Cần có cái nhìn khách quan, công bằng với giá phân bón
Trong khoảng 2 năm qua, nông dân luôn trong tình cảnh điêu đứng vì chi phí đầu vào sản xuất nông nghiệp tăng cao, đặc biệt là giá phân bón, trong khi giá cả nông sản thì rớt thê thảm vì nhiều lý do, như không thể xuất khẩu vì dịch bệnh. Nông dân thua lỗ, nhiều nơi nông dân phải bỏ vụ.
Ảnh minh họa |
Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp sản xuất phân bón thì đang báo cáo doanh thu, lợi nhuận.
Nếu nhìn đơn thuần từ mối tương quan này, rất dễ khiến người ta nghĩ rằng, giá phân bón tăng cao là nguyên nhân khiến bà con khó khăn càng thêm khó khăn còn doanh nghiệp thì được lợi. Thậm chí có ý kiến rằng phải chăng các doanh nghiệp “té nước theo mưa”, đẩy giá phân bón cao để kiếm lời?!
Tuy nhiên, chúng ta cần có cái nhìn khách quan và công bằng với các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước.
Đầu tiên, sản xuất nông nghiệp luôn gắn liền với phân bón nhưng ít ai để ý rằng, phân bón chỉ chiếm 25% trong chi phí đầu vào của nông dân, còn lại là nhiều chi phí khác như: chi phí nhân công khoảng 25%, chi phí các loại thuốc bảo vệ thực vật chiếm khoảng 22% và chi phí về giống cùng các loại chi phí khác là phần còn lại đủ 100%. Trong thời gian qua, tất cả các chi phí kể trên đều tăng, cộng với đó là giá nông sản thì giảm sâu khiến nhiều nông dân rơi vào khó khăn.
Giá phân bón trong nước thời gian qua tăng cao cũng không phải là điều khó để lý giải. Bởi các chi phí đầu vào sản xuất đều tăng cao, nhất là nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài hay gần gần đây là nguyên liệu khí tăng cao theo đà tăng giá dầu,... các doanh nghiệp Việt Nam hiện đang sản xuất ure từ khí thì đều đang mua khí theo giá thị trường điều chỉnh theo tháng và chốt theo giá dầu FO (giá miệng giếng, cộng các thuế khác, chi phí phí vận chuyển về bờ) lên tới 12 USD/1 triệu BTU. Với giá khí theo thị trường như vậy, giá khí đầu vào để sản xuất phân đạm của Việt Nam hiện nay thuộc hàng cao nhất thế giới.
Thêm nữa, Việt Nam là đất nước hội nhập toàn diện nên giá cả thế giới, trong đó có giá phân bón tăng hay giảm đều lập tức phản ánh vào thị trường trong nước. Đó là quy luật tất yếu của giá cả thị trường.
Song, nói như thế không có nghĩa là giá cả phân bón trong nước được các doanh nghiệp “thả nổi” theo giá thế giới. Thực tế so sánh cho thấy, từ khi giá phân bón thế giới tăng cao đến nay thì định giá phân bón trong nước luôn được các doanh nghiệp như Phân bón Phú Mỹ, Cà Mau, Hà Bắc.. duy trì ở mức thấp hơn so với giá thế giới nhằm hỗ trợ bà con trong giai đoạn khó khăn.
Thậm chí đến mức, có thời điểm doanh nghiệp phải điều chỉnh chỉ điều tiết giá nội địa ở mức âm đến trên 20% so với mặt bằng giá thế giới, dù điều này rất có thể là nguyên nhân khiến người điều hành doanh nghiệp sẽ phải giải trình với các cơ quan hậu kiểm sau này. Thế nhưng họ vẫn chấp nhận vì mục tiêu duy nhất là đồng hành, chia sẻ khó khăn với bà con nông dân trong cơn bão giá.
Không chỉ chủ động điều chỉnh giá bán, các đơn vị sản xuất phân bón trong Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) là Phú Mỹ, Cà Mau còn tăng cường triển khai rất nhiều chương trình hỗ trợ bà con. Như các chương trình tư vấn kỹ thuật cho bà con sử dụng phân bón hiệu quả, bón đúng, bón đủ; các chương trình an sinh xã hội trực tiếp hỗ trợ bà con trên cả nước gặp khó khăn vì dịch Covid-19... Đồng thời, các đơn vị luôn nỗ lực để kịp thời cung ứng đầy đủ lượng phân bón cho nhu cầu bà con; đảm bảo nguồn cung thị trường luôn dồi dào để tránh tình trạng khan hàng gây sốt giá....
Từ năm 2021 cho đến 6 tháng đầu năm 2022, các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước đều báo cáo về tình hình sản xuất kinh doanh, doanh thu, lợi nhuận vượt kế hoạch và tăng cao so với những năm trước. Kết quả này có được một phần là nhờ lợi thế giá phân bón tăng cao. Song, đó không phải là tất cả, nhất là trong năm 2021 khi đại dịch hoành hành khốc liệt ở miền Nam thì điều quan trọng hơn cả là nhờ công tác quản trị, điều hành, phòng chống dịch hiệu quả của các đơn vị.
Đơn giản, nếu giá phân bón cao nhưng nhà máy sản xuất phải “lock-down” vì không kiểm soát được dịch bệnh thì mọi thứ trở nên vô nghĩa. Trong thời điểm giữa năm 2021, khi toàn miền Nam áp dụng biện pháp giãn các xã hội nghiêm ngặt, hàng trăm, hàng nghìn người lao động đã ở lại Nhà máy trong suốt nhiều tháng liền để duy trì sản xuất, đảm bảo nguồn hàng. Và trong bối cảnh gần như toàn chuỗi logictics bị đứt gãy, phân bón vẫn được các đơn vị nỗ lực đưa đến tay nông dân để đảm bảo vụ mùa...
Cùng với đó là những nỗ lực vượt bậc trong công tác tối ưu hóa vận hành sản xuất, duy trì công suất cao, ổn định, liên tục; công tác tối ưu hóa, tiết giảm chi phí hiệu quả... đã đóng góp đáng kể vào lợi nhuận hàng năm của các đơn vị như Phân bón Phú Mỹ, Cà Mau. Qua đó, các đơn vị đã có những đóng góp tích cực vào ngân sách Nhà nước, góp phần chung vào việc ổn định kinh tế vĩ mô sau đại dịch.
Thế nhưng hiện tại, một số chính sách của cơ quan quản lý Nhà nước đối với ngành phân bón như áp thuế xuất khẩu, duy trì luật thuế 71 với thuế VAT… đang vô tình đẩy không chỉ doanh nghiệp mà cả nông nghiệp, nông dân vào thế khó khăn!
Đầu tiên là việc đưa mặt hàng phân bón từ đối tượng chịu thuế VAT 5% sang đối tượng không chịu thuế (theo Luật Thuế 71, từ năm 2014) đã khiến giá phân bón tăng lên 5-8% do doanh nghiệp phải hạch toán chi phí vào giá bán. Điều này khiến chi phí đầu tư cho sản xuất nông nghiệp cũng tăng lên đáng kể, đồng thời khiến doanh nghiệp bị giảm sức cạnh tranh với phân bón ngoại ngay trên sân nhà.
Mặc dù vấn đề này đã được các chuyên gia, các cơ quan ban ngành đưa ra phân tích, đánh giá mấy năm qua nhưng cho đến nay, Luật thuế 71 vẫn chưa được sửa đổi và vẫn đang là rào cản cho sự phát triển của nông nghiệp, doanh nghiệp trong nước.
Đặc biệt phải kể đến là gần đây, ngành phân bón lại bị bồi thêm đề xuất áp thuế xuất khẩu 5% với mục đích kiềm hãm xuất khẩu, đảm bảo nguồn cung trong nước để giảm giá thành. Cũng giống như Luật thuế 71, các chuyên gia kinh tế phân tích rằng, chính sách này sẽ gây hiệu ứng ngược hoàn toàn nếu được áp dụng. Và rất có thể đây sẽ là cú bồi đè bẹp doanh nghiệp sản xuất trong nước...
Theo tính toán, nhu cầu ure trong nước bình thường vào khoảng 1 triệu 800 nghìn tấn/năm, trong khi năng lực sản xuất của 4 doanh nghiệp nhất trong nước là Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc, Phân bón Phú Mỹ, Phân bón Cà Mau là khoảng 2 triệu 600 nghìn tấn/năm. Tức là năng lực sản xuất luôn dư thừa ít nhất khoảng 800 nghìn tấn/năm. Ở những thời điểm thấp vụ hay nhu cầu giảm mạnh như hiện nay thì tình trạng dư cung, tồn kho sẽ càng lớn hơn nhiều, dự báo có thể lên đến 1 triệu 500 nghìn tấn trong năm nay nếu không xuất khẩu.
Do đó, nếu thuế xuất khẩu phân bón 5% được áp dụng, doanh nghiệp trong nước càng bị giảm sức cạnh tranh hơn nữa so với các doanh nghiệp ngoại. Và một khi chi phí sản xuất đầu vào đang ngày càng tăng cao, cầu trong nước thì giảm mạnh, lại kém cạnh tranh với sản phẩm ngoại, hàng tồn kho nhiều thì việc doanh nghiệp đứng trước bờ vực là điều có thể dễ dàng nhìn thấy!
Có thể thấy, đây là những thực trạng, thách thức hiện nay của ngành phân bón trong nước nói chung, của các doanh nghiệp sản xuất phân bón nói riêng. Nếu không có những đánh giá, chính sách điều tiết vĩ mô đúng đắn, kịp thời thì không chỉ đẩy ngành phân bón vào thế khó mà cả ngành nông nghiệp, nông dân đều chịu thiệt hại!