Bức tranh doanh nghiệp quý I/2023: Lần đầu tiên số doanh nghiệp rời thị trường cao hơn số doanh nghiệp gia nhập
60.241 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường
Thông tin tại buổi họp báo công bố số liệu kinh tế - xã hội tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2023 do Tổng cục Thống kê tổ chức vào sáng 29/3, bà Phí Thị Hương Nga - Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng (Tổng cục Thống kê – Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: Lần đầu tiên Việt Nam ghi nhận số doanh nghiệp tạm thời và vĩnh viễn rút lui khỏi thị trường lại cao hơn số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường.
Trong quý I/2023, cả nước có 60.241 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2022 |
Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong quý I/2023 đạt 56.946 doanh nghiệp, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2022 và gấp 1,3 lần mức bình quân doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường giai đoạn 2018-2022 (45.494 doanh nghiệp).
Trong đó, số doanh nghiệp thành lập mới trong quý I/2023 là 33.905 doanh nghiệp, gấp 1,1 lần mức bình quân giai đoạn 2018-2022 (29.767 doanh nghiệp), nhưng giảm 2% so với cùng kỳ năm 2022. Số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập trong quý I/2023 đạt 310.331 tỷ đồng, giảm 34,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Cùng với đó, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong quý I/2023 là 23.041 doanh nghiệp, gấp 1,5 lần mức bình quân giai đoạn 2018-2022 (15.727 doanh nghiệp), nhưng giảm 10% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong quý I/2023, cả nước có 60.241 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, phần lớn là các doanh nghiệp lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn (chiếm 71,1%), cụ thể: Số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh là 42.858 doanh nghiệp, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm 2022; số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể là 12.766 doanh nghiệp, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2022; số doanh nghiệp giải thể là 4.617 doanh nghiệp, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Năm 2023, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đối mặt với thách thức nhiều hơn thuận lợi |
Doanh nghiệp đối mặt thách thức nhiều hơn thuận lợi
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2023 cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam có cả thuận lợi và khó khăn, nhưng khó khăn thách thức lại nhiều hơn thuận lợi, điều này đã được thể hiện rõ qua số liệu về tình hình đăng ký doanh nghiệp quý I/2023 khi lần đầu tiên số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lên tới 60.241 doanh nghiệp, cao hơn số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường là 56.946 doanh nghiệp.
Cụ thể về những thách thức của doanh nghiệp Việt Nam, theo Tổng cục Thống kê, căng thẳng tại Nga - Ukraine khiến xu hướng mua sắm của người tiêu dùng trên thế giới giảm mạnh. Đồng thời, chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục đứng trước nguy cơ bị gián đoạn, đứt gãy, dẫn tới nhiều hệ luỵ cho hoạt động xuất nhập khẩu và tăng trưởng kinh tế.
Các doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo giảm sản xuất, khó khăn trong việc xuất khẩu ra thị trường thế giới. Sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục giảm ở một số ngành như: Dệt may, da giày, sản xuất giường, tủ, bàn, ghế, sản xuất kim loại. Trong khi giá xăng dầu liên tục biến động, chi phí logistics quá cao; lãi suất ngân hàng điều chỉnh tăng khiến chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng từ 5-10%, đặc biệt, doanh nghiệp vẫn khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn.
Để giảm bớt những thách thức cho khu vực doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế, theo Tổng cục Thống kê, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần tập trung tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính, giúp doanh nghiệp hoàn tất các yêu cầu về thủ tục hành chính trong việc xây dựng nhà xưởng; hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tuyển dụng và đào tạo nghề cho lao động theo đúng yêu cầu của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất.
Kết nối các ngân hàng, tổ chức tín dụng và doanh nghiệp nhằm hỗ trợ, giải quyết khó khăn về vốn của doanh nghiệp trong quá trình phục hồi và khởi nghiệp. Xây dựng các chương trình kích cầu nội địa, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm khai thác các thị trường mới, đơn hàng mới.
Đặc biệt, cần duy trì chính sách hỗ trợ năm 2023, nhất là chính sách gia hạn giảm thuế giá trị gia tăng 2% như một cách thêm động lực giúp doanh nghiệp tiếp tục đà phục hồi khi Nghị định 15 về việc giảm 2% thuế suất giá trị gia tăng với các nhóm hang hóa, dịch vụ… hết hiệu lực. Cần có gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động như trong thời gian dịch bệnh giúp doanh nghiệp giữ chân người lao động, hỗ trợ các nguồn tín dụng để doanh nghiệp trả lương cho người lao động…
Về phía doanh nghiệp, cần đa dạng hóa sản phẩm của doanh nghiệp phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng ở nhiều phân khúc thị trường. Hướng đến tăng giá trị gia tăng của sản phẩm, nghĩa là sản xuất ít nhưng bán được giá cao, mang về lợi nhuận cao hơn là sản phẩm đại trà nhưng lợi nhuận thấp.
"Điều này rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay, khi tình hình giá nguyên liệu đầu vào một số ngành lĩnh vực đang tăng, doanh nghiệp cần chủ động về nguồn nguyên liệu sản xuất để phục vụ tốt nhu cầu sản xuất kinh doanh của đơn vị, chủ động sắp xếp tinh gọn hoạt động sản xuất để giảm chi phí và giá thành sản phẩm; tìm kiếm thị trường mới, tăng cường mở thị phần để hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn; thực hiện tốt chế độ phúc lợi để thu hút và giữ chân người lao động gắn bó lâu dài, tạo điều kiện cho người lao động nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm" - đại diện Tổng cục Thống kê thông tin.
Để vượt qua thách thức, cộng đồng doanh nghiệp cũng cần tập trung nguồn lực để đổi mới trang thiết bị, công nghệ với chi phí rẻ hơn. Chủ động tìm hiểu tiếp cận thông tin về các chương trình, đề án, kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp của các bộ ngành, trung ương, các hiệp hội và địa phương để đề xuất nhu cầu hỗ trợ phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. |