Thứ hai 23/12/2024 05:20
10 năm thi hành Nghị định số 45/2012/NĐ-CP:

Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo 5 nhiệm vụ lớn về công tác khuyến công

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo 5 nhiệm vụ lớn về công tác khuyến công, khuyến thương trong thời gian tới.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến công, chiều 14/12, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: Sau 10 năm thực thi Nghị định 45 của Chính phủ, công tác khuyến công được các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá khu vực nông thôn.

Qua đó, đã động viên, huy động được các nguồn lực tham gia hoặc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và các dịch vụ khuyến công, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và góp phần xây dựng nông thôn mới.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá, ghi nhận những kết quả công tác khuyến công đã đạt được

Tạo ra được cơ chế khuyến khích, hỗ trợ sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên nhiên vật liệu; giảm thiểu phát thải, cải thiện chất lượng môi trường.

Hỗ trợ xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, trang thiết bị máy móc tiên tiến vào sản xuất, thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn bền vững; đồng thời, giúp cho các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn nâng cao năng lực cạnh tranh, từng bước tham gia có hiệu quả vào hội nhập kinh tế quốc tế.

Khung pháp lý về hoạt động khuyến công từng bước được hoàn thiện. Hệ thống tổ chức thực hiện công tác khuyến công từ Trung ương tới địa phương được thiết lập và hoạt động ngày càng có hiệu quả, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa cơ quan quản lý Nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn.

Các đại biểu tham dự hội nghị

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng cũng cho rằng, hoạt động khuyến công ở Trung ương và địa phương cũng còn một số tồn tại, hạn chế và vấn đề cần tập trung khắc phục.

“Tôi đề nghị, với tinh thần cầu thị, thẳng thắn, Cục Công Thương địa phương và các đơn vị chức năng có liên quan của các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục nghiên cứu, phân tích, đánh giá, xác định rõ nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế, nhất là nguyên nhân chủ quan để từ đó có giải pháp phù hợp, khả thi, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn trong các hoạt động khuyến công, khuyến thương thời gian tới” - Bộ trưởng yêu cầu.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng phân tích: Đất nước ta đang bước vào thời kỳ phát triển mới trong bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều biến động phức tạp, khó lường; các vấn đề về toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại và hội nhập quốc tế diễn ra nhanh chóng; sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - kỹ thuật và đổi mới sáng tạo đã hình thành và thúc đẩy cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang tính đột phá, tác động sâu rộng và đa chiều. Đảng và Nhà nước ta đang chủ trương đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hoá – hiện đại hoá đất nước và xây dựng nông thôn mới nhằm đưa nước ta trở thành nước có nền công nghiệp hiện đại vào năm 2030, tạo tiền đề quan trọng để đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.

Bộ Công Thương tổng kết 10 năm thi hành Nghị định số 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ về công tác khuyến công

Trong bối cảnh đó, để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khuyến công, tạo động lực phát triển bền vững công nghiệp nông thôn trong tình hình mới, Bộ trưởng cũng giao những nhiệm vụ trọng tâm cho các đơn vị liên quan.

Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến phát triển công nghiệp nông thôn; nhất là Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị quyết số 29-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước để có đề xuất, kiến nghị, tham mưu với Chính phủ chỉ đạo xây dựng và ban hành Nghị định mới về công tác khuyến công, bảo đảm đủ mạnh và khả thi, tạo động lực phát triển bền vững công nghiệp nông thôn trong giai đoạn mới. Cũng để đóng góp quá trình xây dựng nông thôn và nông thôn mới nâng cao.

Thứ hai, trong thời gian chưa có Nghị định mới về công tác khuyến công, đề nghị các địa phương tiếp tục quan tâm bố trí tăng nguồn vốn ngân sách Nhà nước và chú trọng lồng ghép với các chương trình mục tiêu khác để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn cho hoạt động khuyến công. Nếu ghép được nguồn vốn khuyến công, khuyến thương để thêm nguồn lực thực hiện.

Chủ động rà soát sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các cơ chế, chính sách của địa phương, bảo đảm đồng bộ, khả thi, phù hợp với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn để huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn lực của xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Thứ ba, tăng cường đổi mới, nâng cao chất lượng công tác khuyến công theo chuỗi ngành hàng và chuyển đổi số. Triển khai các hoạt động khuyến công đồng bộ với các chương trình hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh, ưu đãi đầu tư, tín dụng và đặc biệt là khoa học và công nghệ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác bình chọn, phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu nhằm phát hiện, tôn vinh và hỗ trợ phát triển những sản phẩm có chất lượng, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, góp phần phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Thứ tư, nghiên cứu kiện toàn, sắp xếp tổ chức hệ thống khuyến công theo hướng thống nhất giữ tổ chức bộ máy đơn vị sự nghiệp thực hiện nhiệm vụ về khuyến công, khuyến thương ở Sở Công Thương các địa phương để thuận lợi trong triển khai các hoạt động có tính kỹ thuật đặc thù của ngành Công Thương. Ngành Công Thương rất quan trọng nhưng lực lượng nhân lực mỏng, nếu không có đủ nhân lực rất khó khăn trong triển khai nhiệm vụ.

Quan tâm tăng cường đầu tư, nâng cấp trụ sở, trang thiết bị, phương tiện làm việc của các đơn vị thực hiện nhiệm vụ khuyến công. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ làm công tác khuyến công có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Thứ năm, thiết lập cơ chế phối hợp, phân cấp giữa các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương, tăng cường sự phối hợp hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước với các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức hiệp hội trong hoạch định, thực thi chính sách và thúc đẩy, nâng cao hiệu quả các hoạt động khuyến công, khuyến thương từ Trung ương đến địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân về vai trò, ý nghĩa của công tác khuyến công, khuyến thương trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, tạo đồng thuận xã hội trong tổ chức thực hiện.

“Bộ Công Thương sẽ tiếp thu tổng hợp đầy đủ các kiến nghị, đề xuất của các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, đơn vị liên quan để báo cáo đề xuất Chính phủ xem xét, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 45/2012/NĐ-CP cho phù hợp với tình hình mới. Chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự tham gia, đóng góp ý kiến tích cực từ các Bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, tổ chức, đơn vị liên quan để nghiên cứu, tham mưu hoàn thiện cơ chế, chính sách về khuyến công, khuyến thương trong thời gian tới” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ.

Nhóm Phóng viên
Bài viết cùng chủ đề: Bộ trưởng Bộ Công Thương

Tin cùng chuyên mục

Nam Định triển khai phương án phát triển cụm công nghiệp

Quảng Bình: Tỷ lệ lấp đầy cụm công nghiệp đạt 73%

Khuyến công Bình Định hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp thiết kế bao bì, xây dựng điểm giới thiệu sản phẩm

Sở Công Thương Bình Định trao đổi kinh nghiệm với ngành công thương Vĩnh Long, Long An, Cần Thơ

Khuyến công Quảng Ngãi dự kiến hỗ trợ cao nhất đến 1 tỷ đồng/doanh nghiệp

Cải tiến mẫu mã để tăng cạnh tranh cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ

Bình Dương: Nhiều giải pháp phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu

Bộ Công Thương lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo nghị định về khuyến công

Hội thảo giới thiệu về chương trình chuyển đổi số cho các cơ sở công nghiệp nông thôn

Sắp diễn ra Tuần lễ kết nối chuỗi sản xuất, tiêu dùng bền vững làng nghề Hà Nội

Khai mạc Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2024

Đà Nẵng: Hỗ trợ hơn 2,26 tỷ đồng cho doanh nghiệp đổi mới máy móc, sản xuất sạch hơn

Lai Châu: Thu hút đầu tư lĩnh vực công nghiệp để phát huy tiềm năng, lợi thế

Sắp diễn ra Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2024

Bến Tre: Hỗ trợ tích cực các cơ sở sản xuất sản phẩm từ quả dừa

Khai mạc Hội chợ Công Thương khu vực phía Bắc – Hòa Bình 2024

Đề xuất gỡ vướng cho nội dung khuyến công hỗ trợ đầu tư máy móc thiết bị

Kiên Giang: Khuyến công quốc gia hỗ trợ phát triển nghề chế biến nước mắm

Phú Yên: Khuyến công địa phương hỗ trợ phát triển sản phẩm thế mạnh

Khuyến công Bình Dương hỗ trợ lớn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa