Cây sài đất: Thảo dược quý trong Đông y
Sài đất là loại cây mọc hoang khá quen thuộc với người dân ở vùng nông thôn. Cây sài đất là một loài cỏ sống dai, mọc bò trên mặt đất, chỗ thân mọc lan đến đâu có rễ mọc tới đấy.
Tên gọi khác: Cúc dại, húng trám, ngổ núi. Chúng được gọi là húng trám vì khi nhai sẽ cảm nhận được cây có vị như rau húng và có mùi giống quả trám.
Tên gọi khoa học của sài đất: Wedelia chinensis (Osbeck) Merr. Họ: Cúc (Asteraceae).
Cây thân thảo, chiều dài thân có thể phát triển tới 40cm. Toàn thân cây sài đất màu xanh, bên ngoài bao phủ bằng một lớp lông trắng.
Cây sài đất toàn thân cây màu xanh, bên ngoài bao phủ bằng một lớp lông trắng. Ảnh minh họa |
Lá sài đất hình bầu dục, có lông ở cả mặt trên và mặt dưới, mọc đối xưng, mép lá hình răng cưa to. Trên lá có nhiều gân, trong đó gân chính mọc ở giữa lá và nổi rõ ở phía mặt dưới.
Sài đất cho ra hoa ở các nách lá hoặc đầu ngọn cành, hoa chứa nhiều cánh màu vàng tươi, quả nhỏ, bên ngoài vỏ không có lông.
Bộ phận dùng: Toàn bộ cây sài đất, bao gồm cả rễ, lá và phần thân.
Thu hái – Sơ chế
Sài đất có thể được thu hoạch quanh năm nhưng chủ yếu là vào tháng 4 và 5 vì lúc này cây đang ra hoa và có dược tính tốt nhất. Cây được cắt sát gốc và đem về dùng tươi hoặc phơi khô dùng dần.
Cách bảo quản
Nếu dùng sài đất dưới dạng tươi, sau khi thu hái về nên dùng ngay. Đối với sài đất khô, cách bảo quản tốt nhất là cho vào bịch ni lông hoặc hộp có nắp đậy kín. Để thuốc nơi khô, thoáng nhằm tránh bị nấm mốc.
Thành phần hóa học
Qua nghiên cứu, các nhà khoa học phát hiện rất nhiều hợp chất quý trong cây sài đất như: Tanin, Saponin, Pectin, Mucin, Lignin, Cellulose, 3,75% chlorophylle, 1,14% caroten, 3,75% phytosterol.
Các chất khác: Dầu hòa tan, hợp chất béo, tinh dầu, muối vô cơ, Wedelolacton.
+ Tính vị: Sài đất tính mát, không độc, vị hơi chua và đắng nhẹ
+ Quy kinh: Can và Phế
+ Tác dụng của cây sài đất, chủ trị
Theo y học cổ truyền, sài đất có tác dụng thanh nhiệt, giải độc gan, tiêu nhọt, kháng viêm, long đờm. Chủ trị các chứng ho, đau họng, viêm tuyến vú, rôm sảy, nổi mẩn, cao huyết áp… Ngoài ra, dược liệu này cũng được dùng trong dự phòng bệnh sởi, bạch hầu, hỗ trợ điều trị ung thư môn vị.
+ Cách dùng và liều lượng
Sài đất được dùng dưới nhiều hình thức như sắc uống, nấu nước tắm hay giã đắp ngoài da. Tùy theo mỗi bệnh mà điều chỉnh liều dùng cho thích hợp.
Những bài thuốc dân gian có chứa cây sài đất
Chữa cảm cúm
Sài đất, kinh giới, tía tô, cam thảo đất mỗi vị 3g, mạn kinh 2g, kim ngân hoa 30g, gừng tươi 3 lát.
Tất cả cho vào ấm, thêm 3 bát nước nấu cạn còn 1 bát. Gạn lấy nước chia đều làm 2 phần uống trong ngày. Dùng mỗi ngày 1 thang cho đến khi khỏi bệnh.
Thanh nhiệt, tiêu độc
Sài đất rửa sạch, ăn sống như rau với thịt hay cá. Mỗi ngày ăn từ 100-200g, có tác dụng thanh nhiệt, làm mát, thải trừ độc cho gan.
Sài đất 16g, thạch môn 12g, thục địa 16g, rễ cỏ xước 10g, thạch cao 16g. Sắc ngày một thang, uống chia 2 lần. Bài thuốc này trị miệng hôi, miệng lưỡi nhiệt, chân răng sưng mủ, ăn nhiều chóng đói, đau bụng cả lúc no và đói.
Trị rôm sảy
Cách 1: Lấy 50g cây sài đất, nấu nước tắm. Tắm lên vùng bị rôm, lấy bã xát nhẹ vào vùng có rôm sảy. Ngày tắm 1 lần, kéo dài liền 1 tuần. Có tác dụng phòng rôm sảy, phòng chạy sởi.
Cách 2: Sài đất 100g, giã nát, cho thêm ít muối ăn, thêm 100ml nước đun sôi để nguội, vắt lấy nước chia 2 lần uống trong ngày. Bã có thể dùng đắp lên nơi có rôm nổi thành đám, mảng trong vòng 30 phút. Hoặc có thể dùng cây khô, ngày dùng 50g thêm nửa lít nước, sắc và cô cho đến khi còn 200ml, chia 2 lần uống trong ngày.
Chữa mẩn ngứa ngoài da do eczema, dị ứng các loại
Sài đất 30g, kim ngân hoa 30g, kinh giới 15g, rau má 15g, lá khế 10g. Tất cả rửa sạch cho vào nồi với nước, đun sôi, để nguội dần, khi còn âm ấm lấy khăn thấm nước lau người khi mẩn ngứa, viêm da dị ứng, eczema ngoài da, ngứa da theo mùa, ngứa da vào đợt khô hanh.
Sài đất 15g, kim ngân hoa 12g, thiên niên kiện 8g, diệp hạ châu 10g, nhân trần 10g, ngưu tất 12g, hà thủ ô 12g, sinh địa 15g, cam thảo 4g, thạch cao 6g, sa sâm 12g. Sắc ngày một thang, uống chia 2 lần.
Chữa mụn nhọt ngoài da
Sài đất 30g, thổ phục linh 12g, kim ngân hoa 10g, bồ công anh 12g, ké đầu ngựa 10g. Sắc uống ngày một thang. Ngoài ra, kết hợp dùng giã nát xoa đắp, nấu nước tắm.
Trị viêm bàng quang
Sài đất 30g, liên kiều 20g, bồ công anh 20g, mã đề 20g, cam thảo 16g. Sắc uống ngày một thang, chia 2 lần.
Trị cảm cúm
Sài đất, cam thảo đất, tía tô, kinh giới mỗi vị 3g, mạn kinh 2g, kim ngân hoa 30g, gừng tươi 3 lát. Cho toàn bộ nguyên liệu vào ấm nấu cùng với 3 bát nước, cho đến khi cạn lại còn 1 bát. Gạn lấy nước chia đều làm 2 lần uống trong ngày. Mỗi ngày dùng 1 thang cho đến khi hết cảm cúm.
Chữa sưng viêm tuyến vú
Sài đất 50g, cam thảo đất 16g, bồ công anh, kim ngân hoa và thông thảo mỗi loại 20g. Đem toàn bộ nguyên liệu sắc với khoảng 500ml nước trong 20 phút. Gạn lấy nước thuốc chia làm 3 lần uống trong ngày.
Chữa viêm gan
Nhân trần và sài đất mỗi loại 10g, kim ngân hoa 5g. Nấu nước uống hàng ngày thay cho trà
Lưu ý, thận trọng khi dùng sài đất
Để sử dụng sài đất một cách an toàn và có hiệu quả, nên tham khảo trước ý kiến từ các bác sĩ, thầy thuốc Đông y uy tín. Một số thuốc, thực phẩm chức năng hay thảo dược khác đang dùng có thể gây ra những tương tác không mong muốn với dược liệu này.
Để đảm bảo an toàn, trước khi uống hoặc đắp sài đất trên da, hãy bôi một ít nước thuốc này ra cổ tay. Nếu sau một ngày mà không có biểu hiện kích ứng thì có thể dùng toàn thân hoặc trên diện rộng
Cây sài đất rất dễ bị nhầm lẫn với cây lỗ cúc địa nên cần chú ý nhận biết để không hái nhầm thuốc. Cây lỗ cúc địa thường có lá ngắn hơn, hoa có hình dáng tương tự như sài đất nhưng màu vàng nhạt.