Thứ tư 07/05/2025 06:18

Chắp cánh nghề nghiệp cho học sinh vùng khó khăn của ngành Công Thương

Giáo dục nghề nghiệp là “chiếc cầu” thoát nghèo bền vững nhưng ở vùng sâu vùng xa, chiếc cầu ấy vẫn còn dang dở nếu thiếu kết nối từ chính sách ngành.

Khoảng trống cơ hội nghề nghiệp nơi vùng sâu vùng xa

Ở những vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, việc học nghề không chỉ là một lựa chọn mà là một nhu cầu sống còn để bứt phá khỏi cái vòng lẩn quẩn nghèo đói, thiếu việc làm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tỷ lệ học sinh phổ thông ở những vùng nghèo tiếp cận được với giáo dục nghề nghiệp vẫn còn rất thấp. Nhiều em rời trường từ rất sớm, chưa được định hướng nghề nghiệp, càng không hiểu được vai trò của học nghề gắn với chuỗi giá trị kinh tế địa phương.

Mặt khác, tại những địa phương có điều kiện khó khăn, nguồn lực để triển khai đào tạo nghề còn manh mún, thiếu liên kết, chương trình dạy nghề chậm cập nhật, giáo viên thiếu thốn, cơ sở vật chất xuống cấp, trong khi nhu cầu thị trường lao động lại đang chuyển dịch nhanh chóng, đặc biệt là trong các lĩnh vực gắn với ngành Công Thương như: chế biến nông sản, logistics, thương mại điện tử, năng lượng tái tạo, kỹ thuật công nghiệp...

Nhìn từ góc độ chính sách ngành, Bộ Công Thương đã có những định hướng chiến lược phát triển nguồn nhân lực , đặc biệt chú trọng các nhóm yếu thế, các vùng khó khăn. Vụ tổ chức cán bộ là đơn vị tham mưu cho Lãnh đạo Bộ Công Thương xây dựng hệ thống chính sách tổ chức bộ máy đào tạo nghề, lồng ghép nội dung phát triển nhân lực vùng sâu, vùng xa vào các chương trình bồi dưỡng và tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức của ngành Công Thương.

Giáo dục nghề nghiệp tại Trường Cao đẳng Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương). Ảnh: COIT

Một điểm nhấn đáng chú ý là việc Vụ Tổ chức cán bộ đã phối hợp với các đơn vị chức năng trong ngành thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy đi đôi với đào tạo lại, bồi dưỡng lại lực lượng cán bộ ngành tại cơ sở, trong đó có các địa bàn vùng khó khăn. Đây là bước đi có tính chiến lược để đảm bảo đội ngũ cán bộ tại chỗ, những người trực tiếp tiếp xúc với người dân được nâng cao trình độ, năng lực quản trị, từ đó dẫn dắt cộng đồng địa phương định hướng nghề nghiệp đúng đắn.

Không chỉ dừng lại ở công tác nội bộ, Vụ còn tham mưu xây dựng các chương trình đào tạo nguồn nhân lực trẻ gắn với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp ngành Công Thương, với mục tiêu kéo khoảng cách tiếp cận nghề nghiệp cho học sinh vùng khó về gần hơn với mặt bằng chung của cả nước.

Muốn chính sách giáo dục nghề nghiệp thực sự chạm đến trái tim từng em nhỏ nơi bản làng heo hút, không thể chỉ dừng ở lời hô hào hay khẩu hiệu. Đặc biệt, trong bối cảnh chuyển đổi số đang phá vỡ những ranh giới cũ kỹ, ngành Công Thương bước vào thời kỳ hội nhập sâu rộng, thì sự nghiệp đào tạo nghề cho học sinh vùng khó cần một chiến lược khơi thông từ gốc, mạnh mẽ và nhất quán từ trên xuống dưới, từ trung ương tới từng xóm làng.

Gợi mở từ ngành Công Thương

Thứ nhất, cần định hình một hệ thống chính sách đặc thù riêng biệt cho học sinh vùng khó, không thể dùng tiêu chuẩn phổ quát để áp vào những mảnh đất chênh vênh địa hình, chật vật kinh tế. Những ưu đãi mạnh mẽ về học phí, ký túc xá, tài chính và học bổng không chỉ là sự hỗ trợ vật chất, mà là lời cam kết của Nhà nước rằng: “Các em được quyền mơ ước.”

Song hành cùng đó là sự cần thiết trong việc rà soát, điều chỉnh các chính sách đào tạo nghề hiện hành để khuyến khích các trường nghề mạnh dạn “đặt lớp, đặt điểm” vệ tinh tại các địa phương vùng sâu vùng xa, mang trường học đến tận thôn bản, thay vì bắt người học phải vượt núi băng rừng.

Đào tạo ngành điện tại Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế (Bộ Công Thương). Ảnh: HUEIC

Thứ hai, đó là mạch máu sống khi kết nối chặt chẽ giữa doanh nghiệp, nhà trường và chính quyền địa phương. Không thể có giáo dục nghề bền vững nếu thiếu bóng dáng doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp ngành Công Thương đang bám rễ tại chính những vùng đất này. Họ cần được khuyến khích trở thành “bà đỡ” không chỉ bằng vật chất, mà bằng cam kết sử dụng lao động tại chỗ, bằng những chương trình đào tạo theo đặt hàng, bằng việc trả lương ngay trong quá trình học nghề.

Khi và chỉ khi trường nghề gắn với dây chuyền sản xuất, học sinh biết rằng mình sẽ có công việc ngay khi tốt nghiệp, sự lựa chọn nghề sẽ không còn là sự miễn cưỡng mà là khởi đầu của một tương lai tươi sáng.

Thứ ba, phát triển nguồn nhân lực tại chỗ, chính là điểm tựa bền vững của chính sách lâu dài. Kinh nghiệm cho thấy, không gì truyền cảm hứng hiệu quả hơn hình mẫu thành công tại chính cộng đồng. Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Công Thương) thời gian qua đã chủ động triển khai mô hình đào tạo, bồi dưỡng và giữ chân cán bộ trẻ, đặc biệt là cán bộ người dân tộc thiểu số tại các địa phương miền núi. Họ không chỉ là cán bộ, mà còn là nhịp cầu nối giữa chủ trương và cuộc sống, giữa chính sách với người dân. Mô hình này cần được nhân rộng về địa phương, về các Sở Công Thương cấp tỉnh, huyện để hình thành hệ sinh thái nhân lực “tại chỗ, vì chỗ đó”.

Thứ tư, cần bứt phá bằng chuyển đổi số trong công tác hướng nghiệp và đào tạo nghề. Thị trường lao động hiện nay không còn đơn giản là ai biết gì thì làm nấy. Với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và nền tảng số, ngành Công Thương hoàn toàn có thể dẫn đầu trong việc xây dựng bản đồ đào tạo nghề theo từng vùng miền, một bản đồ sống phản ánh nhu cầu thực tế, khả năng đáp ứng của từng địa phương, và cả xu hướng xuất khẩu lao động trong tương lai. Khi học sinh được hướng nghiệp bằng thông tin chính xác, sinh động và cá thể hóa, thì những lựa chọn nghề nghiệp của các em sẽ thực sự gắn với thị trường, chứ không còn mơ hồ hay thụ động.

Không chỉ là công cụ xóa đói giảm nghèo, giáo dục nghề nghiệp cần được định vị lại như một “hệ sinh thái” phát triển bền vững của vùng khó khăn, nơi người học được kết nối với thị trường lao động thực tế, được làm chủ nghề nghiệp, làm chủ sản phẩm, và làm chủ chính tương lai của mình.

Bằng cách đưa các chính sách đúng, trúng và kịp thời về tới bản làng, bằng cách đào tạo nên những người thợ lành nghề có gốc gác từ núi rừng, giáo dục nghề nghiệp hoàn toàn có thể trở thành đòn bẩy thực sự giúp ngành Công Thương phát triển theo chiều sâu, đồng thời tạo nên một diện mạo mới cho vùng khó khăn, nơi trước kia chỉ toàn “lối đi nhỏ”, giờ đã có thể mở đường lớn bằng chính đôi tay của lớp trẻ.

Ngành Công Thương, với mạng lưới doanh nghiệp và chuỗi giá trị sản xuất phân phối rộng khắp đang nắm giữ chìa khóa tạo đột phá cho giáo dục nghề nghiệp, vừa đào tạo được nguồn nhân lực đáp ứng cho nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp ngành Công Thương, vừa nâng cao được chất lượng đào tạo nghề cho xã hội.
Thiên Kim
Bài viết cùng chủ đề: ngành giáo dục

Tin cùng chuyên mục

38 trường dùng điểm thi đánh giá tư duy của Đại học Bách Khoa Hà Nội

Thương mại điện tử: Trụ cột cho chuyển đổi số ngành Công Thương

Tháng 5/2025: Nhiều chính sách mới hỗ trợ trẻ em, học sinh

Phó Thủ tướng lưu ý gì về kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông?

Ngành giáo dục đào tạo bước vào chặng đường mới

Môn Lịch sử dẫn đầu lựa chọn của sĩ tử trong kỳ thi THPT năm 2025

Hơn 1,1 triệu thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT 2025

Hôm nay, ngày cuối đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT 2025

Sáp nhập tỉnh, sách giáo khoa cần điều chỉnh linh hoạt

Tìm ra Quán quân giải đua xe năng lượng trời Cao Thắng

Việt Nam giành 6 huy chương Vàng tại Olympic Toán học Turkmenistan

Thời tiết biển hôm nay 26/4/2025: Nam Biển Đông có mưa, dông

Trại hè nở rộ: Nhiều lựa chọn không gian trải nghiệm cho trẻ

Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh nhận tài trợ phần mềm từ AVEVA

“Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ” – Khúc tráng ca thiêng liêng, xúc động tại Đại học Công nghiệp Hà Nội

Khởi nghiệp học đường: Ươm mầm thế hệ doanh nhân mới

Đăng ký thi tốt nghiệp: Cuộc 'cân não' trước ngưỡng cửa đại học

Vì sao sinh viên học ngành STEM cần được vay tín dụng?

Quán quân Business Challenges mùa 7 gọi tên Llamas và Trailblazers

Chung kết Business Challenges Season 7: Bùng nổ ý tưởng khởi nghiệp