Thứ hai 18/11/2024 03:12

Cần hoàn thiện các quy định pháp lý, thúc đẩy phát triển bền vững năng lượng tái tạo

Để có thể đạt được mục tiêu phát triển bền vững năng lượng tái tạo, theo các chuyên gia, cần sớm triển khai cơ chế đấu thầu giá bán điện năng lượng tái tạo. Và để thực hiện tốt việc đấu thầu các dự án năng lượng tái tạo trong thời gian tới, ngoài việc cần có hệ thống cơ sở dữ liệu thì việc các quy định pháp lý đi kèm hiện cũng cần hoàn thiện.

Thực tế cho thấy, việc thực hiện cơ chế đấu thầu các dự án năng lượng tái tạo đã được áp dụng, triển khai trên 60 quốc gia trên thế giới. Vì cơ chế này mang lại khả năng thực thi kế hoạch phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo một cách hợp lý, tiết kiệm chi phí và minh bạch. Bên cạnh đó, áp dụng cơ chế đấu giá cũng đạt được các mục tiêu phát triển khác, như tạo việc làm cho người lao động, nâng cao trình độ công nghệ và góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Chia sẻ tại toạ đàm "Cơ chế đấu thầu phát triển bền vững thị trường điện năng lượng tái tạo” do Tổ chức Sáng kiến về Chuyển dịch năng lượng Việt Nam tổ chức ngày 11/1, ông Nguyễn Quang Minh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển thị trường điện lực và Đào tạo, Cục Điều tiết Điện lực cho hay, về ưu điểm, việc đấu thầu sẽ cho kết quả mang tính cạnh tranh và cuối cùng người tiêu dùng sẽ được lợi nhất. Tuy nhiên, việc tổ chức đấu thầu cụ thể như thế nào cần phải được bàn bạc thêm.

Theo Nguyễn Quang Minh, mọi quy trình cần phải công khai, minh bạch, biểu giá rõ ràng. Đó là mục tiêu cần đạt được. Cũng theo ông Minh, điểm khó khăn là cách thức tổ chức đấu thầu thế nào? Nếu không đưa ra được quy trình, quy định cụ thể thì sẽ có sự “cong vênh”, gây ra những hệ lụy.

“Cần có bước chuyển đổi từ các cơ chế khuyến khích sang đấu thầu, đây là điều cần thiết và phải làm thận trọng đối với Việt Nam. Hiện nay, dù đã có các luật liên quan đấu thầu nhưng với lĩnh vực năng lượng, chúng ta còn bỡ ngỡ, đặc biệt đối với dự án điện năng lượng tái tạo thì rất bấp bênh” - ông Nguyễn Quang Minh nhấn mạnh.

Thông tin về những khó khăn hiện nay, đại diện Cục Điều tiết Điện lực cho biết, về mặt pháp lý, chúng ta đã có luật đấu thầu, luật đầu tư, các quy hoạch đất đai, quy hoạch điện, nhưng để xây dựng các quy định, chính sách cho đấu thầu năng lượng tái tạo vẫn còn nhiều khó khăn. Các quy hoạch đất đai và quy hoạch điện cần phải làm đồng bộ với nhau, xem xét để làm sao có quy định sửa đổi cho phù hợp.

Góp ý thêm, luật sư Nguyễn Hưng Quang, Chủ tịch Trung tâm hòa giải thương mại quốc tế Việt Nam cho hay: “Khi đặt ra các tiêu chuẩn lựa chọn nhà đầu tư, cần phải lưu tâm việc nhà đầu tư có thể đem lại lợi ích gì cho ngành điện, cho quốc gia, người dân và địa phương. Chúng ta cần xem xét nếu không sẽ tạo ra những hệ lụy và gánh nặng lớn sau này”.

Theo đó, ông Nguyễn Hưng Quang đưa ra ý kiến, để đấu thầu điện năng lượng tái tạo, chúng ta nên chọn đấu thầu hay đấu giá, loại dự án nào có thể thực hiện? Có thể chọn cả hai phương án nhưng phải có luật và các quy định chuyên ngành.

“Do vậy, cần phát triển các cơ chế phối hợp giữa các cơ quan UBND, Bộ Công Thương, các đơn vị liên quan trong tổ chức đấu thầu. Đặc biệt xây dựng cơ sở dữ liệu để tổ chức đấu thầu. Nếu không có cơ sở dữ liệu thì sẽ tạo lợi ích không minh bạch, không bình đẳng cho những ai nắm giữ cơ sở dữ liệu chuẩn, đầy đủ trong tay” – luật sư Nguyễn Hưng Quang bày tỏ.

Ngoài ra, các địa phương cần hoàn thiện các quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch có liên quan đến năng lượng, năng lượng tái tạo để căn cứ vào đó, nhà đầu tư xây dựng hồ sơ đấu thầu. Đặc biệt, cũng cần phải sửa đổi một số luật liên quan để tạo hành lang pháp lý, tránh việc tạo khung pháp lý mà trong đó có nhiều xung đột.

Theo nhận định của các chuyên gia, để hướng đến Net Zero năm 2050, việc có thêm các giải pháp để gia tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo là rất cần thiết. Trong đó, đấu thầu cạnh tranh không giúp khai thác hết được nguồn năng lượng tái tạo, mà sẽ giúp các dự án được triển khai hiệu quả, minh bạch hơn.

PGS.TS.Nguyễn Hồng Phương, đại diện Tổ chức Sáng kiến về Chuyển dịch năng lượng Việt Nam đưa ra quan điểm, để thực hiện đấu thầu, có thể thực hiện các bước như, xác định mục tiêu năng lượng tái tạo đấu thầu, xác định các khu vực thí điểm và đánh giá ảnh hưởng từng khu vực đến lưới, đến khả năng phát trong cả năm của từng vùng.

Cụ thể, đề xuất vòng đấu thầu đối với điện mặt trời mặt đất đầu tiên có thể ở 500 MW và nên tập trung ở khu vực Bắc Trung bộ như Thanh hóa, Nghệ An, vì điều kiện kỹ thuật khá tốt và năng lực giải tỏa trên lưới tốt. Sau đó, có thể nghiên cứu đấu thầu thêm ở các khu vực khác.

Trao đổi thêm vấn đề này, TS Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Vietnam nói, với việc đấu thầu dự án điện, ngoài lựa chọn nhà đầu tư, thì cũng là đấu thầu tại địa bàn các tỉnh, thay vì được giao cho tổ chức đấu thầu, thì các tỉnh, thành phố cũng phải tham gia, song hành cùng nhà đầu tư để được lựa chọn.

"Bộ Công Thương có thể đưa ra yêu cầu, kế hoạch đấu thầu mua điện, để các tỉnh chuẩn bị, và hàng năm có thể công bố kết quả. Bước tiếp theo là công việc của các nhà đầu tư, tỉnh thành phố sẽ tiến hành chuẩn bị hồ sơ đấu thầu" - TS Lê Duy Bình nêu ý kiến và nhấn mạnh, đây là giai đoạn quan trọng để chuyển tiếp sang cơ chế đấu thầu, làm sao để trơn tru nhất, hạn chế các tranh chấp sau này, duy trì sự hứng thú của các nhà đầu tư với năng lượng tái tạo của Việt Nam.

Tại toạ đàm, các chuyên gia cũng đã giới thiệu nhiều kết quả nghiên cứu đánh giá kỹ thuật, kinh tế xã hội và pháp lý trong việc triển khai cơ chế đấu thầu phát triển các dự án điện. Đồng thời, đưa ra các góc nhìn đa chiều về cơ chế đấu giá bán điện năng lượng tái tạo cũng như các vấn đề liên quan đến phát triển cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu chuyển dịch năng lượng hướng đến thực thi cam kết Net Zero vào năm 2050.

Đỗ Nga
Bài viết cùng chủ đề: Năng lượng tái tạo