Thứ ba 19/11/2024 20:30

Bộ trưởng Bộ Quốc dân Kinh tế Nguyễn Mạnh Hà: Những năm tháng không quên

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông Nguyễn Mạnh Hà được cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc dân Kinh tế trong Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu.

Người trí thức công giáo tham gia Chính phủ

Ông Nguyễn Mạnh Hà sinh tại thị xã Hưng Yên trong một gia đình công giáo. Năm 1926, khi 13 tuổi ông sang Pháp học Trung học rồi học Đại học. Năm 1937 ông tốt nghiệp khoa Luật học và chính trị, Trường Đại học Paris (Pháp).

Về nước đúng lúc Mặt trận Bình dân lên cầm quyền, ở Đông Dương đang có phong trào đấu tranh để tiến tới Đông Dương đại hội. Trong thời gian này, ông được Thống sứ Bắc Kỳ cử làm Thanh tra lao động thành phố Hải Phòng và các khu hầm mỏ. Năm 1943, ông được cử chức Giám đốc Kinh tế kiêm Thanh tra lao động Bắc Kỳ.

Sắc lệnh số 48 ngày 9/10/1945 về việc cho phép các công ty và các hãng ngoại quốc hiện có được phép tiếp tục công việc kinh doanh (Ảnh tư liệu)

Khi đó, Thị trưởng Pháp ở Hải Phòng - ông Luciani (người đảo Corse) - đã gọi Nguyễn Mạnh Hà tới và đề nghị: "Tôi muốn ông lo việc tiếp tế gạo, lâu nay vẫn do người Pháp làm và họ chỉ bỏ đầy túi". "Ông là người liêm khiết, tôi cử ông làm Giám đốc Kinh tế Hải Phòng và tôi giao cho ông tìm một giải pháp", Luciani nói thêm.

Nhờ đó, Nguyễn Mạnh Hà nắm trong tay việc tiếp tế gạo. Ông đã cùng với những bạn như nhà tư sản Nguyễn Sơn Hà mở những quán cơm bình dân. Vì thế, trong thời gian Nhật chiếm đóng, mỗi ngày ông và các đồng sự có thể phân phát hơn 20 nghìn suất cơm và một ít thức ăn. Hải Phòng thoát nạn đói và coi ông là một vị cứu tinh. Mặt trận Việt Minh biết rõ điều này, cho nên ngay sau Cách mạng tháng Tám, đã mời Nguyễn Mạnh Hà tham gia Chính phủ.

Câu chuyện một trí thức Công giáo được chọn mặt gửi vàng ra làm Bộ trưởng Kinh tế đã được ông Nguyễn Mạnh Hà kể lại như sau: Một người bạn luật sư, trước kia là bạn học luật với ông Võ Nguyên Giáp, đã nói với tôi: "Anh Giáp muốn gặp anh". Tôi bèn đi gặp ông Giáp, ông Giáp chỉ nói đơn giản rằng: "Anh từng là Giám đốc Kinh tế Bắc Kỳ, vậy dĩ nhiên với kinh nghiệm của anh, anh phải làm Bộ trưởng Bộ Kinh tế của Chính phủ đầu tiên mà chúng tôi sắp thành lập".

Cựu Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hà (bên trái) và cựu Bộ trưởng Vũ Trọng Khánh tại Pháp năm 1946. Ảnh tư liệu gia đình Luật sư Vũ Trọng Khánh

Một tuần lễ sau đó, ngày Chính phủ lâm thời chính thức ra mắt, Nguyễn Mạnh Hà có cuộc gặp đầu tiên với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vừa thấy ông, Hồ Chủ tịch đã reo lên: "Chú đấy à, con rể Marrane đấy à? Tôi đã gặp ông ấy ở đại hội Tours!".

Làm Bộ trưởng Kinh tế trong Chính phủ lâm thời khi nạn đói đang đe dọa nhân dân miền Bắc, ông Nguyễn Mạnh Hà có Thông cáo gửi đến những hội buôn và cả những nhà tư sản buôn gạo mời tới trụ sở Bộ Kinh tế để thương thuyết. Thông cáo ngày 6/9/1945 của Bộ trưởng Bộ Kinh tế Nguyễn Mạnh Hà mang nội dung cụ thể như sau:

"Việc tiếp tế gạo cho Bắc Bộ xét ra rất cần thiết sau nạn lụt lội vừa xảy ra nên Chính phủ đã phái một Ủy ban vào Nam Bộ điều tra và tổ chức cách tải gạo ra Bắc. Việc ấy rất can hệ cho sự sống còn của mười triệu đồng bào nên Chính phủ hô hào quốc dân hưởng ứng và cộng tác vào việc tiếp tế về mọi phương diện. Những hội buôn hay các tư gia nào muốn tổ chức mua và vận tải gạo từ Nam ra Bắc xin mời lại Bộ Kinh tế để thương thuyết với đại biểu Chính phủ".

Trong quyền hạn của Bộ trưởng Bộ Kinh tế, ông Nguyễn Mạnh Hà đã đề nghị và tiếp ký nhiều văn bản pháp luật bằng chế độ sắc lệnh để điều hành và quản lý kinh tế trong cả nước. Có thể kể đến Sắc lệnh số 48 ngày 9/10/1945 về việc cho phép các công ty và các hãng ngoại quốc hiện có được phép tiếp tục công việc kinh doanh.

Theo sắc lệnh 39/SL ngày 26/9/1945 ông Nguyễn Mạnh Hà được cử vào Ủy ban dự thảo thể lệ Tổng tuyển cử để cùng Chính phủ thực hiện cuộc bầu cử Quốc hội trong toàn quốc vào cuối năm. Cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên 6/1/1946 của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hà trúng cử Đại biểu Quốc hội tại tỉnh Hưng Yên.

Ngày 26/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh khi trả lời phỏng vấn phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí về vấn đề đoàn kết cũng nêu gương đoàn kết của ông Nguyễn Mạnh Hà:

Hỏi: Chính phủ cũ lấy thêm những vị nào để thành lập Chính phủ liên hiệp lâm thời ?

Trả lời: Có cụ Nguyễn Hải Thần làm Phó Chủ tịch, một ông Bộ trưởng Vệ sinh (Y tế) và một ông Bộ trưởng Kinh tế. Ông Nguyễn Mạnh Hà (người không đảng phái) đã tự nhường xuống làm Thứ trưởng để tỏ lòng thành thực đoàn kết của Chính phủ hiện thời".

Trong một dịp khác, ông Nguyễn Mạnh Hà kể tiếp: "Đến tháng 3 năm 1946, Cụ Hồ Chí Minh lại bảo tôi: "Bây giờ tôi thấy cần phải trao cho chú một nhiệm vụ khác, quan trọng hơn việc chú đang làm, mà việc mới này, chỉ có chú mới có thể hoàn thành được, đó là tiến hành trong hậu trường cuộc đàm phán với Pháp".

Đó là sự kiện ông Nguyễn Mạnh Hà trở thành thành viên trong Phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sang đàm phán với Pháp tại Hội nghị Fontainebleau trên cương vị thành viên Ủy ban Kinh tế Tài chính.

Hiện thân của sự chung thủy và khiêm nhường

Sau ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), bị mắc kẹt ở Hà Nội nhưng nhà trí thức Nguyễn Mạnh Hà đã bất hợp tác với chính quyền thực dân. Thái độ của ông được đương thời đánh giá là "trùm chăn" không cộng tác với chính quyền thực dân. Thái độ này của ông đã trở thành tấm gương cho các trí thức khác.

Không chỉ có vậy, bằng kiến thức luật pháp của mình, Luật sư Nguyễn Mạnh Hà cùng Luật sư Vũ Văn Hiền đã tranh tụng trong nhiều phiên tòa xử tội người tham gia kháng chiến. Tất cả các bị cáo đều được chánh tòa xử trắng án, trả tự do ngay tại tòa.

Năm 1951, Đại tướng De Lattre de Tassigny, Cao ủy kiêm Tổng chỉ huy quân đội Pháp tại Đông Dương đã ký lệnh trục xuất Nguyễn Mạnh Hà về Pháp cùng với vợ con. Sang Pháp, ông được cử giữ chức Thanh tra lao động của Chính phủ Pháp. Năm 1965, Nguyễn Mạnh Hà còn sang Campuchia tham gia Đại hội nhân dân Đông Dương do Quốc vương Xihanúc triệu tập, thảo luận về tình hình đế quốc Mỹ can thiệp vào Đông Dương.

Nhắc đến ông Nguyễn Mạnh Hà, không thể quên bà Renée Nguyễn Mạnh Hà - nhũ danh Marrane (1916-2007), phát ngôn viên tiếng Pháp đầu tiên có giọng "đầm" của Đài Tiếng nói Việt Nam những ngày đầu thành lập. Bà là con gái Nghị sỹ Đảng Cộng sản Pháp Georges Marrane (1888-1976) đồng thời cũng là Thị trưởng Ivry-sur-Seine, thành phố "đỏ" ở phía đông nam, sát thành phố Paris. Georges Marrane đã làm Thị trưởng từ năm 1925 đến 1965, gần suốt 40 năm trời (trừ thời kỳ Đức chiếm đóng). Bà Renée luôn sát cánh với chồng trong các hoạt động xã hội và tôn giáo như: Thành lập tổ chức Thanh lao công đầu tiên ở Việt Nam, tổ chức cứu đói năm 1945, cũng như các hoạt động yêu nước khác.

Theo đánh giá của Nhà sử học Nguyễn Đình Đầu (đồng thời cũng là người bạn của hai vợ chồng bà), bà Renée còn là người phụ nữ duy nhất trong phái đoàn Chính phủ Việt Nam sang Pháp đàm phán Hội nghị Fontainebleau (1946). Sang Pháp năm 1996, gặp lại bà Renée, lúc đó đã 80 tuổi, "vẫn khỏe mạnh và minh mẫn, nói tiếng Việt đặc giọng Hà Nội". Bà qua đời năm 2007 tại Pháp.

Sau khi nước nhà hết chiến tranh và hai miền đã thống nhất, Chính phủ ta đã trân trọng mời ông Nguyễn Mạnh Hà thu xếp thì giờ về thăm Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên; ông đã có dịp thăm lại những người bạn cũ của thuở hàn vi. Ông cảm động nói với đông đảo bà con ở giữa Thủ đô anh hùng của đất nước: "Mặc dầu tuổi đã cao và sức yếu, tôi thấy có bổn phận phải về thủ đô Hà Nội để chia sẻ cùng toàn thể dân tộc. Tôi tâm tình biết ơn sâu sắc người Cha chung của đất nước là Cụ Hồ Chí Minh, Người đã suốt đời cố gắng theo đuổi mục đích là mang về cho chúng ta Độc lập, Tự do, Hạnh phúc".

Kiều Mai Sơn
Bài viết cùng chủ đề: Cách mạng tháng Tám

Tin cùng chuyên mục

Việt Nam đạt được nhiều thành tựu trong bảo đảm quyền con người

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế tại Hội nghị G20

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất ba bảo đảm chiến lược cho công cuộc xóa bỏ đói nghèo toàn cầu

Có nên bỏ quy định các doanh nghiệp nhà nước phải sắp xếp lại nhà, đất?

Chủ tịch Quốc hội làm Trưởng Ban Chỉ đạo về sắp xếp bộ máy tinh gọn tại các cơ quan Quốc hội

Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Ban Dân vận Trung ương

Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội làm việc tại TP. Hải Phòng

Đề nghị kỷ luật nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Phạm Văn Vọng

Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân sắp thăm chính thức Malaysia

Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ giáo dục

Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Brazil

Tuyên bố chung Việt Nam - Brazil về việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược

Việt Nam - Brazil nhất trí nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược​​​​​​​

Thủ tướng dự Lễ khánh thành, đặt biển kỷ niệm, tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Brazil

Các tập đoàn hàng không vũ trụ, thực phẩm... Brazil muốn mở rộng hợp tác toàn diện với Việt Nam

Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm trong buổi làm việc với tỉnh Cà Mau

Việt Nam cùng ASEAN đổi mới để bay cao, sáng tạo để vươn xa, hội nhập để phát triển

Tổng Bí thư Tô Lâm dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại ấp Mũi, xã Đất Mũi (Cà Mau)

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Phải phát huy ngoại giao cao hơn, rộng hơn thúc đẩy hợp tác Việt Nam - Brazil