Công dụng của hoa đậu biếc là gì? Công dụng chữa bệnh của cây hoa gạo Tinh dầu mè có những công dụng gì? |
Quả vải là loại trái ngon, lại là thứ “dược thực lưỡng dụng” - vừa là thức ăn vừa là thuốc. Tuy nhiên, khi nói đến tác dụng làm thuốc của trái vải, người ta chỉ hay nhắc tới cùi vải, rất ít khi nói đến hạt vải. Trên thực tế, hạt vải là vị thuốc đã được sử dụng trong dân gian và Đông y từ rất lâu đời. Tác dụng chữa bệnh của hạt vải đã được ghi chép đầu tiên trong sách “Bản thảo diễn nghĩa” của danh y Khấu Tông Thích từ năm 1116.
Hạt vải có công dụng chữa nhiều bệnh. Ảnh minh họa |
Trong Đông y, hạt vải có tên lệ chi hạch; còn gọi là lệ nhân, đại lệ hạch... Trong sách thuốc Đông y, hạt vải được xếp vào loại Thuốc lý khí (lý = chỉnh lý, lý khí = chữa trị các chứng bệnh liên quan đến chức năng của khí), cùng với những vị thuốc quen thuộc như hương phụ (củ gấu), trần bì (vỏ quít chín để lâu ngày), thanh bì (vỏ quít xanh), chỉ thực, mộc hương, ô dược...
Theo Đông y, lệ chi hạch (hạt vải) có vị cam sáp (ngọt chát), tính ôn (ấm), vô độc (không độc); quy kinh vào 3 kinh can, vị và thận. Có tác dụng hành khí tán kết, tán hàn chỉ thống. Trong Đông y cổ truyền, chủ yếu dùng để chữa “sán khí thống” (thoát vị, đau) do hàn ngưng khí trệ, tinh hoàn sưng đau, đau dạ dày thể can vị bất hòa, thống kinh và sản hậu đau bụng do can uất khí trệ, huyết ứ.
Kết quả nghiên cứu về hóa học và dược lý đã phát hiện thêm một số tác dụng mới của hạt vải. Cụ thể: Thuốc chế từ hạt vải có tác dụng ức chế rõ ràng đối với kháng nguyên bề mặt của virut viêm gan B; có tác dụng phòng ngừa hình thành sỏi mật, có khả năng chữa trị một số thể bệnh đau dạ dày.
Đặc biệt, kết quả nghiên cứu trên động vật thí nghiệm đã cho thấy, tiêm hoạt chất chiết từ hạt vải cho chuột nhắt có tác dụng giảm đường huyết và làm cho lượng glycogen ở gan giảm rõ ràng. Kết quả nghiên cứu lâm sàng đã chứng thực: Hạt vải có tác dụng cải thiện quá trình chuyển hóa đường, có khả năng phòng trị đái tháo đường, cũng như phòng ngừa các biến chứng thận ở những người mắc đái tháo đường; Cơ chế tác động đối với đường huyết của hạt vải tương tự như tác dụng của biguanide.
Cách dùng hạt vải chữa tiểu đường typ 2:
Để chữa trị và phòng ngừa các biến chứng của bệnh tiểu đường typ 2, hạt vải thường được sử dụng hai cách:
Cách thứ nhất: hạt vải phơi khô, thái nhỏ, sắc lấy nước, cô lại thành cao rồi chế thành viên; mỗi viên 0,3g. Uống mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 4-6 viên; Liên tục 3 tháng (một liệu trình).
Cách thứ hai: hạt vải đem sấy khô, tán mịn. Cho vào lọ nút kín dùng dần. Mỗi ngày uống 3 lần, trước bữa ăn nửa tiếng, mỗi lần uống 10g. Liệu trình 3 tháng.
Hạt vải còn có thể sử dụng để chữa trị một số bệnh khác:
Đau dạ dày mãn tính: hạt vải sấy khô, tán mịn, cất vào lọ nút kín để dùng dần. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 6g. Chiêu bằng rượu trắng pha loãng hoặc nước ấm.
Phòng sỏi mật: hạt vải và hạt quít - mỗi thứ 20g, trần bì 10g, hồng táo 2 trái, nước 3 bát, đun sôi, uống thay trà trong ngày.
Đau bụng kinh hoặc đau bụng sau đẻ: Hạt vải đốt tồn tính 20g, hương phụ sao 40g. Tán bột mịn, uống 8g/lần với nước muối nhạt hoặc nước cơm, ngày 2-3 lần.
Chữa đau sưng tinh hoàn
Bài 1: Hạt vải, hồi hương, thanh bì, lượng bằng nhau. Tán bột mịn, uống 8g/lần với rượu, ngày 2-3 lần.
Bài 2: Hạt vải (lệ chi hạch), long đởm thảo, đại hoàng, lượng bằng nhau. Tán bột, uống 8-12g/ngày, chia 03 lần.
Bài 3: Hạt vải, mộc hương, xuyên luyện tử, hồi hương, trầm hương, lượng bằng nhau. Tán bột, uống 8g/lần, ngày 03 lần.
Chữa đau răng, sâu răng
Bài 1: Lệ chi (toàn quả vải gồm vỏ, cùi hạt) 1 quả, muối ăn 1 ít. Nhét muối vào quả, đốt thành than, nghiền nhỏ, sát vào răng đau.
Bài 2: Lệ chi, toàn quả vải xanh. Đốt tồn tính, tán nhỏ, sát vào chân răng.
Nấc mãi không khỏi: Lệ chi, toàn quả vải 7 quả. Thiêu tồn tính, uống với nước ấm.
Chữa tiêu chảy: Vỏ cây vải 20g, gạo rang cháy 40g, gừng tươi 8g. Sắc uống.
Lưu ý khi dùng hạt vải chữa bệnh
Khi sử dụng hạt vải làm thuốc, cần lưu ý sử dụng đúng liều lượng và cách thức để đạt hiệu quả cao.
Với cùi vải, nếu dùng để ăn thì các trường hợp đặc biệt như người mắc bệnh đái tháo đường, trẻ em, người mắc bệnh tự miễn dịch cần chú ý không nên ăn nhiều để tránh làm bệnh nặng thêm.