Thứ sáu 08/11/2024 20:20

Cần có lộ trình và giải pháp phù hợp cho phát triển điện gió ngoài khơi

Tập trung vào các giải pháp phù hợp trong phát triển điện gió ngoài khơi sẽ giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu đã cam kết tại COP26.

Chiều ngày 6/7, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo: “Kinh nghiệm phát triển điện gió ngoài khơi” do Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) tổ chức.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An phát biểu tại hội thảo

Thúc đẩy chuyển dịch năng lượng sạch

Phát biểu tại hội thảo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An nhấn mạnh: Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm và đặt mục tiêu phát triển điện phải đi trước một bước để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng của đất nước, đáp ứng nhu cầu điện sinh hoạt của nhân dân, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Với sự quan tâm đó, hệ thống điện quốc gia Việt Nam hiện đã có những bước phát triển vượt bậc, đã đảm bảo cung cấp đủ điện cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội với chất lượng và độ tin cậy cung cấp điện ngày càng được cải thiện, nâng cao.

Đến hết năm 2021, tổng công suất đặt nguồn điện của Việt Nam đã đạt trên 78.120MW, hệ thống điện quốc gia đã có dự phòng công suất tuy không đồng đều cho tất cả các vùng, miền.

Thứ trưởng Đặng Hoàng An chỉ ra, trong bối cảnh tiềm năng các nguồn thủy điện lớn đã cơ bản khai thác hết, nguồn nhiệt điện than gặp khó khăn trong huy động vốn do các cam kết liên quan đến biến đổi khí hậu toàn cầu, nguồn nhiệt điện khí hoá lỏng có giá thành còn cao và phụ thuộc nhiều vào thị trường thế giới. Trước thực trạng này, cần đẩy mạnh khai thác và sử dụng tối đa, có hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo trong nước, từng bước gia tăng tỷ trọng của năng lượng tái tạo trong sản xuất và tiêu thụ năng lượng quốc gia để giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch. Đồng thời, cải thiện cơ cấu ngành năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng, giảm nhẹ biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Thứ trưởng Đặng Hoàng An khẳng định, từ năm 2015, Chính phủ Việt Nam đã có chiến lược phát triển xanh hóa với biện pháp tăng cường nhiều hơn nữa điện năng lượng tái tạo. Cụ thể, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Chiến lược năng lượng tái tạo) nêu rõ mục tiêu: Tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ năng lượng tái tạo trong tổng điện năng sản xuất toàn quốc tăng từ khoảng 35% vào năm 2015 tăng lên khoảng 38% vào năm 2020; đạt khoảng 32% vào năm 2030 và khoảng 43% vào năm 2050” và đã ban hành nhiều cơ chế khuyến khích phát triển điện gió, điện sinh khối, điện từ chất thải rắn và điện mặt trời.

Kết quả là đến cuối năm 2021, tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo (chưa tính thủy điện) đạt 27% tổng công suất toàn hệ thống.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo trong khuôn khổ Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã tuyên bố mục tiêu tham vọng Việt Nam sẽ cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Để thực hiện mục tiêu này Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia do Thủ tướng làm Trưởng ban và thủ trưởng các Bộ ngành.

Thứ trưởng nêu rõ, Bộ Công Thương là đơn vị đảm trách chủ chốt thực hiện mục tiêu phát triển năng lượng đến năm 2030, đó là chuyển đổi ngành năng lượng. Theo đó, Bộ Công Thương đang chủ trì hai Quy hoạch quốc gia quan trọng đó là Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 (Quy hoạch Điện VIII) và Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. “Nội dung căn bản của hai Quy hoạch này sẽ không phát triển thêm các nhà máy điện than mới sau năm 2030 và xem xét chuyển đổi các nhà máy điện than sang các nguyên liệu sạch hơn, đồng thời phát triển điện khí ở quy mô phù hợp, đáp ứng nguồn cung”- Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhấn mạnh.

Sớm gỡ rào cản cho điện gió ngoài khơi

Trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam tiếp tục theo đuổi mục tiêu ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo với các chính sách như: mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn, Cơ chế đấu thầu chọn nhà đầu tư dự án nguồn điện.

Liên quan đến điện gió ngoài khơi, Thứ trưởng Đặng Hoàng An bày tỏ, điện gió ngoài khơi là loại hình điện năng lượng tái tạo mà Việt Nam có tiềm năng khai thác lớn do có vùng biển rộng lớn, do số giờ vận hành trong năm cao...

Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII đang được Bộ Công Thương rà soát, hoàn thiện, Việt Nam dự kiến nâng tổng công suất điện gió từ khoảng trên gần 4.000 MW năm 2022 lên đến khoảng 16.121 MW điện gió trên bờ và gần bờ và khoảng 7.000 MW điện gió ngoài khơi vào năm 2030. Đến 2045, tổng công suất điện gió khoảng 122,45 GW, trong đó điện gió ngoài khơi là 66,5 GW.

Tuy nhiên, loại hình nguồn điện gió ngoài khơi chưa có kinh nghiệm phát triển ở Việt Nam do tính chất phức tạp về kỹ thuật và công nghệ, quy trình và thủ tục đầu tư, quy mô đầu tư lớn dẫn đến việc hiện thực hoá lượng công suất quy hoạch lên tới 7.000 MW vào năm 2030 thực sự là một thách thức lớn”- Thứ trưởng nêu và cho biết, thời gian qua Việt Nam đã nhận được hỗ trợ của nhiều tổ chức quốc tế, chính phủ các nước, trong đó có Chính phủ Na Uy, để chia sẻ kinh nghiệm, tìm hiểu, nghiên cứu xây dựng cơ chế khuyến khích phù hợp nhằm khai thác nguồn tiềm năng thiên nhiên này cũng như thúc đẩy chuỗi cung ứng sản phẩm dịch vụ góp phần gia tăng việc làm, từng bước gia tăng năng lực sản xuất trong nước và gia tăng tỷ trọng nội địa hóa trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi.

Trong thời gian tới mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ và các doanh nghiệp của Na Uy trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và đặc biệt là điện gió ngoài khơi, lĩnh vực mà Chính phủ và các công ty của Na Uy nói chung, Công ty Equinor nói riêng đã có nhiều kinh nghiệm phát triển để chia sẻ kiến thức về chính sách, công nghệ, bài học điển hình đã triển khai thành công và hỗ trợ tìm kiếm mô hình phát triển phù hợp nhất với điều kiện của Việt Nam”- Thứ trưởng kỳ vọng.

Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Grete Lochen chia sẻ tại hội thảo

Chia sẻ tại hội thảo, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Grete Lochen cho biết: Na Uy có nhiều kinh nghiệm trong lắp đặt các công trình dầu khí ngoài khơi. Tất cả những kinh nghiệm và công nghệ này có thể được ứng dụng hiệu quả trong ngành điện gió ngoài khơi hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam.

Đại sứ cho rằng, việc Equinor - công ty năng lượng lớn nhất Na Uy chính thức khai trương văn phòng đại diện tại Hà Nội mới đây cũng là một thành tựu lớn vì đây là công ty năng lượng lớn nhất Na Uy, cam kết phát triển các dự án điện gió ngoài khơi ở Việt Nam; nâng cao năng lực và trình độ chuyên môn trong nước; xây dựng một chuỗi cung ứng mạnh mẽ trong nước của ngành điện gió ngoài khơi; tạo thêm nhiều việc làm có kỹ năng trong nước; sản xuất điện với chi phí thấp hơn...

Đánh giá về tiềm năng điện gió ngoài khơi, ông Phạm Nguyên Hùng - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho hay, Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có đường bờ biển trải dài hơn 3.000km với 28 tỉnh, thành phố ven biển nên tiềm năng phát triển năng lượng gió tại Việt Nam vô cùng lớn. Với việc đầu tư vào hệ thống truyền tải cũng như điều độ thông minh, điện gió ngoài khơi hoàn toàn có tiềm năng để trở thành một trong những nguồn cung chủ đạo của hệ thống năng lượng Việt Nam trong tương lai, qua đó giảm sự lệ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu.

Vì vậy, nguồn năng lượng điện gió được đánh giá sẽ giữ vai trò quan trọng trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, gia tăng việc làm, tăng cường cung ứng trong nước và thúc đẩy tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu”- lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo khẳng định.

Ông Phạm Nguyên Hùng - Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo trình bày về tiềm năng điện gió tại hội thảo

Tuy nhiên ông Phạm Nguyên Hùng cho biết, vẫn còn điểm nghẽn khi phát triển điện gió ngoài khơi, đó chính là Quy hoạch không gian biển. “Vấn đề ở chỗ khung pháp lý cho lĩnh vực này vẫn còn "vướng", vì ngoài việc giá trị đầu tư vốn lớn, còn liên quan đến các ngành như dầu khí, hàng hải, thủy sản và đặc biệt là an ninh quốc phòng...”, ông Phạm Nguyên Hùng nhìn nhận và cho rằng, thực tế, điện gió ngoài khơi có chu trình đầu tư khác biệt rất nhiều so với điện gió trên bờ, ở chỗ phạm vi quản lý biển dưới 6 hải lý thì thuộc cấp tỉnh, nhưng trên 6 hải lý là phải cấp cao hơn. Đây cũng là vấn đề cần tìm ra giải pháp sớm.

Lan Anh- Cấn Dũng
Bài viết cùng chủ đề: Điện gió

Tin cùng chuyên mục

Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng: Vượt kế hoạch tiến độ tháng 10/2024

Hải Dương: Chấp thuận dự án truyền tải điện tổng mức đầu tư hơn 783 tỷ đồng

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu những nhiệm vụ trọng tâm để gỡ vướng cho các dự án lưới điện

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì họp trực tuyến về các dự án lưới điện

Sửa đổi Luật Quy hoạch và Luật Đầu tư: Động lực mới cho ngành điện Việt Nam

EVNCPC chủ động ứng phó với mưa lớn khu vực miền Trung

Tổng giám đốc EVNCPC kiểm tra công tác khắc phục hậu quả của bão số 6 tại PC Quảng Bình

EVN đề xuất triển khai thí điểm giá điện hai thành phần

Phổ biến Nghị định khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ

Ngành điện miền Nam đưa vào vận hành loạt công trình điện trọng điểm

Nghiên cứu cơ chế giá điện khuyến khích khách hàng điều chỉnh phụ tải điện

Bất chấp các lệnh trừng phạt Nga vẫn ‘bơm’ khí đốt cho châu Âu

Hoàn thiện công trình lưới điện trung hạ áp khu vực Chư Prông, Gia Lai

Gỡ vướng mắc các dự án truyền tải điện trên địa bàn tỉnh Lai Châu

EVNSPC hoàn thành loạt công trình lưới điện 110kV chỉ trong 1 tuần

PC Lai Châu: Triển khai nhiều giải pháp đảm bảo tài sản ngành điện

Công ty Cổ phần Thủy điện A Vương hoàn thành kế hoạch sản lượng điện năm 2024

Growatt ra mắt biến tần hybrid mới cho ứng dụng lưu trữ trong thương mại quy mô vừa và nhỏ

EVNNPT đóng điện Trạm biến áp 220kV Định Quán

Than thương phẩm 10 tháng của TKV đạt 40,98 triệu tấn