Nhiều doanh nghiệp công bố phát hành riêng lẻ thành công với giá bán cao hơn nhiều lần thị giá trên sàn |
Những phương án tăng vốn lạ
Ngày 24/5 vừa qua, Công ty cổ phần (CTCP) Đầu tư và phát triển KSH (KSH) đã công bố kết quả đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư trong 2017. Cụ thể, KSH đã hoàn tất chào bán 28,05 triệu cổ phần cho 22 nhà đầu tư cá nhân, thu về hơn 280 tỷ đồng.
Kết quả này khiến thị trường không khỏi bất ngờ khi mức giá phát hành là 10.000 đồng/cổ phiếu, trong khi gần nửa năm nay, thị giá cổ phiếu KSH chỉ dao động trên dưới 2.000 đồng/cổ phiếu cùng kết quả kinh doanh liên tục sụt giảm và báo lỗ trong 2 quý gần nhất.
Trước đó, ngày 17/5/2017, CTCP Đầu tư phát triển xây dựng và thương mại Việt Nam (MBG) đã công bố kết quả chào bán 12 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Theo đó, chỉ 18,1% (tương đương gần 2,2 triệu cổ phiếu) được cổ đông thực hiện quyền mua, còn hơn 9,8 triệu cổ phiếu được MBG chào bán tiếp cho 11 nhà đầu tư do công ty lựa chọn cũng với mức giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Đáng nói là cùng thời điểm, cổ phiếu MBG được giao dịch trên thị trường với giá trên dưới 4.000 đồng/cổ phiếu, bằng 40% giá phát hành.
Cuối tháng 2/2017, CTCP Solavina (SVN) cũng công bố Nghị quyết hội đồng quản trị về phương án bán cổ phiếu riêng lẻ đã được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2016. Theo đó, có 12 nhà đầu tư cá nhân đã đăng ký mua hết 10 triệu cổ phiếu mà SVN chào bán với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, gấp 4 lần thị giá khi đó.
Cũng trong tháng 2, CTCP Đầu tư và phát triển doanh nghiệp Việt Nam (FID) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường thông qua kế hoạch chào bán riêng 9,6 triệu cổ phiếu cho đối tác chiến lược, với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, gấp 6 lần thị giá. Đáng chú ý hơn khi FID là cổ phiếu đang trong diện kiểm soát, bị hạn chế giao dịch. Nhiều dấu hỏi về tính minh bạch của đợt phát hành này đã được giới đầu tư đặt ra.
Câu chuyện tăng vốn của KSH, MBG, SVN hay FID nghe thì có vẻ khá lạ, tuy vậy lại không phải là hiếm gặp trong những năm vừa qua. Bên cạnh việc chào bán cổ phiếu với giá cao hơn thị giá thì một công thức khá quen thuộc của các doanh nghiêp này là nếu đợt phát hành có rất ít cổ đông hiện hữu đăng ký mua thì số lượng cổ phiếu ế còn lại sẽ được Hội đồng quản trị chào bán cho những cá nhân, tổ chức khác mà tên tuổi các nhà đầu tư này hầu như được giữ kín.
Việc mua cổ phiếu cao hơn thị giá khiến thị trường không khỏi thắc mắc về lý do những nhà đầu tư “dại dột” chấp nhận mua vào cổ phiếu giá cao, trong khi có thể mua trên sàn giá rẻ hơn. Họ kỳ vọng doanh nghiệp có những dự án tiềm năng “vụt sáng”, hay đơn thuần là một thủ thuật “thu xếp vốn” của doanh nghiệp? Hay đằng sau là những câu chuyện khác nữa, điều này chỉ người trong cuộc mới hiểu.
Nhà đầu tư cảnh giác hơn
Vốn là một yếu tố quan trọng, đảm bảo cho thành công của dự án kinh doanh. Việc huy động vốn qua thị trường chứng khoán giúp cho doanh nghiệp có nguồn vốn, mà không chịu sức ép như đi vay ngân hàng.
Thế nhưng, quan sát những doanh nghiệp ồ ạt tăng vốn gấp nhiều lần trong thời gian ngắn, tăng vốn với các phương án khá lạ thời gian qua, không khó để nhận ra, nhiều doanh nghiệp kinh doanh ngày càng èo uột.
CTCP An Dương Thảo Điền là một thí dụ. Sau khi liên tục chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn trong hai năm 2014, 2015, kết quả kinh doanh của công ty từ đây cũng sụt giảm mạnh, thậm chí trong 3 quý gần nhất, doanh nghiệp này đều báo lỗ.
Hay CTCP Khoáng sản Bắc Giang (BGM) sau khi phát hành cổ phiếu tăng gấp đôi vốn điều lệ để sáp nhập của với CTCP Nature Việt thì đến nay đã tạm ngừng giao dịch.
CTCP Đá Spilit (SPI) cũng thua lỗ hoặc ghi nhận lợi nhuận không đáng kể sau khi tăng vốn điều lệ lên 5 lần bằng cách phát hành cổ phiếu cho các cổ đông của CTCP Môi trường Quốc Bảo, dù trong kế hoạch tăng vốn trình đại hội đồng cổ đông, doanh nghiệp đưa ra triển vọng kinh doanh rất hoành tráng. Cổ phiếu SPI hiện đang “ngụp lặn” tại vùng giá 2.000 đồng/cổ phiếu.
Nhà đầu tư trở nên cảnh giác hơn khi nghe đến cụm từ “kế hoạch tăng vốn”. Trong cơn lốc của những cổ phiếu giá giảm sàn đột biến không rõ nguyên nhân trong năm 2016, hầu hết đều có đặc điểm chung là có lịch sử tăng vốn phi mã, vốn điều lệ tăng gấp hàng chục lần chỉ trong vài ba năm, nhưng lợi nhuận lại tăng thêm không đáng kể. Thậm chí, thị trường xuất hiện xu hướng giao dịch, hễ cứ nghe tin tăng vốn là cổ phiếu giảm giá.
Trên các diễn đàn chuyên dành cho dân đầu tư tài chính, nhiều nhà đầu tư còn dặn dò nhau “hết sức bảo trọng” trước các cổ phiếu phát hành thêm.
… nhưng không quay lưng với cổ phiếu cơ bản tốt
Tuy nhiên, không phải tất cả các vụ phát hành đều bị nhà đầu tư quay lưng. Cuối tháng 4 vừa qua, CTCP Đường Biên Hoà (BHS) đã công bố chào bán thành công 129,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ 1:1, giá thực hiện 10.000 đồng/cổ phiếu nhằm huy động vốn để tái cơ cấu nguồn vốn, nâng cao năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh.
Mới đây, CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đã xin ý kiến cổ đông về phương án chào bán cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 20%, giá 20.000 đồng/cổ phiếu, nhằm huy động vốn cho hoạt động đầu tư vào CTCP Thép Hòa Phát Dung Quất, một dự án kỳ vọng đem lại bước tiến đột biến cho công ty. Phương án này đã được cổ đông Hòa Phát ủng hộ.
Tổng công ty Viglacera (VGC) cũng vừa công bố kết quả đấu giá phát hành 120 triệu cổ phiếu với giá khởi điểm 12.200 đồng/cổ phiếu. Đợt đấu giá đã thu hút hơn 1.000 nhà đầu tư tham gia, với khối lượng đặt mua gấp 2,6 lần lượng chào bán và giá trúng thầu cao hơn 32,6% giá khởi điểm.
Từ đó, có thể thấy, với những doanh nghiệp có tên tuổi, phương án tăng vốn rõ ràng, dự án khả thi, khi phát hành vẫn luôn được nhà đầu tư đón nhận.