Chi trả dịch vụ môi trường rừng: Khó nhưng bắt buộc phải thực hiện
Đây là khẳng định của Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - ông Hà Công Tuấn - tại Hội thảo góp ý dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với dịch vụ hấp thụ và lưu giữ CO2 của rừng, do Bộ NN&PTNT tổ chức sáng ngày 7/8 tại Hà Nội.
Xi măng, nhiệt điện sẽ thí điểm thực hiện đầu tiên
Theo kết quả kiểm kê khí nhà kính quốc gia đã chỉ ra nhóm các nhà máy nhiệt điện và xi măng là nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất. Trong đó, trên 99% phát thải của các nhà máy này là khí CO2. Tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam chưa có bất kỳ cơ chế tài chính nào đối với khí CO2.
Theo dự thảo Quyết định, 4 địa phương được lựa chọn thí điểm là Quảng Ninh, Thanh Hóa, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam với 20 đơn vị là các cơ sở sản xuất có nguồn khí phát thải lớn gồm: 9 tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh nhiệt điện than (phát thải từ 1,5 - 7,3 triệu tấn CO2/cơ sở/năm); 11 tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh xi măng (phát thải từ 0,7 - 3,1 triệu tấn CO2/cơ sở/năm).
Dự thảo cũng quy định về mức chi trả phù hợp với mức giá trung bình mà các doanh nghiệp sẵn sàng chi trả. Cụ thể, đối với tổ chức sản xuất, kinh doanh nhiệt điện than, mức thu sẽ là 4 đồng/kwh (tương đương 2 USD/tấn CO2); đối với tổ chức sản xuất, kinh doanh xi măng mức thu là 2.100 đồng/tấn clinker (tương đương 1,35 USD/tấn CO2). Tổng số tiền thu được dự kiến đạt 172 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Văn Vũ – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính – Tổng cục Lâm nghiệp, mức tiền chi trả này sẽ không tác động nhiều đến tính cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tham gia thí điểm cũng như chi tiêu của các hộ gia đình. “Mức tiền chi trả này sẽ làm tăng giá thành sản xuất điện cũng như giá thành sản xuất xi măng của các nhà máy lên khoảng 0,29% và mức tăng này vẫn nằm trong khoảng tăng giá thành thực tế của lĩnh vực sản xuất xi măng là 0,3-1%/năm. Dự kiến, 4 tỉnh thí điểm sẽ thu được khoảng 172 tỷ đồng, trong đó nhiệt điện than 112 tỷ đồng, xi măng 44 tỷ đồng” – ông Vũ nói.
Cần có lộ trình cho doanh nghiệp thực hiện
Ông Nguyễn Đức Sơn – Phó Giám đốc Công ty Nhiệt điện Đông Triều (Quảng Ninh) – cho hay, doanh nghiệp sẵn sàng tham gia để góp phần bảo vệ môi trường, ủng hộ việc thí điểm này bởi nhiệt điện than có lượng phát thải khí nhà kính lớn. Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, phần chi phí này phải được tính vào giá điện. Bên cạnh đó, cần có lộ trình để cho doanh nghiệp thực hiện.
Nhà máy nhiệt điện sẽ thí điểm tham gia chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với dịch vụ hấp thụ và lưu giữ cacbon |
Đồng quan điểm, ông Lê Trí Thanh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam – cho hay, tổng số tiền dịch vụ môi tường rừng tỉnh Quảng Nam thu được năm 2017 là 100 tỷ đồng, 3 quý của năm 2018 là 90 tỷ đồng; đã có 27.000 hộ được hưởng dịch vụ môi trường rừng. Đối với dịch vụ hấp thụ và lưu giữ CO2 của rừng, trên địa bàn tỉnh có 4 cơ sở có lượng phát thải khí CO2 lớn. Việc thực hiện chủ trương này là rất đúng nhưng cần có lộ trình, kế hoạch phù hợp để không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Đến nay, toàn quốc đã có 42 quỹ bảo vệ và phát triển rừng từ trung ương đến địa phương, huy động ủy thác nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng giai đoạn 2011-2019 đạt hơn 12.510 tỷ đồng, bình quân trên 1.200 tỷ đồng/năm. Tiền dịch vụ môi trường rừng đã góp phần quản lý bảo vệ 5,8 triệu ha rừng, chiếm 42% tổng diện tích rừng toàn quốc.
Theo ông Nguyễn Quốc Trị - Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp - trong vài thập kỷ gần đây, biến đổi khí hậu và định giá khí thải CO2 là những vấn đề đang được các quốc gia quan tâm trong khuôn khổ Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Định giá khí thải CO2 là cơ chế để các doanh nghiệp trả một khoản tiền tương ứng với mức lượng CO2 họ thải ra môi trường từ hoạt động kinh doanh. Do vậy, dự thảo quy định về thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với dịch vụ hấp thụ và lưu giữ CO2 của rừng dựa trên nguyên tắc: người gây phát thải khí nhà kính phải trả tiền dịch vụ về hấp thụ và lưu giữ CO2 của rừng. “Việc thực hiện chính sách này là thể hiện trách nhiệm xã hội, đây sẽ là những lợi thế của doanh nghiệp trong sự ủng hộ của người tiêu dùng. Sau xi măng, nhiệt điện than sẽ tiếp tục mở rộng ra các đối tượng khác”, ông Nguyễn Quốc Trị nhấn mạnh.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết, Việt Nam đang thực hiện giảm phát thải khí nhà kính, phát triển nền kinh tế xanh. Do đó, việc thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với dịch vụ hấp thụ và lưu giữ CO2 của rừng, từng bước hình thành thị trường phát thải CO2 là một xu thế tất yếu. “Dù việc thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với dịch vụ hấp thụ, lưu giữ CO2 của rừng có khó khăn, nhưng đây là việc bắt buộc phải làm theo đúng thông lệ quốc tế”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh.
Trước ý kiến kiến nghị của các doanh nghiệp, các địa phương, Thứ trưởng Hà Công Tuấn đề nghị Tổng cục Lâm nghiệp tổng hợp, tiếp thu, giải trình, hoàn thiện hồ sơ tham mưu cho Bộ NN&PTNT trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10/2019 theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 1586/VPCP-NN ngày 26/02/2019 của Văn phòng Chính phủ. “Theo tôi, cần làm rõ hơn phạm vi đối tượng áp dụng của quyết định này; tại sao lại chỉ áp dụng cho hai lĩnh vực nhiệt điện than và xi măng; tại sao lại là những doanh nghiệp này ở 4 tỉnh; cơ sở xác định mức giá dịch vụ; việc chi trả cho bên cung ứng dịch vụ này như thế nào… để có cơ sở thực hiện một cách hiệu quả. Đồng thời, việc thực hiện thí điểm cần đảm bảo quyền và lợi ích của các bên, nhất là các doanh nghiệp tham gia thí điểm cả về kinh tế và tinh thần”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh.
Đồng thời, Thứ trưởng cũng đề nghị các tổ chức cá nhân có liên quan tham mưu cho lãnh đạo sớm có ý kiến tham gia chính thức về dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với dịch vụ hấp thụ và lưu giữ CO2 của rừng. UBND 4 tỉnh thí điểm quan tâm chỉ đạo, điều hành; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Chính sách, triển khai thực hiện chính sách thí điểm sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Năm 2015, Việt Nam đã tham gia ký Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu, theo đó Việt Nam cam kết đến năm 2030, bằng nguồn lực trong nước sẽ giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng ban hành Luật Lâm nghiệp và Nghị định số 156/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp. Theo đó, đã giao cho Bộ NN&PTNT tổ chức thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với dịch vụ hấp thụ và lưu giữ CO2 của rừng đến hết năm 2020, từ đó tổng kết, trình Chính phủ quy định chi tiết đối tượng, hình thức chi trả, mức chi trả, quản lý, sử dụng tiền chi trả… Đây là cơ hội để Việt Nam thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính theo cam kết, góp phần thực hiện Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu và Tăng trưởng xanh. |