Cần chính sách đột phá phát triển nhân lực công nghiệp bán dẫn Hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn |
Là một trong những trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao tri thức và công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; ngang tầm khu vực, dần đạt trình độ quốc tế, thời gian qua, Đại học Quốc gia Hà Nội đã đào tạo và có nhiều hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn.
Hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Chia sẻ tại Hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn, do Văn phòng Chính phủ phối hợp cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức chiều ngày 24/4, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Phạm Bảo Sơn chia sẻ: Hiện nay, trường đang cung cấp nguồn nhân lực khoảng hơn 3.000 sinh viên mỗi năm trong các lĩnh vực liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến lĩnh vực này. Đồng thời có hệ thống phòng thí nghiệm, tuy nhiên những phòng thí nghiệm này chưa tích hợp được công đoạn của công nghiệp bán dẫn.
Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Phạm Bảo Sơn. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Ngoài ra, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng có nhiều hoạt động để triển khai Đề án mà Đại học Quốc gia Hà Nội tham gia cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ví dụ xây dựng các chương trình đào tạo do doanh nghiệp đặt hàng, như: Công ty Samsung Electronics đã làm việc với Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội thống nhất từ năm tới sẽ tuyển sinh chương trình thạc sĩ trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.
Bên cạnh đó, trường cũng đã triển khai chương trình đào tạo ngắn hạn cho doanh nghiệp; liên tục cùng các đơn vị thành viên tổ chức hội chợ việc làm dành riêng cho lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, có sự quan tâm tham gia của nhiều doanh nghiệp quốc tế; phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng chương trình nghiên cứu cấp bộ và triển khai trong năm nay; đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các trường đại học quốc tế trong lĩnh vực bán dẫn.
Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Phạm Bảo Sơn cũng đề cập đến 3 nhóm vấn đề lớn trong đào tạo nguồn nhân lực, trong đó đội ngũ giảng viên là vấn đề quan trọng. Bên cạnh đó, cần có cơ chế không chỉ là bồi dưỡng mà phải thu hút được chuyên gia. Cuối cùng là thu hút sinh viên giỏi tham gia trong lĩnh vực này.
Cùng bàn về vấn đề này, ông Huỳnh Quyết Thắng - Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội – cho hay, hiện tại, Đại học Bách khoa Hà Nội đào tạo chính thức khoảng 3.500 sinh viên các ngành gần, khoảng 150 sinh viên ngành đúng liên quan đến thiết kế vi mạch, vi điện tử công nghệ nano. Số lượng này sẽ tăng lên trong thời gian tới.
Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội Huỳnh Quyết Thắng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Dự kiến đến năm 2030, Đại học Bách khoa Hà Nội có thể đào tạo được từ 1.000-1.200 kỹ sư các ngành đúng và chuyển đổi khoảng 6.500 ngành gần. “Chúng tôi kỳ vọng các trường đại học sẽ đào tạo đáp ứng nhu cầu như trong Đề án đề ra. Một điều đặc biệt tại Đại học Bách khoa Hà Nội là trong số 2 chương trình đào tạo đúng và 7 chương trình đào tạo gần, có tới 2/3 chương trình là trường đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh...”, ông Huỳnh Quyết Thắng nói.
Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội cũng nhấn mạnh đến việc cần thiết phải đào tạo học viên, giảng viên. Theo đó, trường đã xây dựng một đề án thu hút nguồn nhân lực cao ở tất cả các lĩnh vực. Vừa qua, trường đã tuyển dụng được 2-3 phó giáo sư xuất sắc ở nước ngoài quay trở về Việt Nam làm việc. Đây cũng là giải pháp để giải bài toán thiếu nguồn nhân lực hiện nay. Họ sẽ là nguồn lực để phát triển các phòng thí nghiệm nghiên cứu, họ cũng sẽ là chủ lực chia sẻ kinh nghiệm và có thể đào tạo lại nguồn giảng viên.
Các nội dung khác cũng rất quan trọng là việc thu hút sinh viên giỏi phải có "sân chơi" và đầu ra cho các em, tức là các em phải có sản phẩm của chính mình để đưa vào thực tế; tạo được thị trường của các doanh nghiệp lớn để phục vụ nhu cầu của các kỹ sư bán dẫn hay không và muốn có thị trường đó thì cần phải có sự chung sức của doanh nghiệp, bộ, ngành tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về chính sách và sự sẵn sàng của trường đại học để đào tạo nguồn nhân lực cao.