Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: "Sửa một cái hàng rào cũng chờ vốn đầu tư công"
Sáng 25/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021…
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên họp |
Tại phiên họp tổ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc (đoàn Bình Định) nhấn mạnh, với các vướng mắc như đại biểu Quốc hội nêu về giải ngân vốn đầu tư công, việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng khi triển khai các dự án; sử dụng vốn đầu tư công cho sửa chữa, cải tạo nâng cấp các công trình… cần phải được tháo gỡ.
Muốn vậy, cần phải thực hiện một luật sửa nhiều luật, phải tập hợp những khó khăn, vướng mắc trên các lĩnh vực, trên cơ sở căn cứ ý kiến của các địa phương, đại biểu Quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hội để trình Chính phủ, Quốc hội xem xét sửa đổi.
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, không phải đến kỳ họp này mà tại kỳ họp trước của Quốc hội, Bộ Tài chính đã đề xuất để tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương trong việc cải tạo, nâng cấp các cơ sở, công trình, không phải chờ dùng vốn của đầu tư công mà có thể chi từ nguồn chi thường xuyên.
Đến thời điểm trước Kỳ họp lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm việc sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách Nhà nước để cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới các hạng mục trong các cơ sở, công trình đã có.
Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất, cho phép thí điểm sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên ngân sách Nhà nước thực hiện các dự án có tổng mức kinh phí dưới 15 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới các hạng mục trong các cơ sở, công trình đã có.
Nếu được thực hiện, sẽ tháo gỡ hầu hết các vướng mắc hiện nay của các bộ, ngành, địa phương, bởi vì hiện nay, sửa chữa một cái hàng rào cũng chờ vốn đầu tư công, là không thể thực hiện được.
Bộ Tài chính đã lấy ý kiến và được sự đồng thuận của 63/63 tỉnh, thành và 20/21 bộ, ngành. Song Ủy ban Tài chính Ngân sách đã yêu cầu phải thực hiện theo Luật, nếu vướng mắc thì đề xuất sửa Luật Đầu tư công.
Bộ trưởng cũng đề cập một số vấn đề đã được đại biểu Quốc hội nêu, như việc bố trí dự toán kinh phí cho mua vắc-xin tiêm chủng cho trẻ em.
Theo Bộ trưởng, trước năm 2020, Chính phủ quy định nguồn chi thường xuyên mua vắc xin tiêm chủng, nhưng đến 28/11/2020, Chính phủ ban hành quy định đưa vào chi thường xuyên, phần nào của địa phương thì địa phương bố trí. Về phía Bộ Tài chính, Bộ đã bố trí dự toán cho Bộ Y tế bố trí mua vắc-xin tiêm chủng năm 2023.