Bước tiến mới trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ngành Công Thương
Thực hiện các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, thời gian qua, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức gắn với yêu cầu thực tế của nhiệm vụ quản lý nhà nước và đã đạt được những kết quả nhất định.
Trong đó, Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công Thương Trung ương với các chương trình đa dạng và chất lượng đã khẳng định vai trò quan trọng trong việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Công Thương.
Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với bà Lê Hải An - Phó Hiệu trưởng Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công Thương Trung ương về vấn đề này.
Bà Lê Hải An - Phó Hiệu trưởng Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công Thương Trung ương |
Với vai trò cơ sở giáo dục đào tạo chính của Bộ Công Thương, xin bà cho biết, thời gian qua, trường đã triển khai các kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cho Bộ/ngành như thế nào?
Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công Thương Trung ương là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Công Thương, được thành lập theo Nghị định 96 ngày 29/11/2022 của Chính phủ. Trường có chức năng đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn pháp luật hành chính nhà nước và kỹ năng, nghiệp vụ thuộc các lĩnh vực quản lý của Bộ Công Thương, cũng như đào tạo nghề ở các cấp trình độ.
Trong những năm qua, trường đã thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên hàng năm cho công chức, viên chức và quản lý doanh nghiệp trực thuộc Bộ Công Thương với rất nhiều chương trình đa dạng. Ngoài ra, trường còn thực hiện các chương trình, đề án nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cho xã hội.
Trong năm 2024, về công tác đào tạo, bồi dưỡng theo yêu cầu thường xuyên của Bộ Công Thương, nhà trường đã triển khai đào tạo, bồi dưỡng trên 700 lượt học viên là cán bộ, công chức, viên chức đến từ các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương các nội dung đào tạo, bồi dưỡng về quản lý nhà nước ngạch chuyên viên, ngạch chuyên viên chính, về bồi dưỡng nhận thức Đảng hay các hội nghị tập huấn và thanh tra chuyên ngành Công Thương, các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý thị trường…
Ngoài ra, nhà trường còn thực hiện các nhiệm vụ, chương trình thuộc đề án lớn cho Bộ Công Thương với 12 chương trình, đề án lớn gồm 31 lớp, 8 chương trình, tài liệu bồi dưỡng. Các chương trình này cũng rất đa dạng như: Chương trình xúc tiến thương mại (14 lớp); Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030 (4 khóa đào tạo); hay nhiệm vụ thuộc Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 (3 khoá tập huấn).
Cùng với đó, xây dựng tài liệu về tăng cường năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu cho các đối tượng ngành Công Thương; các tài liệu thuộc chương trình thực thi Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Một số các chương trình, đề án khác lớn liên quan đến ngành Công Thương mà nhà trường đã thực hiện trong năm vừa qua đã khẳng định được vai trò và việc hoàn thành nhiệm vụ Bộ Công Thương giao.
Việc xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo bồi dưỡng cho những người làm việc đã được trường đổi mới như thế nào để đạt được hiệu quả đề ra, thưa bà?
Trước hết, nhà trường luôn thực hiện theo các quy định của Nhà nước, cụ thể là Nghị định 101/2017/NĐ-CP của Chính phủ về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; Nghị định 89/2021/NĐ-CP của Chính phủ: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP cũng như một số các Thông tư quy định hướng dẫn khác.
Nhà trường cũng có sự chủ động, linh hoạt trong công tác tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, cũng như trong xây dựng chương trình, tài liệu bồi dưỡng. Trong những năm gần đây, trường luôn chủ động trong việc rà soát, tổng hợp các nhu cầu về đào tạo, bồi dưỡng từ rất sớm. Kết thúc mỗi một lớp học đều có phiếu khảo sát về nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cho những nhóm đối tượng bồi dưỡng riêng đó.
Những khảo sát riêng lẻ này cùng với khảo sát chung của một năm nhà trường sẽ có tổng hợp khá tổng thể và chính xác. Từ cơ sở đó, sẽ có kế hoạch xây dựng chương trình, tài liệu cũng như là kế hoạch để triển khai thực hiện các cái lớp đào tạo, bồi dưỡng.
Tiếp theo, nhà trường cũng có sự đổi mới trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cũng như trong công tác xây dựng chương trình, tài liệu bồi dưỡng. Đặc biệt, trong việc kết hợp ứng dụng về công nghệ thông tin, số hóa trong công tác đào tạo và quản lý đào tạo.
Đơn cử gần đây các lớp đào tạo về chuyên gia FTA, nhà trường đã triển khai học tập trung; tuy nhiên 1/3 thời gian học viên được trao đổi, thảo luận thông qua hình thức phương tiện điện tử, công nghệ thông tin. Trong phần kiểm tra cuối khóa, học viên được cung cấp tài khoản, đăng ký thi, hướng dẫn thi trên ứng dụng công nghệ thông tin.
Điều này giúp rút gọn thời gian, công sức, tiết kiệm, chống lãng phí, cũng như có được kết quả đánh giá rất chính xác; học viên cũng rất hoan nghênh, hứng thú hơn trong việc được sử dụng nhiều phương tiện hỗ trợ công tác, học tập.
Ngoài ra, nhà trường cũng thực hiện lưu trữ, khảo sát bằng hình thức số hóa để giúp cho quá trình chuẩn bị cho công tác đào tạo, bồi dưỡng được rút gọn, hiệu quả hơn.
Rõ ràng có thế thấy, công tác đào tạo, bồi dưỡng đã đạt được những kết quả khả quan. Hiện, nhà trường đang nghiên cứu để xây dựng các hệ thống đánh giá, quy định, quy chế cho công tác đào tạo, bồi dưỡng và có xu hướng kết hợp với công nghệ thông tin và số hóa trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng.
Cuối cùng, nhà trường luôn có sự chủ động trong việc đề xuất, phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Công Thương) để công tác đào tạo, bồi dưỡng luôn được triển khai kịp thời, hiệu quả. Nhà trường cũng đề nghị sự quan tâm, giải pháp kịp thời để tham mưu cho công tác đào tạo, bồi dưỡng.
Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công Thương Trung ương phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ của quản lý thị trường năm 2024 |
Từ kinh nghiệm thực tế, bà có thể chia sẻ, nhà trường có những khó khăn gì trong công tác đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức?
Về phía nhà trường, tôi nhận thấy, có một số khó khăn nhất định trong công tác đào tạo, bồi dưỡng.
Thứ nhất, về vấn đề kinh phí. Việc giao kinh phí đào tạo, bồi dưỡng hàng năm thường bị chậm nên dẫn đến việc triển khai các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường chủ yếu sẽ thực hiện từ giữa đến cuối năm. Do vậy, sự khó khăn cơ bản cho nhà trường khi tổ chức thực hiện các lớp để kịp hoàn thành nhiệm vụ của năm học.
Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cấp cho một số cơ sở bồi dưỡng trong Bộ, trong khi trường có chức năng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức, viên chức dẫn đến việc phân tán kinh phí, thiếu kinh phí thực hiện, khó có thể tổng hợp, nắm bắt, đánh giá đầy đủ, chính xác tổng thể hoạt động đào tạo, bồi dưỡng để tham mưu, xây dựng định hướng toàn diện trong công tác đào tạo, bồi dưỡng.
Thứ hai, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đôi khi chưa sát do việc rà soát nhu cầu và nguyện vọng chưa chính xác hoặc có thay đổi ảnh hưởng đến việc triển khai.
Thứ ba, chế độ đãi ngộ, thù lao cho giảng viên tương xứng theo thực tế còn khó khăn trong khi quy định về tài chính chặt chẽ, chưa đáp ứng kịp với tình hình kinh tế - xã hội.
Thứ tư, đối với các lớp tại trường, việc phòng ở nội trú chưa có, ký túc xá đang xây dựng, chưa hoàn thiện cũng ảnh hưởng và gây khó khăn cho các học viên ở các tỉnh xa về học tập. Giảng viên và cán bộ đi công tác xa được đi lại, ăn ở cũng khó khăn bởi kinh phí chi trả thấp.
Thứ năm, học viên tham gia các lớp bồi dưỡng vừa học vừa làm, vì vậy một số ít các học viên chưa thực sự chuyên tâm và cố gắng trong học tập. Nhiều đơn vị lãnh đạo còn chưa quan tâm đến nội dung này, việc bố trí cán bộ, công chức, viên chức cần phải học nói chung còn hạn chế. Mặc dù kết quả khảo sát nhu cầu cần học là cao nhưng khi các lớp tổ chức thì chưa đạt đủ số lượng tương ứng với kinh phí, công sức tổ chức gây lãng phí.
Thứ sáu, các lớp đào tạo theo vị trí việc làm thực hiện được ít, chủ yếu là nhóm đối tượng/công chức, viên chức đặc thù.
Ngoài ra, còn có một số các chương trình, nhiệm vụ khi triển khai cũng gặp những khó khăn đặc thù như các chương trình tập huấn phát triển nguồn nhân lực thương mại tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi do địa bàn phức tạp, xa xôi… khó khăn cho việc đi lại, hoàn thiện các thủ tục tổ chức lớp.
Hoặc các lớp về đào tạo trung cấp lý luận chính trị, từ năm 2024, trường không còn đào tạo về trung cấp chính trị, hành chính; tuy nhiên nhu cầu đào tạo này rất lớn. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cũng cho phép có thể phối hợp với Trường Bồi dưỡng chính trị Lê Hồng Phong, song công tác triển khai cũng không đạt hiệu quả do còn nhiều vướng mắc, chủ yếu là cơ chế tài chính.
Trên cơ sở những tồn tại bất cập, trong thời gian tới, trường sẽ có giải pháp gì để công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức đi vào thực chất? Bà có đề xuất gì với Bộ Công Thương cũng như khuyến nghị với các cán bộ, công chức, viên chức?
Chúng tôi cũng có những giải pháp để khắc phục và triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng đạt hiệu quả cao hơn như: Tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển, trau dồi đội ngũ giảng viên, báo cáo viên có đủ năng lực, chuyên môn để đảm đương giảng dạy các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là đối với những chương trình yêu cầu về chuyên môn cao, chuyên sâu.
Thay đổi và đổi mới các phương pháp giảng dạy, học tập để tăng cường sự hứng thú của học viên. Ngoài ra, nhà trường cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất, nguồn nhân lực để đáp ứng công tác đào tạo, bồi dưỡng.
Đặc biệt, theo những chủ trương chung của Đảng và Nhà nước hiện nay, nhà trường sẽ có những định hướng phát triển, tinh giản các thủ tục, bộ máy tổ chức để có thể triển khai chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng.
Đồng thời, tích cực tăng cường các chương trình đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn theo hướng đa dạng hóa chương trình theo nhu cầu của xã hội nói chung, thực tiễn hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngành Công Thuơng nói riêng; tiếp tục hoàn thiện các quy định, quy chế đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng với tình hình mới.
Nhà trường cũng có một số kiến nghị, đề xuất như sau:
Thứ nhất, mong muốn công tác đào tạo, bồi dưỡng được tập trung giao quyền để nhà trường chủ động trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng hiệu quả hơn. Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng không bị phân tán nhiều đầu mối.
Thứ hai, tiếp tục được quan tâm đầu tư về hệ thống cơ sở vật chất của nhà trường để đảm bảo thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng.
Thứ ba, cơ quan quản lý nhà nước có sự cập nhật, đổi mới về quy trình đào tạo, bồi dưỡng của ngành để đáp ứng tình hình mới theo hướng tinh giản thủ tục, đảm bảo hiệu quả, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng.
Xin cảm ơn bà!