Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên báo cáo Tổng Bí thư, giải đáp ý kiến của Ninh Thuận về điện hạt nhân
Sáng 5/12, tại Ninh Thuận, Tổng Bí thư Tô Lâm và Đoàn công tác của Trung ương đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận, nghe báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tình hình thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị, quá trình triển khai đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Duy Ngọc, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội; Hồ Đức Phớc, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương, cùng các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương và địa phương.
Tổng Bí thư Tô Lâm thăm và làm việc tại Ninh Thuận |
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên báo cáo Tổng Bí thư: "Ngày 25/11/2009, Quốc hội Khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 41/2009/QH12 về phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận gồm nhà máy 1 và 2, với tổng công suất 4.000MW. Tổng mức đầu tư theo 3 kịch bản thấp 10,8 tỷ USD, cao là 11,2 tỷ USD và 12,2 tỷ USD, trên diện tích 1.642 ha.
Theo Nghị quyết 41 của Quốc hội, Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch tổng thể số 460 ngày 18/3/2010, chia dự án này thành 7 dự án thành phần trong đó EVN được giao làm chủ đầu tư 6 dự án (chủ yếu là kỹ thuật, nhà máy) và tỉnh Ninh Thuận 1 dự án (di dân tái định cư).
Năm 2010, 2011, thực hiện chủ trương của Trung ương, Chính phủ đã tiến hành đàm phán với 2 nước Nga và Nhật Bản. Nga đã đồng ý hỗ trợ chúng ta xây dựng nhà máy điện hạt nhân với công suất là 2.000 MW và hỗ trợ về vốn. Còn Nhật Bản thì thống nhất hỗ trợ về kỹ thuật xây dựng nhà máy điện hạt nhân 2 và hỗ trợ về vốn.
Tuy nhiên, đến ngày 26/11/2016, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 31/2016/QH14 dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Thực hiện Nghị quyết, Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết 115/NQ-CP ngày 31/8/2018 về việc thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018 – 2023 và hỗ trợ Ninh Thuận phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước.
Sau khi dự án dừng thực hiện theo Nghị quyết số 31, thì các địa điểm này (1.642ha) đã được quy hoạch làm đất dự trữ chiến lược lâu dài cho năng lượng để có thể tiếp tục xây dựng nhà máy điện hạt nhân khi có chủ trương của cấp có thẩm quyền.
Sau tròn 25 năm, đến ngày 25/11/2024 thực hiện nghị quyết của Trung ương, Quốc hội ra nghị quyết tiếp tục thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Về hiện trạng đầu tư hạ tầng phát triển điện hạt nhân từ khi triển khai đến khi dừng thực hiện 02 Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2. Hiện Ninh Thuận 1 dừng ở FS, Ninh Thuận 2 chuẩn bị FS. EVN đã thi công dự án hạ tâng, cấp điện, nước, phục vụ thi công nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, xây dựng khu quản lý vận hành, khu chuyên gia và trụ sở Ban quản lý dự án.
Cùng với đó, Ninh Thuận đã tiến hành xây dựng Đề án ổn định sản xuất, đời sống nhân dân khu vực dự án và phát triển khu dân cư đối với 02 vị trí xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Đến nay, đề án đã được cấp 423 tỷ đồng, (nguồn vốn ngân sách Trung ương 273 tỷ; vốn ngân sách tỉnh 150 tỷ đồng) để thực hiện đầu tư kết cấu hạ tầng. Hiện tỉnh đang triển khai xây dựng 18 hạng mục công trình kết cấu hạ tầng.
Về dự án đào tạo nguồn nhân lực, chúng ta đã cử 323 sinh viên đi học các trường của Nga; 31 sinh viên và 24 kỹ sư là cán bộ khung đi học ở Nhật Bản. Số nhân lực này một số làm việc ở EVN, một số làm việc ngoài EVN, nhưng phần đông là làm việc ở Mỹ và các nước châu Âu. Có nhiều người đang làm việc ở Pháp, Ukraine, Nga sẵn sàng trở về Việt Nam làm việc nếu các dự án điện hạt nhân tái khởi động. Nếu những người này có nguyện vọng và điều kiện thì chúng ta có thể đào tạo lại.
Về xác định lộ trình xây dựng Nhà máy điện hạt nhân, Bộ Công Thương sẽ tham mưu, trình Chính phủ xây dựng lộ trình, kế hoạch, trình Chính phủ phê duyệt trong tháng 1/1025.
10 nội dung cần triển khai
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên báo cáo, trong thời gian tới, cần triển khai một số công việc quan trọng nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án và đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững. Bộ trưởng báo cáo với Tổng Bí thư về 10 công việc cần tập trung để đẩy nhanh tiến độ các dự án điện hạt nhân gồm:
Thứ nhất, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các địa phương, EVN để rà soát và bổ sung quy hoạch liên quan đến 2 dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận vào Quy hoạch điện VIII. Dự án này dự kiến sẽ được khởi động lại từ tháng 1/2025 và chúng ta cần hoàn thành các công đoạn này trước tháng 3/2025, dự kiến phát điện trước 2035. Đây là một công việc rất quan trọng, bởi trước đó dự án đã bị đóng băng do nhiều lý do, nhưng việc tái khởi động là hoàn toàn phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành.
Thứ hai, Bộ Công Thương sẽ chủ trì và phối hợp với các bộ, ngành liên quan để tham mưu xây dựng và ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Điện lực sửa đổi theo qui trình rút gọn, có hiệu lực cùng với hiệu lực của Luật Điện lực sửa đổi (1/1/2025) kèm theo đó là các cơ chế, chính sách cụ thể cho các dự án điện lực.
"Điều đáng mừng là Luật Điện lực sửa đổi đã có các chương quy định về điện hạt nhân, trong đó có các cơ chế, chính sách ưu đãi về đầu tư và khuyến khích đầu tư", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Thứ ba, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo, rà soát các công việc và triển khai để giao EVN làm chủ các dự án điện hạt nhân ở Ninh Thuận. Việc này sẽ làm và phải hoàn thành xong trước ngày 1/2/2025 để trùng với thời điểm quy định có hiệu lực.
Thứ tư, Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền để xin chủ trương tái đàm phán, ký Hiệp định với Nga hoặc Nhật Bản theo cam kết cũ là vừa hỗ trợ về mặt kỹ thuật, vừa hỗ trợ về tài chính, ưu đãi. Hiện nay công nghệ đã thay đổi, chúng ta cũng cần rà soát đàm phán lại để xem áp dụng công nghệ nào? Vốn vay ra sao? Lộ trình thực hiện thế nào? Công nghệ hiện nay rất tốt, rất rẻ và rất an toàn. Việc này muộn nhất là tháng 2/2025, khi có chủ trương là lên đường đàm phán ngay.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại buổi làm việc, giải đáp một số kiến nghị của Ninh Thuận về phát triển năng lượng và điện hạt nhân |
Thứ năm, chủ đầu tư (EVN) phải khẩn trương thuê tư vấn để rà soát, cập nhật các thông tin, điều chỉnh dự án để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt lại chủ trương đầu tư hoàn chỉnh dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Theo quy chế các dự án đầu tư lớn 10 tỷ USD phải đưa ra Quốc hội phê chuẩn. Dự kiến sẽ trình Quốc hội muộn nhất là vào đầu quý II/2025.
Thứ sáu, sau khi có chủ trương đầu tư dự án mới theo quyết định của cấp có thẩm quyền, chủ đầu tư sẽ chọn tư vấn xây dựng dự án để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt FS. Dự kiến muộn nhất là đầu quý III/2025.
Thứ bảy, chủ đầu tư EVN rà soát lại nguồn nhân lực đã được đào tạo. Nếu còn điều kiện và có nguyện vọng tiếp tục phối hợp với các đối tác đào tạo lại; đồng thời lập kế hoạch đào tạo mới, chú trọng các đối tác có hỗ trợ về mặt kỹ thuật, công nghệ. Việc này hoàn thành trong quý II/2025.
Thứ tám, EVN khẩn trương rà soát, điều chỉnh, bổ sung (nếu cần) và tiếp tục triển khai xây dựng các dự án hạ tầng điện, nước, khu quản lý vận hành, khu chuyên gia, nhà điều hành… Tất cả những gì chuẩn bị cho dự án này là phải triển khai ngay, không chần chừ, không chờ đợi, không có bất kỳ sự trì hoãn nào.
Thứ chín, tỉnh Ninh Thuận tiếp tục triển khai dự án di dân tái định cư. Vướng việc gì cần báo cáo Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan hỗ trợ;
Thứ mười, phải làm thật tốt công tác truyền thông để tạo sự đồng thuận trong Đảng, trong hệ thống chính trị và trong nhân dân.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, 7 nội dung đầu tiên sẽ hoàn thành theo lộ trình đã báo cáo. 3 nội dung cuối là phải triển khai luôn.
Bộ Công Thương ủng hộ Ninh Thuận phát triển năng lượng tái tạo
Về kiến nghị của tỉnh Ninh Thuận về hỗ trợ để hình thành trung tâm năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của cả nước; trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng sạch, năng lượng tái tạo liên vùng; trung tâm đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ năng lượng sạch tại Ninh Thuận; trung tâm dữ liệu quốc gia vùng...; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, thực hiện chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, những năm qua trên địa bàn Ninh Thuận đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, vận hành và đang hoạt động với tổng công suất năng lượng tái tạo 3.750 MW, bao gồm thuỷ điện, điện gió, điện mặt trời (chiếm 18% năng lượng tái tạo của cả nước). Với tổng công suất này địa phương mới tiêu dùng hết 16%, còn lại 84% đang truyền tải đi các địa phương khác. Nnếu phải truyền tải đi vùng sâu, vùng xa thì giá sẽ rất khác.
Trong Quy hoạch điện VIII đã được phê duyệt, Ninh Thuận tiếp tục đầu tư 3.200MW, trong đó có 1.500 MW điện khí ở khu vực Cà Ná. Số còn lại là năng lượng tái tạo gồm thuỷ điện tích năng, điện gió, điện mặt trời, chưa kể là điện mặt trời áp mái mà Chính phủ đã chủ trương cho phát triển theo hình thức tự sản tự tiêu.
Luật Điện lực sửa đổi và Quy hoạch điện VIII dự kiến sẽ sửa đổi và bổ sung trong quý I/2025 cho phép phát triển tối đa tiềm năng năng lượng tái tạo của các vùng miền trong cả nước nếu chứng minh được phù hợp với quy hoạch phát triển của địa phương và chứng minh được đầu tư năng lượng tái tạo sẽ hiệu quả hơn so với đầu tư vào các ngành kinh tế khác.
Đồng thời, Chính phủ đã có chủ trương, cơ chế cho mua bán điện trực tiếp giữa nhà sản xuất điện lớn và khách hàng sử dụng điện lớn, chủ trương phát triển điện mặt trời áp mái theo hình thức tự sản tự tiêu. Trong khi đó, Ninh Thuận có tiềm năng rất lớn về năng lượng gió để phát triển năng lượng tái tạo. Với những tiềm năng vô cùng lớn trên, Ninh Thuận hoàn toàn có thể phát triển tối đa nguồn năng lượng tái tạo trong tương lai gần để trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của vùng và cả nước.
Hiện nay, Ninh Thuận đã được xác định là nơi tái khởi động dự án điện hạt nhân 1 và 2. Theo dự án được duyệt cũ là 4.000 MW nhưng theo dự kiến quy hoạch ban đầu sẽ là khoảng 8.000 MW. Như vậy, mỗi nhà máy có 4 tổ máy, mỗi tổ máy là 1.000 - 1.200 MW, đến giờ này dự án được duyệt ban đầu là mỗi nhà máy có 2 tổ máy, mỗi tổ máy tạm thời là 1.000 MW.
Như vậy, Ninh Thuận tiếp tục được đầu tư dự án Nhà máy điện hạt nhân 1 và 2, ít nhất là 4000 MW, nhiều hơn có 8000 MW, có khả năng nhiều hơn. Điện khí hiện có 1500 MW, tiềm năng có tới 6000 MW…
"Vì thế, Ninh Thuận hoàn toàn có khả năng là nơi thu hút đầu tư, trung tâm công nghiệp dịch vụ, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo vùng; trung tâm đổi mới sáng tạo và trung tâm dữ liệu quốc gia, hướng đến trung tâm dữ liệu của vùng, Việt Nam, ASEAN và của cả thế giới", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói và nhấn mạnh: "Ninh Thuận có đủ các điều kiện, vì vậy, Bộ Công Thương hoàn toàn ủng hộ tất cả các đề xuất để Ninh Thuận phát triển năng lượng tái tạo, trở thành trung tâm năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của cả nước; trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng sạch của vùng; trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm dữ liệu vùng và quốc gia".
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng lưu ý, đối với Ninh Thuận có một số vấn đề cần tập trung giải quyết.
Thứ nhất, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, trong đó có Bộ Công Thương, đặc biệt là hỗ trợ các doanh nghiệp để tập trung quy hoạch, đầu tư bổ sung hệ thống truyền tải liên vùng và nội vùng. Ách tắc lớn nhất của Ninh Thuận hiện nay là điện thì nhiều nhưng tại chỗ dùng chỉ 16%. Nếu trong tương lai chỉ sử dụng 3-4% thì phần còn lại chuyển đi. Như vậy truyền tải với Ninh Thuận là vấn đề lớn.
Tất nhiên, Chính phủ và Bộ Công Thương cũng phải quy hoạch bổ sung hệ thống truyền tải lớn (500kV, 800kV). Ở liên vùng phải tính bổ sung lưới điện như thế nào để huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn điện, nếu không có thì không giải tỏa được công suất.
Thứ hai, phải có cơ chế để thu hút đầu tư hệ thống lưu trữ điện. Phát triển điện được mà không lưu trữ, đặc biệt là năng lượng mặt trời, gió, nay mai có điện khí, điện hạt nhân sẽ tạo điện nền nhưng không có lưu trữ sẽ gây ách tắc và lãng phí rất lớn. Đồng thời, thu hút đầu tư sản xuất ra các nguyên liệu thứ cấp của nguồn năng lượng như hydrogen, amoniac xanh. Đặc biệt là thu hút trung tâm dữ liệu quốc gia vùng, trung tâm dữ liệu của khu vực, trung tâm dữ liệu của thế giới, dữ liệu điện xanh, sạch… như vậy sẽ rất hiệu quả.
Đối với kiến nghị của tỉnh Ninh Thuận về đề nghị Trung ương sớm có cơ chế giải quyết vướng mắc các dự án về điện gió, điện năng lượng mặt trời theo kết luận 1027, tránh lãng phí đầu tư xã hội.
Điều này theo kết luận số 1027 của Thanh tra Chính phủ, cả nước có 168 dự án, phần dự án năng lượng tái tạo được xác định có sai phạm, vi phạm 1 trong các luật có liên quan, bao gồm: Luật Đất đai, Luật Giá, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch, Luật Điện lực, Luật Giá, Luật Môi trường. Cho nên theo quy định đã vi phạm thì không thể tiếp tục thực hiện, đã vi phạm thì không thể hợp lý hoá được…đấy là vấn đề rất vướng, rất khó.
Hiện có 14 dự án đang hưởng sai giá Fit theo Nghị quyết 115, 133 dự án đã hoàn thành vi phạm các luật chuyên ngành, 21 dự án cũng vi phạm nhưng chưa hoàn thành. Dự kiến khái toán tổng vốn khoảng 308 ngàn tỷ, nếu để như vậy là lãng phí nhưng không có chủ trương thì cũng không thể giải quyết được vì đã vi phạm. Trong khi đó, Ninh Thuận có 14 dự án đang hưởng sai giá Fit. Nghĩa là theo Nghị quyết 115 thì các dự án này không được giá Fit nhưng lại đã và đang được hưởng giá FIT. Thanh tra Chính phủ kiến nghị phải dừng lại việc đó, hiện chưa dừng việc này, nếu đã thanh toán thì phải hoàn trả lại Nhà nước. Cùng với đó, 4 dự án của Ninh Thuận đang chồng lấn đất khoáng sản, vi phạm Luật Khoáng sản.
Chính vì vậy, về việc này Trung ương đã cho chủ trương tháo gỡ khó khăn trong dự án để tránh lãng phí. Còn vi phạm của các tổ chức, cá nhân trong quá trình thực thi vẫn phải xem xét xử lý theo đúng quy định. Bộ Công Thương thực hiện chỉ đạo của Chính phủ đã tiến hành rà soát và trình cấp cao vào ngày 26/11/2024 một đề án giải quyết khó khăn của các dự án, theo hướng xem xét, hướng dẫn các Bộ, ngành khắc phục các sai phạm. Còn các cá nhân, tổ chức làm sai thì vẫn xem xét xử lý theo quy định của pháp luật. Ngay khi có chủ trương của cấp có thẩm quyền, Chính phủ chỉ đạo, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, trong đó có Ninh Thuận để tiến hành tháo gỡ khó khăn.
Đối với kiến nghị cuối cùng về chồng lấn hơn 20 ha đất khoáng sản trong nhà máy Ninh Thuận 1, theo quy định của Luật Điện lực hiện hành, những dự án do Chính phủ quyết định hoặc do Quốc hội phê chuẩn thì hoàn toàn có thể xem xét nếu như diện tích đó đã điều chỉnh sang đất dự trữ khoáng sản. Với 20,7ha đất dự án Ninh Thuận 1 đã được đưa vào đất dự trữ khoáng sản, bây giờ chỉ cần khi tái phê duyệt dự án thì địa phương và nhà đầu tư sẽ trình bày rất rõ là nằm trong khu vực đất quy hoạch dự trữ khoáng sản thì Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ đồng kiến nghị với Chính phủ xem xét. Sau này khi triển khai, địa phương và nhà đầu tư phải chú ý quản lý cho tốt phần khoáng sản và khai thác tiết kiệm, nếu sử dụng sai, sẽ dẫn đến như Lào Cai.
Tổng Bí thư Tô Lâm: “Những ý kiến phát biểu, kiến nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương rất hay!”.
Sau ý kiến phát biểu của Bộ trưởng Bộ Công Thương về tiềm năng, thế mạnh của Ninh Thuận về phát triển năng lượng, trong đó có điện hạt nhân, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng nếu giải quyết tốt vấn đề năng lượng thì đời sống của nhân dân Ninh Thuận sẽ rất tốt.
Đối với điện hạt nhân thì không phải ở đâu cũng làm được, vì vậy, Tổng Bí thư chỉ đạo, Bộ Công Thương cần phải tham mưu cụ thể về vấn đề truyền tải điện. “Chúng ta không sợ dư thừa, phải huy động mọi nguồn lực, thậm chí cả tư nhân để phát huy hết tiềm năng, lợi thế của Ninh Thuận. Điện hạt nhân thì phải là điện công nghệ số, biến đây trở thành trung tâm. Tương lai ở đây là rất sáng, phát biểu của Bộ trưởng Bộ Công Thương rất ủng hộ việc phát triển này” - Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Cùng với đó, Tổng Bí thư đánh giá cao phát biểu của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Những nội dung đó theo Tổng Bí thư là sát thực tiễn và gợi mở nhiều cơ hội cho phát triển kinh tế, xã hội. “Những ý kiến kiến nghị của Bộ Công Thương rất hay, rất sáng!” - Tổng Bí thư Tô Lâm nói.