CôngThương - Động lực phát triển
Với chiều dài biên giới hơn 333 km, có 1 cửa khẩu quốc tế và 3 cửa khẩu chính, khu vực biên giới Cao Bằng đã được Thủ tướng Chính phủ cho thành lập 3 KKTCK gồm: Sóc Giang, Trà Lĩnh và Tà Lùng.
Theo UBND tỉnh Cao Bằng, việc sáp nhập 3 KKTCK giúp địa phương tập trung nguồn lực và thống nhất phương hướng để phát triển KKTCK một cách toàn diện, phát huy hiệu quả tổng hợp để khai thác lợi thế khu vực cửa khẩu biên giới.
Đồng thời xây dựng và phát triển KKTCK thành động lực phát triển quan trọng cho địa phương; đảm bảo thống nhất trong quản lí…
Mục tiêu được UBND tỉnh Cao Bằng đặt ra đối với KKTCK trong giai đoạn 2013-2020, đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 17% đến 20%/năm. Năm 2015, phấn đấu tổng giá trị kim ngạch XNK qua KKTCK đạt khoảng 1,3 tỷ USD và đến năm 2020 con số này được nâng lên hơn 3,16 tỷ USD…
Theo Đề án của UBND tỉnh Cao Bằng, KKTCK Cao Bằng có tổng diện tích hơn 30.000 ha, nằm trong phạm vi của 7 huyện (Phục Hòa, Thạch An, Hạ Lang, Trà Lĩnh, Trùng Khánh, Hà Quảng, Thông Nông) với 40 xã; tổng dân số trong khu vực này năm 2012 là hơn 86.000 người. |
Theo Đề án sáp nhập 3 KKTCK Cao Bằng và phương hướng phát triển đến năm 2020, UBND tỉnh Cao Bằng đang đặt rất nhiều kì vọng vào sự hình thành KKTCK Cao Bằng để tạo động lực phát triển cho địa phương.
Theo đó, KKTCK Cao Bằng được định hướng thành động lực phát triển kinh tế của Cao Bằng. Tạo hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ làm gia tăng các hoạt động thương mại, sản xuất hàng hóa, liên kết với các địa bàn trong tỉnh và các địa phương lân cận nhằm khai thác các thế mạnh về tài nguyên khoáng sản và nông lâm sản của địa phương.
KKTCK Cao Bằng là nơi thử nghiệm mô hình hợp tác, phát triển kinh tế cửa khẩu theo chính sách mở, đồng bộ, phát huy cao nhất tiềm năng, liên kết chặt chẽ với các hoạt động kinh tế-xã hội ở địa phương.
Trong bối cảnh diện tích KKTCK ở Cao Bằng rộng lớn, việc sáp nhập này cũng giúp hoạt động đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, khả thi và hiệu quả…
Hoàn thiện hạ tầng
Để hiện thực hóa các mục tiêu quan trọng nêu trên, UBND tỉnh Cao Bằng cho rằng cần tập trung vào các giải pháp chủ yếu: đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng; tạo nguồn nhân lực; tổ chức xúc tiến thương mại và thu hút đầu tư.
Đối với giải pháp về vốn đầu tư, từ nay đến năm 2020, Cao Bằng cần 1.839 tỷ đồng, trong đó khoảng 35% đến 40% nguồn vốn dành cho xây dựng hạ tầng.
Về đào tạo nguồn nhân lực, tập trung phát triển nguồn nhân lực cho các ngành, nghề có tính chất quyết định đối với sự phát triển của KKTCK như: Quản lí kho, bãi; quản lí thuế; nghiệp vụ XNK; xúc tiến thương mại và đầu tư; quản lí và giám sát dự án…
Ngoài ra, Cao Bằng cũng chú trọng cho công tác xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư vào KKTCK.