Cao điểm mua sắm Tết, nhân viên siêu thị làm việc hết công suất
Dưới không khí đón Tết Nguyên đán chỉ còn vài ngày, người dân trên cả nước đang bước vào “đợt sắm Tết” vô cùng lớn. |
Tranh thủ buổi tối đi làm về, chị Di Hân (28 tuổi, Hà Nội) cùng chồng đến siêu thị mua một số thực phẩm, bánh kẹo,…phục vụ nhu cầu ngày Tết. Chị Hân cho biết: "Để tối giản thời gian đi lại, chị thường đến các trung tâm thương mại mua sắm. Vì ở các trung tâm thương mại, siêu thị lớn sẽ có đầy đủ những thứ mình cần nên khá tiện lợi. Năm nay hàng hoá dồi dào, giá cả cũng ít biến động". |
Ghi nhận tại Big C Thăng Long chiều tối ngày 6/2, số lượng khách hàng vào mua khá đông. Tại khu vực này, loa liên tục phát thông báo bên trong siêu thị đã hết xe đẩy, đề nghị quý khách lấy xe ngay từ sân. |
Khu vực quầy bánh kẹo thu hút khá đông khách hàng. Nhiều loại kẹo, bánh bán theo cân được ưa chuộng. Giá thành của những loại này dao động từ 60.000 - 200.000/kg. Các giỏ quà Tết với nhiều kiểu dáng, mẫu mã bắt mắt, có mức giá phổ biến từ 299.000 - 699.000 đồng/giỏ được đông đảo người tiêu dùng lựa chọn. Đây cũng là phân khúc được các siêu thị tập trung chuẩn bị trong năm nay. |
Tại khu vực thanh toán xếp hàng dài. Các quầy thanh toán đều sáng đèn, nhân viên liên tục làm việc. |
Anh Đỗ Trung Thành (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, cuối năm bận rộn, tối 6/2 vợ chồng mình mới chính thức được nghỉ nên tranh thủ đi sắm Tết. Năm nay, các hệ thống siêu thị có khá nhiều mặt hàng giảm giá thu hút người mua sắm. |
|
Không chỉ Big C Thăng Long, các siêu thị, trung tâm thương mại lớn ở Hà Nội như, AEON Mall Hà Đông, AEON Mall Long Biên... không khí mua sắm cũng sôi động, người dân đi mua sắm rất đông. |
Theo phản ánh của người dân, hàng hóa Tết ở các siêu thị năm nay có giá bán ổn định, nguồn hàng phong phú nên không có tình trạng tăng giá đột ngột. Tuy nhiên, theo ghi nhận, lượng hàng mua của người dân có giảm do tình hình khó khăn chung. |
Khu vực thanh toán luôn chật kín người xếp hàng chờ đến lượt. Các siêu thị đều đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt. |
Bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương TP Hà Nội, cho biết Hà Nội có hơn 14.500 điểm bán hàng bình ổn phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Ước tính, tổng giá trị hàng hóa là gần 41.000 tỉ đồng, tăng khoảng 10% so với năm trước. |
Sức mua sắm luôn nóng tại các siêu thị, trung tâm thương mại ngày cận Tết |