh thảo luận về quan điểm và vị thế của Israel".
Thành phố Rafah ở miền Nam Dải Gaza có thể là mục tiêu tiếp theo của Israel. Ảnh: Reuters |
Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ và Trung Quốc bày tỏ phản đối chiến dịch tiến công Rafah do Israel dự định tiến hành
Rafah là thành phố lớn ở miền Nam Dải Gaza và có cửa khẩu nối sang Ai Cập. Hơn một nửa trong số 2,3 triệu dân Palestine tại Dải Gaza đã chạy nạn về thành phố này để tránh giao tranh tại các khu dân cư gần biên giới với Israel. Tel Aviv đang tập trung tấn công Rafah để vô hiệu hóa những đơn vị quân sự còn lại của Hamas
Tổng thống Mỹ Joe Biden nhiều lần khẳng định lập trường phản đối Israel mở chiến dịch quân sự nhằm vào thành phố Rafah. Trung Quốc hôm 13/3 kêu gọi Israel dừng chiến dịch ở Rafah sớm nhất có thể, cảnh báo "thảm họa nhân đạo nghiêm trọng" nếu giao tranh tiếp diễn.
Ai Cập cũng đe dọa đình chỉ Hiệp định Trại David nếu quân đội Israel tấn công Rafah. Hiệp định Trại David là thỏa thuận hòa bình được Ai Cập và Israel ký tháng 9/1978 với Mỹ làm trung gian. Đây được coi là nền tảng cho ổn định trong khu vực trong gần nửa thế kỷ qua.
Liên Hợp Quốc cũng cảnh báo Israel về việc mở chiến dịch ở Rafah khi chưa có kế hoạch bảo vệ dân thường.
Cùng thời điểm, đã xuất hiện thông tin lãnh đạo phong trào Houthi và Hamas đã bí mật gặp gỡ để thảo luận việc phối hợp hành động chống Israel.
Hãng tin AFP dẫn nguồn tin từ hai nhóm vũ trang /chu-de/chien-su-israel-hamas.topic và Hồi giáo Jihad Palestine (PIJ) tại Dải Gaza đăng tải, Houthi, Hamas và phong trào Mặt trận Nhân dân Giải phóng Palestine (PLFP) tuần trước đã tổ chức "cuộc gặp quan trọng".
Lãnh đạo các phong trào đã thảo luận về "cơ chế phối hợp hành động kháng cự" cho giai đoạn tiếp theo của xung đột tại Dải Gaza, cũng như khả năng Israel mở chiến dịch trên bộ nhằm vào Rafah. Đại diện Houthi cũng xác nhận lực lượng này sẽ tiếp tục tấn công các tuyến hàng hải trên Biển Đỏ để "hỗ trợ cuộc kháng chiến của người Palestine".
Hamas và Houthi là đồng minh trong "trục kháng chiến" tại Trung Đông để chống Israel và phương Tây. Phong trào Houthi ở Yemen bắt đầu tấn công tuyến hàng hải quốc tế trên Biển Đỏ và Vịnh Aden kể từ tháng 11/2023 với tuyên bố nhằm thể hiện tình đoàn kết với người Palestine ở Gaza, nơi Israel đang tiến hành cuộc chiến chống Hamas.
Lực lượng Mỹ và Anh đã mở nhiều đợt không kích nhằm vào Houthi, nhưng chưa ngăn được hoạt động tấn công tàu hàng do nhóm thực hiện.
Cuộc chiến tại Dải Gaza đang gây thương vong lớn cho dân thường. Ảnh: AP |
Thủ lĩnh lực lượng Houthi Abdul Malik al-Houthi tuyên bố lực lượng này sẽ tấn công cả "tàu hàng liên hệ với Israel" đi qua Ấn Độ Dương tới Mũi Hảo Vọng, thay vì chỉ nhắm vào các tàu ở Biển Arab, Biển Đỏ và Vịnh Aden.
Nhiều công ty vận tải gần đây ngừng cho tàu hàng đi qua Biển Đỏ và chuyển sang tuyến đường vòng qua Mũi Hảo Vọng ở phía Nam châu Phi, với quãng đường dài hơn và chi phí cao hơn, nhằm tránh nguy cơ bị tập kích bởi Houthi.
Giới chức y tế địa phương cho biết, tính đến hết ngày 15/3, cuộc xung đột ở Dải Gaza đã khiến 31.490 người thiệt mạng và 73.439 người bị thương, trong đó phần lớn là phụ nữ và trẻ em.