Cần bĩnh tĩnh với thị trường vàng
Đua nhau mua khi giá tăng cao
Nhìn lại thị trường trong ngày đầu tuần, 24/2, các đơn vị kinh doanh vàng liên tục thay đổi giá trong ngày, cứ khoảng 5 - 10 phút đổi một lần theo chiều hướng đi lên. Chỉ tính riêng chiều 24/2, Ngân hàng Eximbank thay đổi giá vàng hơn 30 lần trong ngày, giá mua lên 47,7 triệu đồng/lượng, bán ra 49,7 triệu đồng/lượng. Đây là mức giá cao kỷ lục của vàng miếng SJC từ trước đến nay, phá vỡ mức giá “đỉnh” lập hồi năm 2011.
Nghịch lý thị trường, giá vàng giảm người mua cũng thưa vắng còn giá tăng thì đua nhau đi mua |
Sau khi lập đỉnh giá cao kỷ lục, trong những ngày qua giá vàng trong nước bắt đầu lao dốc không phanh ngay trong những ngày kế tiếp. Cụ thể, giá vàng thế giới mất gần 25 USD/ounce, còn giá vàng SJC trong nước ngày hôm nay (27/2) cũng giảm mạnh hiện niêm yết tại mức 46,1 triệu đồng lượng chiều mua vào và bán ra 46,8 triệu đồng/lượng.
Dù chưa quyết định bán ra nhưng chị Nguyễn Thị Minh (TP. Hồ Chí Minh) đang thấp thỏm vì đã mua 5 lượng vàng với giá 48 triệu đồng/lượng trong ngày 25/2 nhưng nay chỉ sau vài ngày nếu bán ra chị sẽ bị lỗ ngay gần 10 triệu đồng còn nếu tiếp tục giữ thì không biết giá vàng có còn giảm nữa hay không - chị Minh boăn khoăn.
Khảo sát thực tế từ thị trường cũng cho thấy, khi giá càng tăng nhiều người càng kéo đi mua vàng vì tâm lý lo giá sẽ tăng hơn nữa. Mức chênh lệch mua bán của các tiệm vàng nếu như ngày thường dưới 500 ngàn đồng/lượng thì trong những ngày qua có ngày cũng nhảy vọt lên hơn 1,2 – 1,3 triệu đồng/lượng. Điều này gây rủi ro rất lớn cho người mua vàng khi khoảng cách giữa giá mua - giá bán quá cao. Tại nhiều tiệm vàng, lượng người bán vàng trong ngày 25- 26/2 sau khi giá đi xuống nhiều hơn người mua. Điều này hoàn toàn trái ngược với số lượng đi mua nhiều hơn so với bán ra trong ngày giá vàng tăng ở đỉnh điểm (24/2).
Bình tĩnh và đầu tư dài hạn với thị trường vàng
Trước đó, giá vàng đã tăng vọt chủ yếu do sự sợ hãi lan rộng của giới đầu tư trước tác động của dịch Covid- 19 đối với kinh tế toàn cầu, cùng với tâm lý kỳ vọng vào chính sách nới lỏng lãi suất của nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới. Theo đánh giá của các chuyên gia của Oxford Economics, cuộc khủng hoảng y tế trên diện rộng có thể thổi bay hơn 1.000 tỷ USD của GDP toàn cầu. Trong báo cáo mới nhất, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm nay xuống còn 3,3%.
Vậy câu hỏi đặt ra, giá vàng sẽ còn tiếp tục tăng ra sao trong thời gian tới? Theo ông Phan Dũng Khánh - Giảng viên lĩnh vực đầu tư Trường Doanh nhân Bizlight, giá vàng đã tăng mạnh từ sau Tết Canh Tý đến nay do dịch bệnh Covid-19 đang lây lan rộng ở nhiều nước. Các nhà đầu tư lo lắng dịch bệnh sẽ tác động tồi tệ kéo dài cho kinh tế thế giới nên lựa chọn bỏ tiền trú ẩn vào các tài sản an toàn như vàng. Vì vậy nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đều dự báo giá kim loại quý này vẫn trong xu hướng tăng trong thời gian tới.
Ngoài ra, nhìn lại lực tăng giá của vàng bắt đầu từ năm 2019, khi chiến tranh thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc diễn ra khiến nền kinh tế thế giới chao đảo. Các nước phải tung các gói hỗ trợ kinh tế, giảm lãi suất, giá các ngoại tệ tăng giảm thất thường... Những yếu tố này đã hỗ trợ vàng tăng giá. Bên cạnh đó, Ngân hàng Trung ương các nước sau vài năm mua vàng tích trữ, hiện nay đang chựng lại do vàng ở mức cao nhưng khả năng sẽ không bán vàng ra thời điểm này. Trong khi các quỹ đầu tư vàng mua khối lượng ròng hơn 30 tấn trong tháng 2/2020. Với tốc độ tăng của vàng như những ngày vừa qua thì nhiều nhà đầu tư đang kỳ vọng giá kim loại quý này sẽ phá vỡ mức kỷ lục đã xác lập vào năm 2011 ở 49 triệu đồng/lượng không chỉ một lần như trong ngày 24/2 mà sẽ còn tiếp diễn bởi giá vàng thị trường trong nước luôn đi theo sát biến động của giá vàng thế giới – ông Khánh phân tích.
Tuy nhiên, với thực tế thị trường vàng trong nước trong ngày 24/2 tăng gần 3 triệu đồng/lượng trong khi giá thế giới chỉ tăng tương đương khoảng 1,1 triệu đồng/lượng, người mua đông hơn người bán nên giá vàng trong nước bị đẩy lên mức cao và chênh lệch mua vào - bán ra cao làm cho người mua vàng bị thiệt nhiều.
Tiến sĩ Bùi Quang Tín - Giảng viên khoa Quản trị kinh doanh Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh - cho biết, với những phiên giá vàng tăng giảm nhanh chóng như những ngày gần đây thì nhà đầu tư phải bình tĩnh, thận trọng để tránh bị thiệt hại khi chạy theo tâm lý đám đông, đầu tư lướt sóng. Nhà đầu tư vàng cũng cần phải tính toán hết sức chuyên nghiệp, cẩn trọng cho chính đồng vốn đầu tư của mình và đây cũng là cách không tiếp tay cho những bất ổn không đáng có của thị trường vàng làm ảnh hưởng đến sự ổn định chung của toàn nền kinh tế.