Bộ trưởng Công Thương: Càng khó khăn, càng phải nỗ lực nhiều hơn
Chúng ta càng khó khăn thì càng nỗ lực nhiều hơn để xuất khẩu tiếp tục là mũi nhọn đóng góp vào tăng trưởng kinh tế chung của đất nước.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Ảnh: moit.gov.vn |
Theo số liệu mới nhất từ Bộ Công Thương, tính chung cả năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 683 tỷ USD, giảm 6,6% so với năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 4,4%; nhập khẩu giảm 8,9%. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2023 ước tính xuất siêu 28 tỷ USD. Như vậy, xuất khẩu cả năm 2023 đã không đạt được mục tiêu tăng trưởng 6% như đã đề ra đầu năm.
Sang năm 2024, Bộ Công Thương tiếp tục đặt ra mục tiêu cho hoạt động xuất nhập khẩu là tổng kim ngạch xuất khẩu tăng trên 6% so với năm 2023; cán cân thương mại duy trì trạng thái thặng dư khoảng 15 tỷ USD.
Để cùng nhìn lại bức tranh xuất nhập khẩu cả năm 2023 và những giải pháp để đạt được mục tiêu đặt ra trong năm 2024, Báo Điện tử Chính phủ đã có trao đổi với Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diênvề vấn đề này.
35 mặt hàng xuất khẩu 'tỷ đô'
Với sự phục hồi trong những tháng gần đây, mức suy giảm xuất khẩu tiếp tục được thu hẹp khá nhiều so với mức giảm 12% trong nửa đầu năm 2023. Tuy nhiên, xuất khẩu năm 2023 vẫn không đạt mục tiêu tăng trưởng 6% như đã đề ra đầu năm. Bộ trưởng đánh giá thế nào về tình hình xuất khẩu chung của cả nước năm 2023?
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên: Dự kiến hết năm 2023, xuất khẩu ước đạt 355,5 tỷ USD, giảm 4,4% so với năm 2022; có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,6% tổng kim ngạch xuất khẩu (trong đó có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66%).
Thẳng thắn nhìn nhận, kết quả này tuy chưa được như kỳ vọng, cũng chưa chạm tới mục tiêu đề ra, nhưng trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước gặp vô vàn khó khăn, thách thức mà hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đã vượt qua khó khăn, thu hẹp đáng kể mức suy giảm ở thời điểm cuối năm so với đầu năm là một kết quả đáng ghi nhận; đặc biệt cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng ước đạt 28 tỷ USD, tăng gần gấp 3 lần năm 2022, góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.
Dù không đạt được mục tiêu đề ra từ đầu năm, tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu vẫn có nhiều điểm sáng đáng ghi nhận. Đơn cử, về các mặt hàng, nông sản được đánh giá là nhóm ngành hàng có nhiều điểm sáng.
Có được kết quả này, bên cạnh yếu tố vĩ mô khi kinh tế thế giới tích cực hơn, còn có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Chính phủ, Lãnh đạo Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, đến công tác phát triển thị trường. Các doanh nghiệp cũng chủ động, linh hoạt đa dạng hoá thị trường, khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu.
Điểm sáng xuất khẩu nông sản
Mặc dù xuất khẩu có sự sụt giảm so với năm 2022, tuy nhiên, xuất khẩu nông sản của năm 2023 được coi là điểm sáng nhất trên bức tranh xuất khẩu của cả nước. Góp phần tạo nên thành công này, ngành Công Thương đã có vai trò rất lớn trong công tác mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại. Xin hỏi trong năm 2023, Bộ Công Thương đã đưa nông sản Việt Nam đến với những thị trường mới nào? Và những thị trường truyền thống có bị sụt giảm không?
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên: Năm 2023, xuất khẩu nông sản của nước ta có tăng trưởng khả quan.
Xuất khẩu nhóm các mặt hàng nông sản, thuỷ sản năm 2023 ước đạt 32,5 tỷ USD, tăng 5,4% so với năm trước; trong đó xuất khẩu rau quả ước đạt 5,6 tỷ USD, tăng 66%; hạt điều ước đạt 3,6 tỷ USD, tăng 17,6%, gạo ước đạt 4,8 tỷ USD, tăng 38%, cà phê ước đạt 4,2 tỷ USD, tăng 3,1%.
Trong năm, chúng tôi đã tích cực phối hợp với Bộ NN&PTNT, các địa phương, hiệp hội, ngành hàng và các thương nhân trong phát triển thị trường, thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông sản. Các cơ quan chức năng của Việt Nam đã tích cực đàm phán với các cơ quan của Trung Quốc để mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau quả của Việt Nam; phối hợp với các tỉnh biên giới theo dõi sát tình hình tại các cửa khẩu, nâng cao hiệu quả của công tác điều tiết nông sản xuất khẩu qua các của khẩu biên giới phía Bắc.
Trong đó, mặt hàng sầu riêng sau khi chính thức được phép nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc đã góp phần quan trọng vào kết quả xuất khẩu 5,6 tỷ USD, tăng 66% so với cùng kỳ của mặt hàng rau quả. Con số này đóng góp không nhỏ trong thành tích 11 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc đạt 3,4 tỷ USD, tăng 149% so với cùng kỳ.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 610/CĐ-TTg, sáng 4/8/2023, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT, Thành phố Cần Thơ tổ chức Hội nghị triển khai công tác điều hành xuất khẩu gạo |
Năm 2023 cũng là một năm mà xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt được kết quả rất tích cực, giúp tiêu thụ lúa hàng hoá của người nông dân với giá cao. Xuất khẩu gạo 11 tháng năm 2023 đạt 7,64 triệu tấn, trị giá đạt 4,3 tỷ USD, tăng 14,5% về lượng và 34,1% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này đạt được trong bối cảnh tình hình thương mại gạo thế giới diễn biến phức tạp, nhiều nước hạn chế xuất khẩu với mục tiêu an ninh lương thực.
Ngay từ vụ Đông Xuân, Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc họp với Bộ NN&PTNT, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân xuất khẩu gạo, qua đó báo cáo Thủ tướng Chính phủ các giải pháp xuất khẩu gạo năm 2023. Trước động thái bất ngờ của Ấn Độ về việc cấm xuất khẩu tất cả chủng loại gạo trắng thường (phi basmati), Bộ Công Thương đã kịp thời chỉ đạo các thương nhân thực hiện nghiêm túc quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP đảm bảo duy trì mức dự trữ lưu thông, cân đối xuất khẩu hiệu quả. Bộ đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-BCT về tăng cường công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu gạo và bình ổn thị trường trong nước.
Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh và Phu nhân, ngày 1/11/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ Khayangaa Bolorchuluun ký kết “Bản ghi nhớ về thương mại gạo bền vững” trước sự chứng kiến của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Ukhnaagiin Khurelsukh. |
Bộ Công Thương đã tích cực đàm phán, trao đổi song phương với các đối tác nhập khẩu truyền thống, trọng điểm (Malaysia, Philippines) về việc xem xét tiến tới ký kết Bản ghi nhớ thương mại gạo; ký kết với Bộ Công nghiệp nhẹ, Lương thực và Nông nghiệp Mông Cổ về Bản ghi nhớ thương mại gạo giữa Việt Nam và Mông Cổ, trong đó Việt Nam luôn sẵn sàng cung cấp 30.000 tấn gạo cho thị trường Mông Cổ; tổ chức Đoàn giao dịch thương mại gạo tại thị trường Trung Quốc (thành phố Bắc Kinh và thành phố Quảng Châu) nhằm duy trì, củng cố và mở rộng thị phần sản phẩm gạo tại thị trường Trung Quốc.
Không còn thị trường nào 'dễ tính'
Khi "vươn ra biển lớn", Bộ trưởng nhận thấy hàng hoá Việt Nam có những ưu điểm gì cần được phát huy và nhược điểm gì cần phải khắc phục trong thời gian tới, đặc biệt với nhóm hàng nông sản?
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Có thể nói, số mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên đã tăng qua các năm, chiếm tỉ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Năm 2018 có 29 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,7% tổng kim ngạch xuất khẩu; năm 2022 tăng lên thành 36 mặt hàng với tỷ trọng chiếm khoảng 94% tổng kim ngạch xuất khẩu; năm 2023, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn những vẫn có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,6% tổng kim ngạch xuất khẩu (trong đó có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66%).
Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục được cải thiện theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng nhanh tỷ trọng sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng cao, sản phẩm chế biến sâu, sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao. Hàng hóa xuất khẩu tiếp tục được mở rộng về quy mô, đa dạng, phong phú về chủng loại và phát triển thêm nhiều mặt hàng mới như đồ chơi, dụng cụ thể thao và phụ tùng, sản phẩm nội thất từ chất liệu khác gỗ,...
Kết quả đó cho thấy, hàng hoá Việt Nam ngày càng nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh xuất khẩu trên thị trường thế giới, thâm nhập vào các thị trường các nước phát triển, đòi hỏi yêu cầu cao về chất lượng, tiêu chuẩn.
Tuy nhiên, mức độ đa dạng hóa thị trường của một số mặt hàng thuộc nhóm nông sản, thuỷ sản chưa cao, còn phụ thuộc vào một số thị trường xuất khẩu. Việc sản xuất một số mặt hàng nông, thủy sản còn manh mún, tự phát, dẫn đến có lúc không kiểm soát được nguồn cung dành cho xuất khẩu. Chất lượng nông, thủy sản không đồng đều, khó áp dụng các chuẩn mực của thế giới về truy xuất nguồn gốc. Vấn đề an toàn thực phẩm tuy được cải thiện so với trước đây nhưng chưa thật sự bền vững.
Ngày 25/7/2023, tại Văn phòng Thủ tướng Israel, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên cùng Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghiệp Israel Nir Barkat ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Israel (VIFTA). |
Nếu như nỗ lực từ phía Chính phủ trong việc kết nối, đàm phán mở cửa thành công được coi là điều kiện cần thì nỗ lực từ doanh nghiệp trong ứng dụng khoa học kĩ thuật để tăng chất lượng sản phẩm, trong marketing, xúc tiến thương mại là điều kiện đủ để sản phẩm của Việt Nam tiếp cận được các thị trường này.
Đặc biệt, hiện nay không còn thị trường nào gọi là "dễ tính" nữa, bởi nhận thức của người tiêu dùng các nước nhập khẩu hàng hoá của chúng ta về bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và bảo vệ môi trường ngày càng cao, dẫn đến việc áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và về bảo vệ môi trường ngày càng khắt khe. Do đó, doanh nghiệp cũng phải tìm hiểu, nắm bắt rõ thông tin về thị trường, từ thị hiếu người tiêu dùng cho đến những quy định, tiêu chuẩn về quy tắc xuất xứ, từng bước nghiên cứu nâng cấp cơ sở sản xuất, chất lượng sản phẩm hàng hoá.
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và dự hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của WEF tại Trung Quốc từ ngày 25 đến ngày 28/6/2023 của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên có buổi hội đàm song phương với Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào. |
Nâng cấp FTA cũ, tiếp tục đàm phán thêm các FTA mới
Dự kiến năm 2024, Bộ Công Thương sẽ hướng đến những thị trường mới nào để mở rộng thêm cho hàng nông sản nói riêng cũng như hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam nói chung?
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên: Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, phục hồi chậm, đặc biệt lạm phát vẫn ở mức cao tại thị trường các nước phát triển, ảnh hưởng đến cầu nhập khẩu hàng hoá, Bộ Công Thương xác định cần tiếp tục đa dạng hóa thị trường, tìm kiếm các thị trường mới, còn tiềm năng cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Các thị trường còn nhiều tiềm năng đẩy mạnh khai thác có Hoa Kỳ, Nga, Đông Âu, Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ Latin…
Chúng tôi sẽ chú trọng thúc đẩy hoàn tất các thủ tục để sớm ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) giữa Việt Nam với UAE; tập trung bảo đảm tiến độ và tiến trình đàm phán nâng cấp Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), đàm phán FTA ASEAN - Canada (ACAFTA), Việt Nam - EFTA trên cơ sở các nguyên tắc đảm bảo cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc theo phương án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời tiếp tục phối hợp các Bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu khả năng đàm phán FTA với một số đối tác như Thổ Nhĩ Kỳ, khối Mercosur, Nam Phi, Nigeria...
Riêng với nhóm hàng nông sản, Bộ Công Thương hướng đến nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ; chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch.
Xuất khẩu khởi sắc hơn trong năm 2024
Với vai trò là người đứng đầu ngành thương mại của cả nước, xin hỏi Bộ trưởng đưa ra dự báo như thế nào đối với xuất nhập khẩu năm 2024?
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên: Có thể thấy, kết quả xuất nhập khẩu bước đầu ghi nhận tín hiệu khả quan từ các tháng cuối năm 2023 khi kim ngạch đã có sự phục hồi nhất định. Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ trong thời gian qua đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực. Bên cạnh đó, những nỗ lực trong đẩy mạnh đàm phán, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian qua sẽ đem lại lợi thế cạnh tranh hơn cho hàng xuất khẩu của ta trong thời gian tới.
Về bối cảnh quốc tế, tình hình kinh tế vĩ mô khả quan hơn khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đưa ra những thông điệp ngừng tăng lãi suất và tiến tới xem xét giảm lãi suất trong năm 2024 để thúc đẩy tăng trưởng và tiêu dùng. Vấn đề hàng tồn kho cao tại Hoa Kỳ đang dần được khắc phục, Việt Nam cũng mới nâng cấp mối quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ, hứa hẹn sự phát triển bền vững cho quan hệ thương mại giữa hai nước.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, kinh tế toàn cầu năm 2024 vẫn đối diện với nhiều rủi ro, khó đoán định, nhất là các cuộc xung đột ở nhiều nơi chưa có dấu hiệu kết thúc, có thể ảnh hưởng đến cả tổng cầu cũng như giá nguyên liệu, chi phí vận tải hàng hoá. Trong nước, nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Quy mô nền kinh tế nước ta còn khiêm tốn nhưng độ mở lại lớn, khả năng cạnh tranh và sức chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài còn hạn chế. Những yếu tố đột xuất, bất ngờ như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Với những kết quả đạt được trong năm 2023, Bộ Công Thương kỳ vọng xuất nhập khẩu năm 2024 sẽ khởi sắc hơn. Chúng ta càng khó khăn thì càng nỗ lực nhiều hơn để xuất khẩu tiếp tục là mũi nhọn đóng góp vào tăng trưởng kinh tế chung của đất nước.
Xin cảm ơn Bộ trưởng.