Thứ tư 27/11/2024 13:52

Châu Âu thiệt hại lớn nếu Mỹ tăng cường trừng phạt Nga

Liên minh châu Âu (EU) bày tỏ lo ngại sâu sắc trước dự luật tăng cường lệnh trừng phạt nhằm vào Nga của Mỹ có thể ảnh hưởng tới kinh tế cả khối châu Âu.
Không chỉ có Nga, EU cũng chịu thiệt hại không nhỏ nếu Mỹ tăng cường các biện pháp trừng phạt Nga. Ảnh Internet

Chỉ còn chờ chữ ký của Tổng thống Trump

Ngày 27/7 vừa qua, với 98 phiếu thuận và 2 phiếu chống, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật mở rộng các biện pháp trừng phạt áp đặt lên Nga. Trước đó, Hạ viện Mỹ cũng thông qua dự luật tăng cường trừng phạt áp đặt lên Nga với số phiếu 419 thuận và 3 chống.

Sau đó, dự luật trên sẽ được chuyển tới Nhà Trắng trong bước lập pháp cuối cùng trước khi chính thức có hiệu lực. Tổng thống Donald Trump có 10 ngày để quyết định sẽ phê chuẩn hoặc phủ quyết dự luật này. Trong trường hợp Nhà Trắng phủ quyết, dự luật sẽ vẫn trở thành luật nếu 2/3 thành viên lưỡng viện quốc hội Mỹ bác bỏ quyết định của tổng thống.

Dự luật này dập tan những hy vọng của Tổng thống Donald Trump về mối quan hệ tốt hơn với Moscow. Ảnh Internet

Theo các nhà phân tích, các quyết định gia tăng trừng phạt Nga hiện nay từ phía Mỹ chủ yếu được thúc đẩy bởi 2 viện của Quốc hội Mỹ hơn là từ phía Tổng thống Trump, do các nghị sĩ Mỹ muốn mạnh tay trừng phạt Nga với cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cuối năm ngoái.

Năm 2014, chính quyền Tổng thống Obama đã đưa ra lệnh trừng phạt với Nga sau khi Moscow sáp nhập Crimea từ Ukraine. Các biện pháp trừng phạt được đưa ra của Mỹ kết hợp với nhiều biện pháp của EU nhằm hạn chế hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực tài chính, năng lượng và quốc phòng của Nga.

Không chỉ có Nga chịu thiệt hại

Các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhắm vào Nga bao gồm việc hạn chế giao dịch và đóng băng tài sản với một số doanh nghiệp và cá nhân Nga, hạn chế giao dịch tài chính với các doanh nghiệp Nga và cấm một số mặt hàng xuất khẩu được dùng trong hoạt động thăm dò dầu khí hoặc có thể được dùng trong lĩnh vực quân sự.

Hiện tại, các biện pháp trừng phạt từ năm 2014 vẫn làm kinh tế Nga chịu nhiều ảnh hưởng lớn, đặc biệt là trong bối cảnh lệnh trừng phạt đến cùng với đợt lao dốc giá dầu thế giới. Theo báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ, doanh thu dầu thô của Nga hạ đến 60%. Do đó, đồng Rúp của Nga cũng lao dốc, đẩy giá cả hàng tiêu dùng tăng vọt.

Nước Nga đã phải chịu không ít thiệt hại kể từ khi Mỹ trừng phạt năm 2014. Ảnh Internet

Bên cạnh đó, kinh tế Nga cũng chịu tổn thương bởi đợt thoái vốn vì nhiều người Nga chuyển tiền ra nước ngoài và đổi đồng Rúp Nga để lấy Euro cùng USD nhằm bảo vệ tài sản.

Tuy nhiên, trong câu chuyện này, không chỉ có Nga là người chịu thiệt hại. Chính EU cũng cảm thấy những lợi ích kinh tế của họ đang bị đe dọa bởi lẽ Mỹ trừng phạt Nga có thể ảnh hưởng đến những công ty năng lượng châu Âu tham gia các dự án liên quan đến Nga, bao gồm dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) xây dựng đường ống dẫn khí đốt thiên nhiên dưới biển giữa Nga và châu Âu. Trong số các công ty châu Âu tham gia dự án Dòng chảy phương Bắc 2 có tập đoàn dầu và khí đốt Wintershall (Đức), công ty năng lượng Uniper (Đức), OMV (Áo), Engie (Pháp).…

EU chịu tổn thất lớn trong ngành sản xuất trái cây, rau quả, thực phẩm và các sản phẩm từ sữa. Ảnh Internet

EU cũng chính là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, với kim ngạch thương mại song phương năm 2013 đạt 336 tỷ Euro. Hứng chịu trực tiếp đòn đáp trả của Nga là các nhà sản xuất và xuất khẩu châu Âu chuyên cung cấp các loại trái cây, rau quả, gà, xúc xích, và các sản phẩm từ sữa.

Ủy ban châu Âu (EC) cho biết, các nước thành viên EU thiệt hại khoảng 40 - 50 tỷ Euro trong hai năm 2014-2015 do bị hạn chế tiếp cận thị trường tài chính Nga. Ngoài ra, họ còn tốn một khoản không nhỏ trong dịch chuyển cơ cấu đầu tư và xuất nhập khẩu. Những thiệt hại của EU là vô cùng lớn, đặc biệt trong bối cảnh châu Âu cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn bao gồm khủng bố, khủng hoảng ở Hy Lạp, dòng người tị nạn và Brexit.

Tiếng nói phản đối mạnh mẽ từ Nga và EU

Ngay sau khi Thượng viện Mỹ thông qua dự luật mở rộng các biện pháp trừng phạt, Bộ Ngoại giao và các quan chức Nga đã bày tỏ sự phẫn nộ và cảnh báo sẽ có biện pháp đáp trả thích đáng.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov lên tiếng cảnh báo Mỹ. Ảnh Internet

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov phát biểu: "Tác giả và những kẻ bảo trợ những biện pháp trừng phạt này rõ ràng muốn phá hoại cơ hội bình thường hóa quan hệ Nga - Mỹ". Thứ trưởng Ryabkov khẳng định: "Nga đã cảnh báo Mỹ hàng chục lần rằng những biện pháp trừng phạt chống Nga sẽ dẫn tới các biện pháp đáp trả".

Thượng nghị sĩ Konstantin Kosachev, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề quốc tế thuộc Thượng viện Nga đưa ra những đe dọa mạnh mẽ: “Phản ứng của Nga với đạo luật này sẽ gây đau đớn cho người Mỹ”. Ông Kosachev kết luận triển vọng làm ấm lại quan hệ Nga-Mỹ ‘rất mong manh’.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker mạnh mẽ chỉ trích dự luật của Washington. Ảnh Internet

Trong khi đó, EU lên tiếng phản đối mạnh mẽ gói biện pháp trừng phạt mới của Mỹ. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker chỉ trích kịch liệt Washington, nói rằng “nước Mỹ là trên hết không thể đồng nghĩa với việc lợi ích của châu Âu phải xếp sau”.

Theo ông Juncker, Ủy ban châu Âu “đã kết luận rằng nếu những mối quan ngại của chúng tôi không được xem xét một cách đầy đủ thì chúng tôi sẵn sàng hành động một cách tương xứng chỉ trong vài ngày”. Đây là lời cảnh báo nghiêm khắc của EU gửi đến đồng minh Mỹ.

Dự luật trừng phạt của Mỹ cũng gây ra làn sóng phản đối ở các nước thành viên EU. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đức Martin Schaefer phát biểu: “Các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga không nên trở thành công cụ để Mỹ theo đuổi chính sách công nghiệp chỉ phục vụ cho lợi ích của Mỹ”. Về phần mình, Pháp tuyên bố, các biện pháp trừng phạt mới mà Mỹ đang nhằm nhe tung vào Nga “đi ngược lại với luật quốc tế”.

Không chỉ dừng lại ở lời nói, EU đang tính toán tới những kế hoạch trả đũa Mỹ, bao gồm việc dùng đến “Đạo luật Ngăn chặn” (Blocking Statute) - một quy định của EU trong đó giới hạn việc thực thi các luật đặc quyền của Mỹ ở châu Âu. Một số “biện pháp trả đũa theo quy định của WTO” cũng đang được xem xét.

Nhật Quang

Tin cùng chuyên mục

Toàn cảnh thế giới 26/11: Nga nói phương Tây 'vi phạm lằn ranh đỏ', Israel nhận 'tối hậu thư'?

Chiến sự Nga-Ukraine tối 26/11: Nga tấn công thần tốc vào Kurakhove; Ukraine bất ngờ thất thủ ở Oskol

Nga tấn công Ukraine bằng UAV với quy mô lớn nhất từ trước đến nay

Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 26/11/2024: Nga sẵn sàng tấn công tên lửa các căn cứ Mỹ và phương Tây?

Cựu Tổng thống Nga: Bắn hạ tên lửa Oreshnik là điều không thể với châu Âu

Chiến sự Nga-Ukraine chiều 26/11: UAV Nga ‘vây đặc trời’, thủ đô Kiev rực lửa; ‘kịch chiến’ tại Pokrovsk và Kurakhove

UAV Nga 'rợp trời', một loạt thành phố của Ukraine rung chuyển dữ dội

Ông Donald Trump nêu lý do tăng thuế nhập khẩu từ Trung Quốc, phản ứng phía Bắc Kinh ra sao?

Ông Donald Trump dự định dỡ bỏ lệnh cấm cấp giấy phép xuất khẩu LNG

Chiến sự Nga-Ukraine 26/11/2024: NATO cung cấp vũ khí cho Ukraine không hiệu quả; Kiev có thể sử dụng ATACMS tự vệ

Tỷ giá USD tăng mạnh, thị trường chứng khoán 'chao đảo' sau dự kiến điều chỉnh chính sách của Hoa Kỳ

Chiến sự Nga-Ukraine sáng 26/11: Nga bắt giữ cựu binh Anh ở Ukraine; Kiev công bố ảnh đầu đạn tên lửa Oreshnik

Toàn cảnh thế giới 25/11: Tên lửa Nga làm Ukraine lo 'sốt vó'?; Hezbollah dội pháo liên tiếp vào Israel

Châu Âu quay lại ý tưởng đưa quân tới Ukraine; Tổng thống Nga Putin sẵn sàng đàm phán

Chiến sự Nga-Ukraine tối 25/11: Lính Ukraine bị Nga bao vây tứ phía; 'chảo lửa' Velika Novoselka sục sôi

Việt Nam - Lào - Campuchia tổ chức thành công diễn tập cứu hộ cứu nạn

Chiến sự Nga-Ukraine chiều 25/11: Moscow giành lại 40% lãnh thổ Kursk; Kiev ‘khám nghiệm’ mảnh vỡ tên lửa Nga

Cựu Tổng thống Ukraine hé lộ giải pháp kết thúc chiến sự 'trong vòng 24 giờ'

Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 25/11/2024: 200 mục tiêu của tên lửa ATACMS trên lãnh thổ Nga đã được xác định

Năng lượng hạt nhân: Xu thế của tương lai?