Cần cơ chế, chính sách đặc thù để một số địa phương trở thành cực tăng trưởng mới
Tạo cơ chế, nguồn lực, tăng tính chủ động cho các địa phương
Ngày 27/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế. Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung - Đoàn Hải Dương khẳng định, việc xây dựng định hướng phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, lựa chọn một số địa phương có lợi thế đặc biệt để xây dựng trung tâm kinh tế - tài chính với thể chế, cơ chế chính sách đặc thù có tính đột phá, có khả năng cạnh tranh là điều cần thiết.
Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế |
“Một số địa phương được lựa chọn để áp dụng các chính sách đặc thù đã có những tiềm lực phát triển về kinh tế, và có những thế mạnh về địa lý, văn hóa, tài nguyên. Vì vậy, đầu tư phát triển trọng điểm tại các địa phương này sẽ có khả năng mang lại hiệu suất phát triển kinh tế cao” - đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung nói.
Tuy nhiên, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung nêu lưu ý, hiện nay chúng ta đã áp dụng chính sách đặc thù tại một số địa phương. Vì vậy, cần có rà soát, đánh giá, phân định cụ thể sự phát triển của các địa phương, các vùng kinh tế là do tác động của các cơ chế, chính sách đặc thù hay phát triển chủ yếu dựa trên thế mạnh vốn có của các tỉnh.
“Sau khi áp dụng các chính sách đặc thù, địa phương có phát triển như kỳ vọng, từ đó đánh giá tính hiệu quả của cơ chế đặc thù để điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp. Không nên áp dụng dàn trải quá nhiều địa phương khi chưa có những tổng kết, đánh giá sau quá trình triển khai thực hiện, dễ dẫn đến tình trạng mỗi nơi một chính sách” - đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung nói.
Bên cạnh đó, khi xây dựng các chính sách đặc thù, cần lưu ý đến sự phát triển hài hòa giữa các địa phương, đề cao vai trò điều hòa của nhà nước đối với sự phát triển cân bằng giữa các vùng. Mỗi thời điểm nhất định với nguồn lực có hạn cần tập trung đến những nơi có tiềm năng, hiệu suất phát triển cao. Sau khi địa phương đó phát triển rồi cần tập trung nguồn lực và xây dựng chính sách đặc thù đối với địa phương khác, tránh để xảy ra sự phát triển không đồng đều giữa các địa phương.
Đại biểu Nguyễn Quốc Luận - Đoàn Yên Bái cũng thống nhất cao về sự cần thiết phải ban hành 4 nghị quyết này. Đây là bước thể chế hóa các nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển các địa phương đã được ban hành trước đó.
Qua đó, tạo cơ chế, nguồn lực cũng như đẩy mạnh phân cấp để tăng tính chủ động cho các địa phương trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, tạo ra những cực tăng trưởng mới, tạo động lực, tạo sự lan tỏa, sự phát triển cho các vùng kinh tế trọng điểm và dẫn dắt các địa phương khác trong vùng cùng phát triển.
Góp ý về nội dung thí điểm thực hiện chính sách phí, lệ phí, vị đại biểu Đoàn Yên Bái thống nhất trao quyền chủ động cho HĐND TP. Hải Phòng và tỉnh Thanh Hóa được quyền quy định bổ sung thêm với các loại phí ngoài danh mục quy định tại Luật Phí và lệ phí, cũng như điều chỉnh các mức phí, lệ phí khác so với quy định của luật.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Quốc Luận đề nghị cân nhắc lộ trình thực hiện chính sách này, nhất là trong năm 2022 khi chúng ta tập trung phục hồi và phát triển kinh tế, sau thời gian chịu ảnh hưởng rất nặng nề của dịch Covid-19, trong bối cảnh người dân và các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vận tải, xuất nhập khẩu đang hết sức khó khăn với các khoản đóng thuế, phí và lệ phí.
Về nội dung quản lý đất đai, Dự thảo các nghị quyết phân cấp rất mạnh, tăng thẩm quyền cho các địa phương trong việc chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng rừng. Theo đó, nâng hạn mức chuyển mục đích sử dụng đất lúa tăng gấp 50 lần; đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng tăng gấp 2,5 lần và nâng hạn mức chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất tăng gấp 20 lần so với quy định hiện hành. Điều này, sẽ tạo điều kiện rất thuận lợi cho các địa phương trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhanh chóng tạo quỹ đất lớn để thực hiện các dự án đầu tư khu công nghiệp, khu đô thị, khu kinh tế và các dự án có nhu cầu sử dụng quỹ đất lớn.
Trong khi đó, các địa phương khác hiện nay hết sức khó khăn trong việc thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất, sử dụng rừng do hạn mức quy định cho cấp tỉnh được quyết định rất thấp. Đây là một trong những nút thắt, trở lực rất lớn trong việc thu hút các nhà đầu tư.
“Do vậy, việc thực hiện chính sách này có thể dẫn đến sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các địa phương được hưởng chính sách này với các địa phương khác, nhất là các địa phương liền kề trong việc thu hút đầu tư, thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội đòi hỏi quỹ đất lớn. Tôi đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình, làm rõ hơn tác động của chính sách này để Quốc hội có cơ sở cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định thông qua” - đại biểu Nguyễn Quốc Luận nêu.
Cần đặt các cơ chế đặc thù tương quan với toàn bộ hệ thống pháp luật
Đại biểu Phạm Trọng Nhân - Đoàn Bình Dương cho rằng, về chủ trương, không thể phủ nhận sự cần thiết khi ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương, vì đã được nêu rất rõ trong tờ trình và báo cáo thẩm tra. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất ở đây vẫn là cách chúng ta hoạch định chính sách nhằm đặt các cơ chế đặc thù tương quan với toàn bộ hệ thống pháp luật cũng như các chiến lược quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia. Nếu được thông qua, tính trong cả nước sẽ có 7 tỉnh, thành được Quốc hội thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù.
Đặc biệt, khi nghị quyết này có hiệu lực thì cũng tròn 3 năm kể từ ngày Luật Quy hoạch có hiệu lực. Tờ trình 389 của Chính phủ tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV đã khẳng định quy hoạch phải thực sự là công cụ quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, giữ vai trò định hướng, dẫn dắt sự phát triển. Đồng thời, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đánh giá quy hoạch tổng thể quốc gia là cầu nối giữa chiến lược với kế hoạch, là định hướng chiến lược về phân bố phát triển và tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội.
Như vậy, quy hoạch là yếu tố cần có sau các chiến lược và căn cứ vào quy hoạch để ban hành các chương trình, kế hoạch theo quy hoạch đã được phê duyệt. “Tuy nhiên, sau 3 năm có hiệu lực với nhiều kỳ vọng thì vào tháng 3/2021 Bắc Giang là địa phương đầu tiên trình Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030” - đại biểu Phạm Trọng Nhân thông tin.
Như vậy, các địa phương được xem xét cơ chế đặc thù lần này đã hoàn thành hay chưa việc xây dựng quy hoạch địa phương mình, nếu chưa thì cơ chế, chính sách đặc thù này sẽ ảnh hưởng thế nào khi các tỉnh tiến hành quy hoạch. Cơ chế thí điểm mang tính ngắn hạn còn quy hoạch là dài hạn. Khi xây dựng quy hoạch, các vấn đề được quy định trong nghị quyết cơ chế, chính sách đặc thù sẽ được xử lý như thế nào, quy hoạch có trước hay cơ chế, chính sách đặc thù có trước, cái nào quy định cái nào và cái nào phụ thuộc cái nào.
Tại kỳ họp này, Quốc hội bố trí thảo luận đề án cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. “Câu hỏi đặt ra là cơ chế, chính sách đặc thù của các địa phương nằm ở đâu trong đề án này. Khi ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương chúng ta đã tính đến sự liên kết giữa các địa phương này với các tỉnh, thành lân cận hay chưa” - đại biểu Phạm Trọng Nhân băn khoăn.
Cũng theo đại biểu Phạm Trọng Nhân, kèm với dự thảo nghị quyết cơ chế chính sách đặc thù cần phải có những chương trình, đề án như một cam kết về hiệu quả của nghị quyết đối ứng với niềm tin mà gần 500 đại biểu đã tin trao cho các địa phương.
Khát vọng phát triển đất nước cũng như câu chuyện đi tìm động lực tăng trưởng luôn là trăn trở của các cấp lãnh đạo, các chuyên gia và các tầng lớp nhân dân. "Chúng ta đồng thuận để thông qua các cơ chế chính sách đặc thù lần này, nhưng vẫn mong một cơ chế, chính sách đặc thù cho các vùng kinh tế trọng điểm. Bởi đây mới chính là động lực tăng trưởng trọng yếu, là liều thuốc đủ mạnh cho một cơ thể vừa trải qua cơn bạo bệnh nhưng luôn mang khát vọng thịnh vượng" - đại biểu Phạm Trọng Nhân chia sẻ thêm.