Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: "Chương trình nghị sự 2030 có 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và 169 chỉ tiêu, trong đó có các chỉ tiêu ưu tiên thực hiện, như: xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm y tế, giáo dục, an ninh về mọi mặt. Chương trình nghị sự 2030 thể hiện quyết tâm của các quốc gia xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho người dân trên thế giới, để tất cả các quốc gia được sống trong môi trường hợp tác, hòa bình và thịnh vượng".
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Hội nghị |
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: “Các mục tiêu phát triển bền vững vừa là mục tiêu hướng tới, vừa là cơ hội để các nhà lập pháp thể hiện cam kết của mình trong việc cải thiện cuộc sống của người dân, bảo vệ hành tinh mà chúng ta đang sinh sống. Để đạt được những mục tiêu đó, sự tham gia của các vị đại biểu Quốc hội, cũng như đại biểu hội đồng nhân dân các cấp, là những người được nhân dân trao quyền và gửi gắm nguyện vọng… có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhất là trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, giám sát việc thực hiện và phân bổ ngân sách cho hoạt động triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững”.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, đối với Việt Nam, phát triển bền vững là con đường tất yếu, là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước. Việt Nam xác định nhiệm vụ trọng tâm là phát triển bền vững, xem con người và chất lượng cuộc sống là yếu tố trung tâm của các chủ trương, chính sách phát triển đất nước, và Quốc hội thì đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện trên thực tế.
Trong hơn 15 năm qua, kể từ khi thực hiện các cam kết Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs), nền tảng của các mục tiêu phát triển bền vững, Quốc hội Việt Nam đã ban hành Hiến pháp năm 2013, đồng thời xây dựng và sửa đổi, bổ sung hơn 300 đạo luật, tạo cơ sở pháp lý toàn diện cho Chính phủ và các cơ quan liên quan triển khai thực hiện. Quốc hội cũng đã thông qua Chiến lược quốc gia về Bảo vệ môi trường định hướng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020; tham gia xây dựng Chiến lược quốc gia về các mục tiêu phát triển bền vững. Đại diện các cơ quan của Quốc hội là thành viên tham gia Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh,v.v...
Bên cạnh đó, Quốc hội thực hiện việc giám sát tối cao đối với hoạt động của các cơ quan Nhà nước về kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và xem xét, quyết định việc bố trí ngân sách cho Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, về ứng phó biến đổi khí hậu, về đầu tư cho y tế, khoa học công nghệ… để đảm bảo phát triển bền vững.
Quốc hội Việt Nam cũng góp phần thúc đẩy việc tham gia và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thông qua việc thẩm tra và phê chuẩn việc Việt Nam tham gia các công ước, điều ước quốc tế
Thông qua các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế song phương và đa phương, các đại biểu Quốc hội Việt Nam cũng thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong các lĩnh vực liên quan đến phát triển bền vững, thể hiện vai trò tích cực của Quốc hội trong triển khai các mục tiêu phát triển bền vững.
Quốc hội Việt Nam cũng chú trọng đến việc nâng cao nhận thức của người dân về các mục tiêu phát triển bền vững và sự cần thiết của việc lồng ghép các mục tiêu này, đưa các mục tiêu phát triển bền vững trở thành các mục tiêu quốc gia trong dài hạn; qua đó huy động các nguồn lực và sự tham gia của người dân vào việc thực hiện các mục tiêu.
Ông Martin Chungong, Tổng Thư ký IPU trao bản tiếng Việt Bộ Công cụ tự đánh giá việc thực hiện các SDGs cho Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân |
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, để thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trong thời gian tới, việc nâng cao nhận thức của các đại biểu dân cử về vai trò, trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với các mục tiêu phát triển bền vững là rất cần thiết. Bộ công cụ tự đánh giá việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững dành cho các nghị viện là một văn bản quốc tế có vai trò hướng dẫn để các đại biểu tham khảo, từ đó đưa ra những kế hoạch triển khai thực hiện nhằm phát huy tốt nhất quyền và nghĩa vụ của mình.
Trong 2 ngày diễn ra hội nghị, các đại biểu cùng tham gia và trao đổi 4 phiên họp chính gồm Giới thiệu tổng quan về Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và vai trò của Nghị viện; Giới thiệu Bộ Công cụ các Nghị viện tự đánh giá việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và kinh nghiệm quốc tế; Nhận định những thách thức đối với Việt Nam trong thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững và các khuyến nghị, giải pháp; trao đổi các hoạt động triển khai trong thời gian tới nhằm áp dụng Bộ công cụ và giám sát tình hình thực hiện SDGs.