Cà Mau: ''Cà phê kết nối doanh nghiệp'' để tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh
UBND tỉnh Cà Mau xác định nhiệm vụ cải cách hành chính gắn với cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu.
Theo thông tin từ UBND tỉnh Cà Mau, trong 6 tháng đầu năm, tỉnh đã hoàn thành đúng và trước hạn 21/37 nhiệm vụ theo kế hoạch cải cách hành chính đề ra. Việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp có nhiều cải tiến thông qua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.
Bên cạnh việc đẩy mạnh cải cách hành chính, tỉnh Cà Mau đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Sau thời gian tạm dừng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tỉnh đã khởi động chương trình “Cà phê kết nối doanh nghiệp tỉnh Cà Mau” vào sáng thứ Bảy hàng tuần. Từ đó, đã kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Đây còn là nơi để các doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi, tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh và đề xuất với lãnh đạo tỉnh những ý tưởng mới, mô hình hay, cách làm sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành. Cùng nhau tìm ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Lãnh đạo tỉnh gặp gỡ, trao đổi với doanh nghiệp trong khuôn khổ chương trình “Cà phê kết nối doanh nghiệp tỉnh Cà Mau năm 2024” (Ảnh: Cổng TTĐT Cà Mau). |
Từ đầu năm 2024 đến nay, lãnh đạo UBND tỉnh có 16 buổi gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp tại chương trình “Cà phê kết nối doanh nghiệp tỉnh Cà Mau”. Qua đó, đã tiếp nhận, trao đổi, chia sẻ, giải đáp, chỉ đạo xử lý trên 35 ý kiến góp ý, kiến nghị. Các ý kiến đã góp phần tích cực trong phát triển lĩnh vực du lịch, giao thông vận tải, thương mại điện tử.
Đóng góp ý tưởng sản xuất, kinh doanh, kiến nghị tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thị trường tiêu thụ, tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tiếp cận nguồn vốn, đăng ký bảo hộ thương hiệu, sản phẩm, tìm kiếm đối tác hợp tác sản xuất, kinh doanh và nhiều khó khăn, vướng mắc khác trong quá trình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt đã có những chia sẻ về thế mạnh tại tỉnh nhà như ngư, nông, lâm nghiệp và thủy sản, với nhiều sản phẩm đặc sản có thể phát triển thành sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, quy mô sản xuất hiện nay còn nhỏ lẻ, sản lượng thấp, khả năng cạnh tranh yếu. Khi có người tiêu dùng cần mua số lượng lớn, ổn định trong thời gian dài thì các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất không đáp ứng được. Do đó, cần phải có sự liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Hiện tỉnh đang khuyến khích các hộ kinh doanh, các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp… liên kết lại để hình thành chuỗi sản xuất quy mô lớn nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
Được biết, trong năm 2023, tỉnh Cà Mau đã đầu tư hoàn thành, đưa vào sử dụng nhiều công trình giao thông trọng điểm như: Cầu sông Ông Đốc nối bờ Nam và bờ Bắc sông Ông Đốc, tuyến trục Đông - Tây, tuyến tránh Quốc lộ 1A đoạn qua TP. Cà Mau. Hiện tỉnh đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án cầu Gành Hào nối Cà Mau và Bạc Liêu, tuyến đường Cà Mau - Đầm Dơi, Cái Nước - Vàm Đình - Cái Đôi Vàm, U Minh - Khánh Hội...
Theo thông tin từ tỉnh Cà Mau, sắp tới cao tốc Cần Thơ - Cà Mau hoàn thành, sân bay Cà Mau được nâng cấp, mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận các thị trường tiêu thụ lớn ở phía Bắc và miền Trung, mà còn thuận lợi trong thu hút đầu tư của tỉnh.
Với những giải pháp đồng bộ, hiệu quả đã và đang được triển khai thực hiện, tỉnh Cà Mau sẽ từng bước tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi. Qua đó, góp phần thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.