Chỉ số CPI tháng 8/2023 tăng 0,88%, vì sao?
Tổng Cục Thống kêvừa công bố tình hình kinh tế- xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2023, trong đó, chỉ số giá tiêu dùng (chỉ số CPI) tháng 8/2023 tăng 0,88%. Giá xăng dầu, giá gạo trong nước tăng theo giá thế giới, giá nhà ở thuê tăng theo nhu cầu là những nguyên nhân chính gây nên tình trạng này.
So với tháng 12/2022, chỉ số CPI tháng 8 tăng 2,02% và so với cùng kỳ năm trước tăng 2,96%.
Bình quân 8 tháng năm 2023, chỉ số CPI tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 4,57%.
Theo Tổng Cục Thống kê, trong mức tăng 0,88% của chỉ số CPI tháng 8/2023 so với tháng trước, có 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 1 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.
Tốc độ tăng/giảm CPI của tháng 8 và 8 tháng các năm 2019-2023 (%). Nguồn: Tổng Cục Thống kê |
Cụ thể, 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng gồm:
Nhóm giao thông tăng cao nhất với 3,85% chủ yếu do: Giá xăng tăng 9,85%; giá dầu diezen tăng 15,9%; giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 3,79%; giá xe đạp, xe máy, xe ô tô mới tiếp tục.
Nhóm giáo dục tăng 0,96% chủ yếu do năm học 2023-2024 học sinh khối lớp 4, 8, 11 bắt đầu học chương trình sách giáo khoa mới. Theo đó, giá sách giáo khoa tăng 3,37% so với tháng trước; giá vở, giấy viết các loại tăng 1,17%; giá bút viết các loại tăng 1,03%. Bên cạnh đó, chỉ số giá nhóm dịch vụ giáo dục tăng 0,82% do một số trường dân lập, tư thục tăng học phí năm học 2023-2024.
Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,85% do giá nhà ở thuê tăng 0,8%; giá dầu hỏa tăng 15,94%; giá nước sinh hoạt tăng 0,93%; giá gas tăng 7%. Ở chiều ngược lại, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở giảm 0,15% do giá thép giảm; giá điện sinh hoạt giảm 0,89% do nhu cầu tiêu dùng giảm khi vào mùa mưa, thời tiết mát.
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,78%, trong đó: Lương thực tăng 3,28%; thực phẩm tăng 0,48%; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,47%.
Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,28% do trong mùa du lịch nên nhu cầu tiêu dùng cao. Cụ thể, giá nước quả ép tăng 0,49%; nước giải khát có ga tăng 0,31%; rượu bia các loại tăng 0,23% và thuốc hút tăng 0,37%.
Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,22% tập trung chủ yếu ở mặt hàng đồ trang sức tăng 0,52%; dịch vụ cắt tóc, gội đầu tăng 0,57%; vật dụng và dịch vụ về hiếu tăng 0,18%.
Nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,19% do nhu cầu mua sắm chuẩn bị bước vào năm học mới tăng. Trong đó, giá vải các loại tăng 0,38%; mũ nón tăng 0,26%; giày dép tăng 0,22%; quần áo may sẵn tăng 0,16%; dịch vụ may mặc tăng 0,32%; dịch vụ sửa chữa giày dép tăng 0,5%.
Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,10% tập trung chủ yếu ở các mặt hàng như: Giá trang thiết bị nhà bếp tăng 1,16%; bàn là điện tăng 0,6%; lò vi sóng, lò nướng, bếp từ tăng 0,11%. Ở chiều ngược lại, giá bếp gas giảm 0,46% so với tháng trước; bình nước nóng nhà tắm giảm 0,42%; quạt điện giảm 0,36%.
Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,09% tập trung chủ yếu ở các nhóm: Giá dịch vụ du lịch ngoài nước tăng 0,13% so với tháng trước; du lịch trong nước tăng 0,09%; khách sạn, nhà khách tăng 0,05%; nhạc cụ tăng 0,12%; thiết bị, dụng cụ thể thao tăng 0,45%. Ở chiều ngược lại, thiết bị văn hóa giảm 0,18% do giá tivi màu giảm 0,19% và đầu DVD giảm 0,03%.
Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,03% do giá dụng cụ y tế tăng 0,23%; giá thuốc tăng 0,1%, trong đó tăng chủ yếu ở nhóm thuốc giảm đau, thuốc hạ sốt, chống viêm không steroid (tăng 0,25%), nhóm thuốc tác dụng trên đường hô hấp (tăng 0,22%) do ảnh hưởng thất thường của thời tiết giao mùa dẫn đến các bệnh về đường hô hấp tăng.
Riêng nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,17% do giá điện thoại di động và cố định giảm.
Lạm phát cơ bản tháng 8/2023 tăng 0,32% so với tháng trước, tăng 4,02% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 8 tháng năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,57% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức tăng chỉ số CPI bình quân chung (tăng 3,1%).
Nguyên nhân chủ yếu do bình quân giá xăng, dầu trong nước 8 tháng năm 2023 giảm 17,56% so với cùng kỳ năm trước, giá gas giảm 11,3% là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.