Cân năng suất ngô ngay tại ruộng
Cùng bà con gỡ khó
Đây là vụ ngô đầu tiên có sự liên kết giữa cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp cung ứng giống, doanh nghiệp thu mua theo mô hình liên kết 4 nhà (nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân) tại tỉnh này.
Được biết, toàn tỉnh Lào Cai trồng khoảng 36.500ha ngô/năm. Trong đó, 1/3 sản lượng ngô của bà con làm ra được sử dụng để chăn nuôi, làm thức ăn trong những tháng giáp hạt, còn lại 2/3 bà con phải tự tiêu thụ, bán cho các thương lái thu gom, xuất khẩu đi Trung Quốc. Nhưng giá cả bấp bênh, phụ thuộc rất nhiều vào thị trường Trung Quốc. Vụ ngô 2014-2015, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Trung tâm khuyến nông Lào Cai, Công ty Dekalb Việt Nam, Công ty Cổ phần giống cây trồng miền Nam và Công ty TNHH MTV An Nghiệp (doanh nghiệp thu mua) đã vào cuộc, hỗ trợ hơn 100 hộ nông dân trên địa bàn triển khai giúp nông dân gỡ khó và sản xuất bền vững.
Trong khuôn khổ của chương trình, tỉnh Lào Cai đã trồng thí điểm trồng 110ha ngô lai trên địa bàn 5 huyện: Bảo Thắng, Bảo Yên, Mường Khương, Bảo Hà và Simacai. “Đây là lần đầu tiên, nông dân trên địa bàn tỉnh và doanh nghiệp cùng bắt tay trồng giống ngô lai DK8868 của Dekalb Việt Nam do SSC phân phối trên một diện tích rộng. Sau thu hoạch, Công ty An Nghiệp thu mua toàn bộ sản lượng ngô cho bà con với giá hợp lý. Giống được bán chịu, sản xuất ra sản phẩm có đơn vị thu mua, bà con chỉ góp đất, công chăm bón, như vậy không có lý do gì mà người nông dân không tham gia” - ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai - thông tin.
Bà Hà Thị Hồng - thôn Bản Cầm, xã Bản Cầm, huyện Bảo Thắng - vui mừng: “Những vụ ngô trước, bà con thường tự phải mua giống ngô để gieo trồng, mỗi gia đình mua một giống, một chủng loại về trồng. Nhưng chẳng ai biết là giống chất lượng cao hay thấp, mua trôi nổi, giống đểu, giống chất lượng thấp cũng phải chịu. Bà con khổ lắm. Giờ có các doanh nghiệp về cung ứng giống cho nợ, rồi lại thu mua ngô cho bà con, bà con đỡ vất vả, phấn khởi lắm”.
Hỗ trợ từ các đối tác
Trong các loại cây trồng chủ lực của Lào Cai, thì cây ngô nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ từ cơ quan chức năng. Tỉnh vẫn xác định, đây là cây chủ lực trong sản xuất nông nghiệp. Việc hình thành mối liên kết giữa đầu vào- đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp rất quan trọng. Ông Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh: “Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp, đưa tiến bộ đến nông dân phải có thời gian và thực tế chứng minh. Nếu giống không tốt, chất lượng không cao thì bà con sẽ không trồng, vì đất đai giờ là quyền tự chủ, nông dân có quyền trồng, canh tác loại cây gì phù hợp và có năng suất. Rất mong mô hình liên kết này sẽ sớm mở rộng diện tích, vì tiềm năng phát triển ngô của Lào Cai còn lớn, nhiều nông dân sẽ được tiếp cận khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất cây trồng và đặc biệt, yên tâm về đầu ra cho sản phẩm”.
“Tại Tập đoàn Monsanto, chúng tôi luôn tin rằng cải thiện nông nghiệp là cải thiện đời sống và hoạt động với tôn chỉ đặt nông dân làm trọng tâm. Từ đó, nhằm giúp bà con nông dân, đặc biệt tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, khó tiếp cận với các nguồn lực sản xuất. Trong những năm vừa qua, chúng tôi đã không ngừng tìm kiếm các cơ hội và đối tác để thực hiện các chương trình hợp tác công tư nhằm cải thiện đời sống cho bà con. Ngoài tỉnh Lào Cai, trong năm vừa qua, chúng tôi còn thực hiện mô hình liên kết tại Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ. Chúng tôi vô cùng vui mừng khi những nỗ lực bước đầu của Monsanto cùng với các đối tác đã góp phần đem lại hiệu quả thực tế cho bà con nông dân và sẽ tiếp tục nỗ lực trong thời gian tới để có thể giúp nhiều nông dân được tiếp cận với chương trình liên kết này hơn nữa” - ông Nguyễn Tiến Hưng - Quản lý kinh doanh khu vực Đông Bắc của Công ty Dekalb Việt Nam – khẳng định.
“Công ty An Nghiệp là một trong những đơn vị thu mua nông sản lớn nhất tại tỉnh Lào Cai, chủ yếu thu mua các sản phẩm sắn và ngô thương phẩm. Qua mô hình liên kết có thể thấy bà con tham gia chương trình khi áp dụng giống ngô và kỹ thuật canh tác này đã đạt được năng suất cao và chất lượng ngô thương phẩm tốt. Để chương trình phát triển ở quy mô lớn hơn và bền vững, chúng tôi sẽ bàn bạc để lên phương án đầu tư cơ sở hạ tầng để thu mua, chế biến cho bà con ngay tại chỗ, từ đó giảm chi phí vận chuyển cũng như giúp bà con chủ động sau thu hoạch, hướng tới cải thiện đời sống cho bà con” - ông Nguyễn Duy Nghiệp - chủ đơn vị thu mua nông sản An Nghiệp - chia sẻ.
Sự vào cuộc của doanh nghiệp từ đầu vào đến tiêu thụ giúp nông dân yên tâm sản xuất, không chịu sự bấp bênh của thị trường. Nông dân tham gia mô hình không chỉ cải thiện được năng suất mà còn nhận được 4 “bảo hiểm bền vững”: Được ứng giống ngô lai Dekalb vào đầu vụ và thanh toán vào cuối vụ, được chuyển giao kỹ thuật canh tác, được cam kết năng suất tối thiểu cao hơn năng suất bình quân địa phương, được đảm bảo thu mua toàn bộ ngô bắp tươi khi đến thời điểm thu hoạch... |