Hàng hóa chờ được kiểm tra tại cửa khẩu Tà Lùng, Cao Bằng
CôngThương - Cụ thể, Cao Bằng sẽ tăng cường sự gắn kết giữa các cơ quan chức năng trong hoạt động thông tin đối ngoại, tạo sự thông thoáng cho các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu; thực hiện tốt hoạt động hợp tác phát triển kinh tế với các địa phương thuộc Khu tự trị dân tộc Choang (Quảng Tây, Trung Quốc); duy trì tốt công tác quản lý, kiểm tra, giám sát các hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa tại các khu vực cửa khẩu biên giới… Bên cạnh đó, Cao Bằng sẽ nâng cấp, xây dựng hạ tầng giao thông, bãi đỗ xe, kho bãi hàng hóa, hệ thống điện; nâng cấp cửa khẩu Tà Lùng huyện Phục Hòa thành cửa khẩu quốc tế; cửa khẩu Sóc Giang, Lý Vạn Thành thành cửa khẩu chính, giảm thu phí xuất khẩu đối với nguyên liệu mía, tăng thu phí đối với các xe xuất nhập khẩu hàng thủy sản… nhằm phát huy tốt hơn nữa tiềm năng kinh tế cửa khẩu.
Thời gian qua, tỉnh Cao Bằng đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy kinh tế cửa khẩu, nhờ đó kinh tế cửa khẩu của tỉnh đã có bước phát triển khá tốt, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội địa phương.
Năm 2012, giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh Cao Bằng tăng gần 10% so với năm 2011, đạt mức 248,1 triệu đô-la. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 200 triệu đô-la, tăng 2%; kim ngạch nhập khẩu đạt 47,45 triệu đô-la. Qua đó, thu ngân sách từ xuất nhập khẩu được gần 140 tỷ đồng. Hiện, tỉnh có 34 nhà đầu tư được cấp phép đầu tư tại các khu kinh tế cửa khẩu với số vốn gần 24 triệu đô-la. |