Bộ Công Thương sẽ giám sát việc giảm giá điện, tiền điện, đảm bảo đúng đối tượng và thời gian
Trước những khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19, trong tháng 3/2020, Bộ Công Thương đã đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân qua việc giảm giá điện, ông có thể thông tin cụ thể về phương án giảm giá cụ thể là gì?
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19 trên cơ sở số liệu báo cáo của EVN, Bộ Công Thương đã có văn bản đề xuất với Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt phương án giảm giá điện và giảm tiền điện với thời gian hỗ trợ trong 03 tháng để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, sinh hoạt của người dân và doanh nghiệp, cụ thể như sau:
Đối với khách hàng sản xuất và kinh doanh, Bộ đề xuất giảm giá bán lẻ điện vào tất cả các khung giá giờ cao điểm, giờ bình thường và giờ thấp điểm với mức giảm 10% so với đơn giá hiện hành được qui định tại Quyết định số 648/QĐ-BCT ngày 20 tháng 3 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về điều chỉnh mức giá bán lẻ bình quân và qui định giá bán điện. Theo ước tính, tổng số tiền hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong đợt này vào khoảng 6.100 tỷ đồng.
Đối với nhóm khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, Bộ đề xuất giảm giá 10% giá bán lẻ điện cho các bậc thang sinh hoạt từ bậc 1 đến bậc 4 (dưới 300 kWh tháng) được qui định tại Quyết định số 648/QĐ-BCT. Theo số liệu thống kê của EVN thì các khách hàng sử dụng điện dưới 300 kWh/tháng đa phần là người lao động, công chức, viên chức, công nhân và người làm công ăn lương. Với mức hỗ trợ 10%, khách hàng sử dụng điện ở mức 100 kWh/tháng được hỗ trợ khoảng 17 nghìn đồng/tháng. Tương tự ở mức 200 kWh/tháng được hỗ trợ trên 37 nghìn đồng/tháng. Tổng số tiền ước tính hỗ trợ giảm cho các khách hàng sinh hoạt ước khoảng 2.900 tỷ đồng.
Đối với các cơ sở lưu trú du lịch, Bộ đề xuất điều chỉnh giá giảm từ mức giá áp cho khách hàng kinh doanh dịch vụ xuống bằng giá áp cho các hộ sản xuất. Tổng số tiền hỗ trợ cho các doanh nghiệp này ước khoảng 1.800 tỷ đồng.
Tổng số thời gian khách hàng được hỗ trợ giảm giá điện là 03 tháng.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực |
Bên cạnh việc giảm giá điện thì được biết Bộ Công Thương còn đề xuất giảm tiền điện cho một số đối tượng. Xin ông cho biết chi tiết đối tượng nào sẽ được giảm tiền điện trong đợt này?
Trong thời gian qua có một số các cơ sở đã được sử dụng để trực tiếp tham gia cách ly, khám bệnh và điều trị cho người bị nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19. Để phối hợp chung tay cùng các bộ ngành, cùng với việc giảm giá điện nêu trên, Bộ Công Thương cũng đề xuất cho Tập đoàn Điện lực Việt nam được giảm tiền điện trực tiếp cho các đơn vị này theo phương án sau:
- Các cơ sở (không phải là cơ sở lưu trú du lịch) thực hiện cách ly, khám chữa bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm Covid-19 được đề xuất giảm 100% tiền điện
- Các cơ sở y tế có thực hiện khám, xét nghiệm, điều trị bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm Covid-19 đề nghị được giảm 20% tiền điện.
- Các cơ sở lưu trú du lịch được sử dụng để cách ly bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm Covid-19 được đề nghị giảm 20% tiền điện.
Việc giảm tiền điện cho các đối tượng trên được thực hiện trong 3 tháng. Bộ ước tính tổng số tiền điện giảm trực tiếp cho các cơ sở phục vụ chống dịch Covid-19 ước khoảng 100 tỷ đồng.
Khác với việc giảm giá điện nêu trên được áp dụng cho tất cả các khách hàng sử dụng điện sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt và các cơ sở lưu trú du lịch, việc giảm tiền điện sẽ chỉ áp dụng cho các cơ sở thuộc danh sách do Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lập hàng tháng gửi cho ngành điện triển khai việc giảm giá điện.
Xin ông cho biết kế hoạch triển khai phương án trên của Bộ. Khi nào thì doanh nghiệp và người dân được giảm giá điện, giảm tiền điện như đề xuất của Bộ Công Thương?
Ngày 9 tháng 4 năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 41/ NQ-CP về Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2020. Tại Nghị quyết này, Chính phủ đã đồng ý với các đề xuất nêu trên của Bộ Công Thương và giao Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài Chính chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai thực hiện đảm bảo đúng qui định.
Ngay sau khi nhận được Nghị quyết của Chính phủ, ngày 10 tháng 4 năm 2020, Bộ Công thương đã đã khẩn trương dự thảo Văn bản hướng dẫn chi tiết và gửi xin ý kiến các Bộ, ngành liên quan để hoàn thiện theo đúng quy định của pháp luật trước khi chính thức phát hành văn bản chỉ đạo EVN thực hiện giảm giá điện, giảm tiền điện theo đúng chỉ đạo tại Nghị quyết số 41/NQ-CP của Chính phủ.
Thời điểm giảm giá điện và giảm tiền điện sẽ được xác định theo kỳ ghi chỉ số của đơn vị điện lực tại công tơ điện của khách hàng.
Như vậy, đối với khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, sản lượng điện khách hàng sử dụng trong các tháng 4, tháng 5 và tháng 6 năm 2020 sẽ được giảm giá tương ứng tại các kỳ hoá đơn tiền điện tháng 5, tháng 6 và tháng 7 năm 2020.
Để đảm bảo cho khách hàng sử dụng điện được hưởng các chính sách hỗ trợ về tiền điện theo Nghị quyết 41, Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị điện lực phải chủ động giải quyết nhanh chóng, kịp thời tất cả các thắc mắc, khiếu nại của khách hàng về chỉ số công tơ, hoá đơn tiền điện trước, trong và sau khi thực hiện việc giảm giá điện và giảm tiền điện.
Trong quá trình triển khai, Bộ sẽ thực hiện kiểm tra, giám sát các đơn vị điện lực thực hiện đúng các chỉ đạo của Chính phủ về giảm giá điện, giảm tiền điện, đảm bảo đúng đối tượng, thời gian, qua đó góp phần hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân bị tác động của dịch Covid-19.
Để tiết kiệm chi phí tiêu dùng điện, nhất là trong mùa nắng nóng, ông có khuyến nghị gì với các khách hàng sử dụng điện?
Việc đảm bảo sẵn sàng cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế và đời sống dân sinh, đặc biệt đảm bảo cung cấp điện cho các doanh nghiệp sản xuất trong quá trình phòng, chống dịch và phục hồi sau dịch, là nhiệm vụ quan trọng đã được Bộ Công Thương chỉ đạo EVN và các đơn vị điện lực thực hiện. Nhiều giải pháp cụ thể đã và đang được Bộ Công Thương triển khai như đảm bảo cung cấp đủ than, khí, dầu cho phát điện; Phối hợp vận hành các hồ thủy điện nhằm góp phần đảm bảo cung cấp nước cho nhu cầu sản xuất, sinh hoạt ở hạ du của các hồ thủy điện; triển khai các Chương trình Quản lý nhu cầu phụ tải, Chương trình điều chỉnh phụ tải điện, nhằm mục tiêu cắt giảm phụ tải đỉnh, góp phần đảm bảo cung cấp điện cho năm 2020.
Hiện thời tiết đã bước vào cao điểm mùa nắng nóng, nhất là các tỉnh phía Nam, cùng với việc học sinh nghỉ học dài ngày, người dân ở nhà phòng chống dịch, khiến nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt gia tăng. Để hạn chế việc hóa đơn tiền điện tăng cao vào các tháng nắng nóng, Bộ Công Thương khuyến cáo các khách hàng sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả bằng cách tắt các thiết bị điện khi không cần thiết; không sử dụng đồng thời nhiều thiết bị công suất lớn, trang bị các thiết bị được dán nhãn tiết kiệm năng lượng; đặt điều hoà nhiệt độ làm mát từ 26 độ trở lên…. Đặc biệt các khách hàng sử dụng điện cần tận dụng tối đa ánh sáng mặt trời và thông gió tự nhiên để không khí lưu thông, thoáng mát, vừa giúp tiết kiệm điện, vừa giúp làm giảm mật độ virus, vi khuẩn hạn chế bệnh dịch lây lan.
Xin cảm ơn ông.