Chiến lược tiếp cận thị trường và xây dựng thương hiệu thủy sản tại Vương quốc Anh
Xuất khẩu thủy sản tận dụng tốt UKVFTA
Sau hơn 3 năm thực thi, những kết quả tích cực Hiệp định UKVFTA mang lại đối với hoạt động thương mại, đầu tư giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Vương Quốc Anh đã được khẳng định rõ ràng. Trong đó, thủy sản là ngành hàng đã và đang được hưởng lợi nhiều nhất.
Thông tin cụ thể về tình hình tận dụng ưu đãi từ UKVFTA của ngành thủy sản, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) - cho biết, lợi thế mà UKVTA mang lại đó là ngay khi có hiệu lực, thuế quan ưu đãi xuất khẩu đối với ngành hàng tôm, cá tra đã chuyển về 0%. Hiện nay, mặt hàng tôm đang chiếm 70% tổng kim ngạch mà xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Anh và xuất khẩu cá tra chiếm 20%.
Như vậy, kim ngạch xuất khẩu của hai mặt hàng này đã chiếm 90% trong tổng số kim ngạch xuất khẩu trung bình của Việt Nam trong 3 năm qua, chiếm khoảng 300 - 350 triệu USD/năm, tương đương với khoảng 4% tổng kim ngạch xuất khẩu của thủy sản Việt Nam ra toàn cầu.
“Đây là một con số rất ấn tượng. Bởi nếu nhìn vào thị trường đơn lẻ, Anh đang là thị trường đứng thứ 6 của thủy sản Việt Nam. Mặc dù chưa vào câu lạc bộ tỷ USD, nhưng 9 tháng qua, xuất khẩu thủy sản sang Anh đã tăng trưởng khoảng 8% so với cùng kỳ năm trước” - ông Nguyễn Hoài Nam thông tin và nhận định, những lợi thế ưu đãi từ Hiệp định UKVFTA đã thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu ngành hàng thủy sản sang Vương quốc Anh bất chấp những tác động từ đại dịch Covid-19 hay những cuộc xung đột địa chính trị trên toàn cầu.
Ngay khi Hiệp định UKVFTA có hiệu lực, những mặt hàng chính của ngành hàng thuỷ sản có dòng thuế nhập khẩu đã chuyển về 0% ngay, cụ thể là mặt hàng tôm, cá tra. Ảnh: Trung Thắng |
Không chỉ vậy, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Anh đang có lợi thế cạnh tranh hơn so với những thị trường khác, bởi các thị trường như Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan... đều chưa có FTA với Vương quốc Anh. Song, để tận dụng được tốt hơn những ưu đãi thuế quan từ Hiệp định này, ông Nam cho rằng, cần sẵn sàng và chủ động nguồn nguyên liệu. Cùng đó, chú trọng nâng cao chất lượng, năng lực cung ứng để gia tăng thị phần tại Anh.
Chiến lược và cách tiếp cận thông tin thị trường
Chia sẻ những thuận lợi trong cách tiếp cận và tìm kiếm thông tin thị trường, đối tác khi xuất khẩu sang Vương quốc Anh của các doanh nghiệp thủy sản trong nước, ông Nguyễn Hoài Nam cho rằng, đó là những quy định cơ bản về an toàn thực phẩm, về truy xuất nguồn gốc, thực hiện các trách nhiệm liên quan đến xã hội hoặc trách nhiệm về nguồn lợi... vẫn cơ bản giữa nguyên so với thời điểm Anh vẫn thuộc Liên minh châu Âu.
Đây là thuận lợi lớn nhất, bởi doanh nghiệp trong nước đã có nhiều năm, nhiều kinh nghiệm để làm việc với các đối tác châu Âu, tương đối hiểu về thị trường này để chủ động kế hoạch nuôi trồng, khai thác, xuất khẩu. Thời gian qua, để hỗ trợ doanh nghiệp thủy sản tăng thị phần tại Anh, VASEP đã thực hiện nhiều biện pháp.
Thứ nhất, thường xuyên cập nhật thông tin thị trường, những quy định thay đổi của thị trường; thường xuyên cập nhật thông tin liên quan đến quy định về IUU... của thị trường Anh để giữ vững đà xuất khẩu.
Thứ hai, đăng tải những thông tin thị trường trên Cổng thông tin điện tử của Hiệp hội. Hiện nay, Cổng thông tin này đang là điểm truy cập rất lớn, địa chỉ tin cậy để doanh nghiệp thủy sản cả nước truy cập, tìm hiểu thông tin quy định của thị trường nhập khẩu, trong đó, có thị trường Anh.
Thứ ba, với riêng thị trường Anh, VASEO có mối quan hệ với Seafish - Liên đoàn Thủy sản của Anh quốc, có chức năng tương tự như với VASEP và Seafish thường xuyên có những hỗ trợ rất lớn cho ngành thủy sản, bao gồm cả đến tận người tiêu dùng.
“Bên cạnh kênh chính thống của Chính phủ Anh, Seafish cũng là kênh để VASEP cũng như doanh nghiệp thủy sản có thêm thông tin về xu hướng tiêu dùng để có định hướng về mặt hàng” - ông Nguyễn Hoài Nam chia sẻ và nhấn mạnh, thông qua Seafish, doanh nghiệp tôm trong nước đã nắm bắt được xu hướng tiêu dùng của thị trường, xuất khẩu tôm sang Anh đang chiếm 61% trong tổng thị phần tôm nhập khẩu của thị trường này.
Trong thời gian tới, để đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường và xây dựng thương hiệu tại Anh, VASEP sẽ tiếp tục cùng doanh nghiệp cập nhật thường xuyên, liên tục những thay đổi của thị trường, cũng như những quy định đối với hàng hóa khi xuất khẩu vào thị trường này.
Về phía doanh nghiệp, cần phải tra cứu, tìm hiểu kỹ lưỡng thông tin về thị trường, về thương mại, hệ thống dữ liệu về doanh nghiệp và đóng thuế… của Chính phủ Anh thông qua các nền tảng của Bộ Kinh doanh và Thương mại Anh, công cụ tra cứu bản đồ thương mại ITC để theo dõi tình hình của xuất nhập khẩu cũng như từng ngành hàng, mặt hàng cụ thể.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng có thể tìm kiếm thông tin về thị trường thông qua Cổng thông tin FTA của Bộ Công Thương, qua hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài…
Doanh nghiệp cũng có thể tìm kiếm thông tin về thị trường Anh thông qua Cổng thông tin FTA của Bộ Công Thương, qua hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài. Ảnh minh họa |
Tới đây, khi Anh chính thức là thành viên của CPTPP, đây vừa là cơ hội cho hàng hóa Việt Nam song cũng là thách thức. Với việc Anh tham gia CPTPP, khả năng tiếp cận của nông sản Việt Nam cũng sẽ được cải thiện. Những năm gần đây, ngành nông nghiệp Việt Nam, trong đó có thủy sản, đang chuyển đổi theo hướng giám phát thải, áp dụng các quy trình hữu cơ và khai thác nguồn năng lượng tái tạo.
Những nỗ lực bảo vệ môi trường này sẽ tạo được thiện cảm với người tiêu dùng Anh, những người ưu tiên hàng có truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường và đảm bảo tiêu chuẩn đạo đức.
Tuy nhiên, thé vàng IUU tiếp tục là thách thức đối với xuất khẩu thủy sản, nếu không tháo gỡ được trong năm 2024, sẽ khiến xuất khẩu sang EU nói chung, Anh nói riêng sẽ đình trệ vì thủ tục xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác còn bất cập do các yếu tố nguồn lực, nhân lực và cơ sở hạ tầng không đáp ứng. Những ngành hàng như cá ngừ, mực, bạch tuộc và cá biển bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Vì vậy, để nâng cao hiệu quả của chiến lược cũng như tìm kiếm thông tin thị trường, ông Nam cho rằng, cần sự đồng hành, hỗ trợ từ các chính sách của Chính phủ, các bộ ngành. Bởi, Hiệp định là một điều kiện cần; điều kiện đủ chính là các quá trình nội luật và cải cách thủ tục hành chính, quy định hành chính sẽ làm cho doanh nghiệp Việt có thêm năng lực cạnh tranh.
Các hiệp định thương mại tự do là sân chơi do Nhà nước, Chính phủ tạo ra, nếu cộng đồng doanh nghiệp trong nước không tận dụng, không chủ động lớn mạnh để gia tăng cạnh tranh, chúng ta sẽ bị mất thị phần.