Thứ hai 23/12/2024 11:34

Cải thiện chính sách, gia tăng lợi ích để người lao động ở lại hệ thống an sinh

Để hạn chế tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, cần phải cải thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm giúp người lao động ở lại hệ thống an sinh.

Tình trạng số người hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần nhiều và có xu hướng gia tăng đang đặt ra những thách thức rất lớn đến mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội và chỉ tiêu của Nghị quyết số 28-NQ/TW là “từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ” và “hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân”. TS.Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) trao đổi vấn đề này với phóng viên Báo Công Thương.

Cần cải thiện chính sách để người lao động từ bỏ ý định rút BHXH một lần, giúp họ ở lại hệ thống an sinh. Ảnh: Thanh Tùng

Thời gian qua, tình trạng rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần gia tăng, gây lo ngại đến mục tiêu an sinh xã hội. Ông chia sẻ gì về thực tế này?

Việc nhiều người lao động rút BHXH một lần là thực tế rất đáng lo ngại. Sự gia tăng số người lao động đã có thời gian tham gia BHXH nhận trợ cấp BHXH một lần – đồng nghĩa với việc rời bỏ hệ thống BHXH, tự mình tước bỏ quyền được tham gia, thụ hưởng các chế độ BHXH.

Theo báo cáo từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy, có tới 72% số người rút BHXH một lần nằm ở khu vực phía Nam, miền Trung là những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Đại bộ phận rút BHXH một lần là công nhân, điều này cho thấy thực tế người lao động rút BHXH đang gặp khó khăn.

Đáng chú ý, một số bộ phận người ở độ tuổi còn trẻ lựa chọn hưởng BHXH một lần để giải quyết khó khăn trước mắt. Một số lao động khác lại xuất phát từ nguyên nhân là chỉ quan tâm đến nhu cầu trước mắt hơn là nhu cầu hưởng lương hưu khi về già.

Một nguyên nhân khác là do áp lực về tài chính (bắt đầu tự lập, tiếp tục đầu tư học tập nâng cao trình độ nghề, lập gia đình, nuôi con nhỏ...) nên số lượng người hưởng BHXH một lần ở độ tuổi lao động trẻ chiếm tỷ trọng lớn.

Về lâu dài, khi người lao động khi lựa chọn hưởng BHXH một lần, các quyền lợi sẽ bị hạn chế hơn rất nhiều so với hưởng lương hưu. Người lao động không còn trong hệ thống BHXH được Nhà nước bảo hộ, mất cơ hội được hưởng lương hưu hàng tháng – nguồn thu nhập ổn định, hữu ích khi về già.

Ngoài ra, người lao động mất đi cơ hội được cấp thẻ BHYT miễn phí trong suốt thời gian hưởng lương hưu để hưởng các quyền lợi về khám chữa bệnh BHYT, chăm sóc sức khỏe khi tuổi già, độ tuổi dễ gặp bất trắc về sức khỏe nhất của mỗi người; nhân thân của người lao động không được hưởng chế độ tử tuất khi không may người lao động qua đời.

Suy rộng ra, trên phương diện quản lý của Nhà nước và yêu cầu của an sinh xã hội bền vững thì BHXH, BHYT là một công cụ đắc lực góp phần quan trọng vào việc điều hòa lại thu nhập quốc dân công bằng, hợp lý giữa các tầng lớp dân cư, đồng thời giảm chi cho ngân sách nhà nước, bảo đảm an sinh xã hội.

TS.Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME)

Trước thực trạng rút BHXH một lần đang gia tăng, tại Luật BHXH (sửa đổi), cơ quan thực hiện chính sách đã đề xuất hai phương án quy định hưởng BHXH một lần? Quan điểm của ông về đề xuất này?

Như tôi biết, Luật BHXH (sửa đổi) đã đưa ra hai phương án về rút BHXH một lần. Phương án 1: Quy định việc hưởng BHXH một lần đối với hai nhóm người lao động khác nhau. Nhóm 1, đối với người lao động đã tham gia BHXH trước khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc và chưa đủ 20 năm đóng BHXH, có nhu cầu thì được nhận BHXH một lần.

Nhóm 2, đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực trở đi (dự kiến 01/07/2025) thì không được nhận BHXH một lần (chỉ giải quyết hưởng BHXH một lần trong các trường hợp: Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định tại Điều 60 Luật BHXH hiện hành).

Phương án 2: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.

Theo tôi, việc đưa ra hai phương án đã thể hiện sự cầu thị của cơ quan chức năng trong việc bảo vệ quyền lợi cho người lao động, giữ họ ở lại hệ thống an sinh cũng như đảm bảo mục tiêu bao phủ chính sách BHXH. Ưu điểm của phương án 1 là dần dần từng bước khắc phục được tình trạng hưởng BHXH một lần theo tinh thần của Nghị quyết 28-NQ/TW.

Theo dữ liệu thống kê thời gian qua thì với phương án này, trong những năm đầu số người hưởng BHXH một lần có thể không giảm nhiều nhưng càng những năm sau giảm càng nhiều, từ năm thứ 5 trở đi sẽ giảm nhanh, có thể giảm quá nửa số người hưởng BHXH một lần so với giai đoạn vừa qua, tiến tới tiếp cận theo tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế, giúp người lao động được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi họ đến tuổi nghỉ hưu, góp phần ổn định cuộc sống khi về già.

Trong ngắn hạn, phương án này không giúp duy trì, gia tăng đối tượng tham gia BHXH bằng so với phương án 2 nhưng trong dài hạn thì phương án này tối ưu hơn. Do quy định này không ảnh hưởng tới những người lao động đang tham gia BHXH nên sẽ dễ nhận được sự đồng thuận hơn của người lao động.

Tuy nhiên, phương án 1 có nhược điểm là do chỉ áp dụng đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày Luật này có hiệu lực, cho nên hơn 17,5 triệu người lao động đang tham gia BHXH vẫn có quyền lựa chọn hưởng BHXH một lần. Do vậy, số người hưởng BHXH một lần không giảm nhiều, đặc biệt trong những năm đẩu sau khi Luật mới có hiệu lực; đồng thời tạo sự so sánh giữa những người lao động tham gia trước và sau khi Luật này có hiệu lực trong việc hưởng BHXH một lần.

Phương án 2, tôi đồng tình với quan điểm của Chính phủ nhằm đảm bảo đúng tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW; hài hòa quyền lợi trước mắt của người lao động và chính sách an sinh xã hội lâu dài. Phương án này vừa đáp ứng được nhu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần của người lao động trong thời điểm hiện tại, song cũng đáp ứng được yêu cầu bảo đảm sự ổn định của hệ thống, quyền lợi của người lao động trong thời gian dài hạn.

Tuy nhiên, phương án này chưa giải quyết triệt để việc rút BHXH một lần theo tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế. Người lao động đã giải quyết một phần thời gian đóng, chỉ còn bảo lưu lại được một phần nên sẽ ảnh hưởng tới việc thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội (thời gian đóng ngắn) khi tiếp tục tham gia. Ngoài ra, theo phương án này, tình trạng hưởng BHXH một lần khi còn trẻ (chưa đến tuổi nghỉ hưu) sẽ tiếp tục diễn ra trong tương lai.

Như vậy, thời gian tới, cùng với các quy định mới của Nhà nước, theo ông cần có giải pháp cụ thể nào để hạn chế người rút BHXH một lần, tránh ảnh hưởng đến bao phủ BHXH toàn dân?

Một trong những nguyên nhân dẫn đến số người nhận BHXH một lần tăng là do việc thiết kế chính sách BHXH hiện hành còn những rào cản, dẫn tới chưa có khả năng thu hút sự tham gia của người lao động.

Vì vậy, tôi ủng hộ tinh thần của Luật BHXH (sửa đổi), đó là khuyến khích người lao động ở lại hệ thống BHXH để được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi người lao động đến tuổi nghỉ hưu, tránh những thiệt hại khi hưởng BHXH một lần.

Đây cũng chính là quan điểm của Đảng, Nhà nước trong nhiều năm qua, coi “BHXH và BHYT là hai chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội và phát triển kinh tế - xã hội”.

Theo đó, việc Luật BHXH (sửa đổi) bổ sung nhiều quy định nhằm mở rộng, gia tăng lợi ích để mọi người lao động có thêm cơ hội được hưởng lương hưu là hết sức quan trọng. Và, quá trình cải cách chính sách quan trọng nhất theo tôi là cần chú trọng làm sao để chế độ lương hưu phải tốt hơn hưởng BHXH một lần, như vậy mới khuyến khích người lao động chờ hưởng lương hưu. Bên cạnh đó, đối với nhóm có khó khăn thực sự thì cần có chính sách hỗ trợ tại thời điểm họ gặp khó khăn, qua đó giúp họ từ bỏ ý định rút BHXH một lần.

Xin cảm ơn ông!

Bảo Thoa
Bài viết cùng chủ đề: Bảo hiểm xã hội

Tin cùng chuyên mục

Áp thấp nhiệt đới trên biển Đông hướng về Nam Trung Bộ và Tây nguyên

Dự báo thời tiết hôm nay 23/12/2024: Bắc Bộ trời hanh khô, Nam Bộ có mưa

Công đoàn Khối doanh nghiệp Thương mại Trung ương tại TP. Hồ Chí Minh tặng quà nhân ngày 22/12

Bộ Y tế thông tin về loại sữa nhiễm chất tẩy rửa ở Hàn Quốc

Nhân sự địa phương: Ban Bí thư chỉ định hai Giám đốc Công an tỉnh giữ chức vụ Đảng

Hải quân Việt Nam và Campuchia tuần tra chung lần thứ 77

Hơn 260.000 lượt khách tham quan Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024

Áp thấp nhiệt đới hướng về quần đảo Trường Sa, miền Trung mưa lớn

TP. Hải Phòng chi 4.000 tỷ đồng cho thu nhập tăng thêm đối với công chức trong 3 năm

Hàng chục nghìn người dân nhận thẻ đi tuyến số 1 metro VikkiGO miễn phí

Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên chính thức vận hành thương mại

Trung đoàn 451: Sôi nổi các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân

Tìm ra quán quân Cuộc thi Innovation and Development 2024 - The Future of Food

Dự báo thời tiết biển hôm nay 22/12/2024: Quần đảo Hoàng Sa biển động mạnh

Dự báo thời tiết hôm nay 22/12/2024: Bắc Bộ trưa chiều trời nắng, Trung Bộ có mưa

Nhiều địa phương tích cực triển khai Kế hoạch hành động CBRN

Bộ Nội vụ: Hơn 4.700 cán bộ, công chức, viên chức bị kỷ luật trong năm 2024

Tinh gọn bộ máy là cơ hội để cán bộ, công chức, viên chức tìm kiếm việc làm phù hợp năng lực

Chợ truyền thống Hà Nội: Nơi tấp nập - chốn vắng khách

Bộ Nội vụ thực hiện 4/6 nhiệm vụ về cải cách chính sách tiền lương năm 2024