Bộ trưởng Bộ Công Thương nêu 4 giải pháp để nông sản Việt Nam thâm nhập vào thị trường khó tính
Tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 36, ngày 21/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn việc thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến hết năm 2023.
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, đại biểu Lý Văn Huấn - đoàn Thái Nguyên đặt câu hỏi: Hàng hóa nông sản của nước ta được đánh giá là rất đa dạng và phong phú nhưng khó thâm nhập vào thị trường các nước châu Âu cũng như một số thị trường các nước khó tính. Vậy Bộ trưởng cho biết đâu là nguyên nhân chính của tồn tại này? Giải pháp của Bộ trưởng trong thời gian tới?
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn. Ảnh: quochoi.vn |
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ ra, từ khi mở cửa, nhất là khi Việt Nam tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thì nông sản Việt đi vào thị trường thế giới ngày càng nhiều, tốc độ tăng từ 20-25% và giá trị thì cũng tăng theo đó.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, cũng không thể phủ nhận là nông sản Việt mới chỉ vào được các thị trường dễ tính, trong khi các thị trường dễ tính thì cũng dần trở nên khó tính như Trung Quốc, Ấn Độ. Bên cạnh đó, Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) là thị trường rất khó tính, Bộ trưởng nêu 5 nguyên nhân:
Một là, quy mô sản xuất chúng ta nhỏ, phương thức lạc hậu cho nên sản phẩm sản lượng thấp, chất lượng không ổn định, thậm chí không đáp ứng yêu cầu của thị trường tiêu dùng.
Hai là, thiếu quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi và chưa áp dụng công nghệ theo tiêu chuẩn.
Ba là, sản phẩm chúng ta xuất chủ yếu là thô và sơ chế chứ chưa qua chế biến nhiều cho nên giá trị chưa cao, chưa đủ sức cạnh tranh.
Đại biểu Lý Văn Huấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên: Giải pháp đưa nông sản Việt Nam thâm nhập vào thị trường châu Âu?. Ảnh: quochoi.vn |
Bốn là, doanh nghiệp và sản xuất hoạt động thiếu chuyên nghiệp, tức là muốn xuất khẩu tiểu ngạch hơn là xuất khẩu chính ngạch, không chú ý đến khâu xây dựng thương hiệu, xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, thậm chí là không muốn giữ thị trường, chiếm được thị trường đã khó nhưng mà sẵn sàng từ bỏ thị trường.
Bộ trưởng dẫn chứng, như gạo của Việt Nam vào được kệ hàng của châu Âu rất khó nhưng vì bán được sản lượng thấp cho nên doanh nghiệp sẵn sàng không bán cho châu Âu, không bán cho Hoa Kỳ mà bán cho Ấn Độ, Trung Quốc và một số nước dễ tính hơn để bán được sản lượng nhiều hơn thì đây là vấn đề rất khó, "đánh đồn đã khó nhưng giữ đồn còn khó hơn".
Năm là, thiếu sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, các địa phương trong thực hiện mục tiêu xuất khẩu chính ngạch, đề án xuất khẩu chính ngạch đã được Chính phủ thông qua nhưng chưa được thực hiện một cách triệt để.
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn |
Nêu giải pháp để nông sản Việt Nam thâm nhập vào thị trường khó tính Bộ trưởng nhấn mạnh: Thứ nhất, thời gian tới Bộ Công Thương đề nghị chú trọng quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi, áp dụng công nghệ sản xuất để có sản phẩm đủ lớn và đạt tiêu chuẩn.
Thứ hai, địa phương, doanh nghiệp sản xuất chú trọng xây dựng và củng cố thương hiệu sản phẩm quốc gia thay vì sản phẩm và thương hiệu địa phương và doanh nghiệp. Chú ý cấp mã số vùng trồng, bảo vệ, bảo hộ thương hiệu; bảo hộ chỉ dẫn địa lý và chất lượng sản phẩm.
Thứ ba, thay đổi tập quán sản xuất từ có gì bán nấy sang sản xuất hàng hóa. Người sản xuất phải trả lời được các câu hỏi làm cái gì, bán ở đâu, cho ai và giá bao nhiêu? Từ xuất khẩu tiểu ngạch phải chuyển sang xuất khẩu chính ngạch.
Thứ tư, các Bộ, ngành, các địa phương phải hỗ trợ nhiều hơn các doanh nghiệp trong việc khai thác, tận dụng các FTA. Riêng Bộ Công Thương sẵn sàng giúp quảng bá thương hiệu sản phẩm, kết nối cung cầu thông qua các Thương vụ của Việt Nam tại 90 nước và vùng lãnh thổ, làm tốt hơn việc cảnh báo sớm và tham gia hỗ trợ phòng vệ thương mại.