Bộ Nội vụ trả lời về kiến nghị giảm số năm nâng bậc lương
Thắc mắc về vấn đề tiền lương công chức, ông Trần Văn Lưu (tỉnh Long An) cho biết thời gian qua, các cơ quan, địa phương đã thực hiện cơ bản các nội dung liên quan tới việc nâng bậc lương của công chức, viên chức theo quy định. Đây cũng là nội dung nhận được nhiều sự quan tâm của công chức, viên chức.
Tuy nhiên, để đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế và đời sống của công chức, viên chức, ông Trần Văn Lưu kiến nghị Bộ Nội vụ sửa đổi giảm thời gian nâng bậc lương thường xuyên đối với ngạch/hạng chức danh yêu cầu trình độ đại học từ 3 năm xuống thành 2 năm
Ông Lưu cho rằng hiện nay, thời gian 3 năm lên 1 bậc lương với tỷ lệ 0,33 là khá ít so với mức trượt giá và mức sống của công chức, viên chức. Với 3 năm tăng lương khoảng gần 1 triệu đồng, trung bình mỗi năm tăng khoảng 300.000 đồng.
Ông Trần Văn Lưu kiến nghị Bộ Nội vụ sửa đổi giảm số năm hoặc thay đổi mức tăng cho phù hợp.
Về vấn đề kể trên, Bộ Nội vụ đã có phản hồi trên Cổng thông tin điện tử. Cụ thể, Bộ Nội vụ, chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang được quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Thủ tướng Chính phủ.
Tại Điều 7, Chương III của nghị định nêu rõ chế độ nâng bậc lương: Thực hiện nâng bậc lương thường xuyên trên cơ sở kết quả hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức và thời gian giữ bậc trong ngạch hoặc trong chức danh. Thời gian giữ bậc trong ngạch hoặc trong chức danh để xem xét nâng bậc lương thường xuyên quy định như sau:
Đối với chức danh chuyên gia cao cấp, nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng của bảng lương thì sau 5 năm (đủ 60 tháng) giữ bậc lương trong bảng lương chuyên gia cao cấp được xét nâng lên một bậc lương.
Đối với các đối tượng xếp lương theo Bảng 2, Bảng 3, Bảng 4 quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định này và bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ ngành Tòa án, ngành Kiểm sát quy định tại Nghị quyết số 730/2004/NQ-UBTVQH11, nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh thì thời gian giữ bậc trong ngạch hoặc trong chức danh để xét nâng bậc lương như sau:
Các đối tượng xếp lương theo các ngạch từ loại A0 đến loại A3 của Bảng 2, Bảng 3 và các chức danh xếp lương theo bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ ngành Tòa án, ngành Kiểm sát: Sau 3 năm (đủ 36 tháng) giữ bậc lương trong ngạch hoặc trong chức danh được xét nâng lên một bậc lương.
Các đối tượng xếp lương theo các ngạch loại B, loại C của Bảng 2, Bảng 3 và nhân viên thừa hành, phục vụ xếp lương theo Bảng 4: Sau 2 năm (đủ 24 tháng) giữ bậc lương trong ngạch được xét nâng lên một bậc lương.
Về nội dung kiến nghị sửa đổi giảm thời gian nâng bậc lương thường xuyên, Bộ Nội vụ ghi nhận ý kiến phản ánh của ông để báo cáo cấp có thẩm quyền trong quá trình sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan.