Bộ Công Thương hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho nông sản vùng dịch
Khó khăn lớn trong lưu thông hàng hóa
Theo Bộ Công Thương, việc thu mua, vận chuyển tiêu thụ nông sản bị ách tắc khi các thương lái không thể vận chuyển nông sản do quy định phòng chống dịch tại nhiều địa phương giáp với tỉnh Hải Dương. Báo cáo nhanh của Sở Công Thương tỉnh Hải Dương cho thấy, thực tế, hầu hết các chốt, trạm kiểm soát dịch bệnh COVID-19 tại cửa ngõ ra vào địa bàn các tỉnh, thành phố lân cận đều hạn chế xe hàng hoá ra vào tỉnh Hải Dương. Nhiều xe phải nằm chờ rất lâu, sau đó vẫn buộc phải quay đầu.... Điều này làm cho hàng hoá bị ách tắc, nông sản bị hư hỏng, gây nhiều khó khăn cho hàng hóa xuất khẩu đến hạn phải giao hàng… gây thiệt hại cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân.
Ngay sau khi Bộ Y tế xác nhận 2 ca nhiễm trong cộng đồng tại Quảng Ninh và Hải Dương vào tháng 1 vừa qua, ngày 28/1, Bộ Công Thương đã ngay lập tức có cuộc họp khẩn về tình hình ứng phó với dịch Covid-19 |
Nguyên nhân theo phản ánh từ các địa phương, doanh nghiệp, chủ yếu là do việc thực hiện yêu cầu xét nghiệm COVID-19 của Bộ Y tế tại Công văn số 898/BYT-MT ngày 07 tháng 2 năm 2021 về việc hướng dẫn phòng chống dịch COVID-19 trong vận chuyển hàng hóa có nhiều điểm chưa phù hợp. Cụ thể:
Theo quy định, tất cả các lái xe khi qua trạm kiểm dịch phải có giấy xét nghiệm COVID-19. Tuy nhiên, các đơn vị y tế chỉ phục vụ xét nghiệm cho người thuộc diện cách ly, chưa xét nghiệm dịch vụ. Hơn nữa, năng lực xét nghiệm của các địa phương có dịch chưa đáp ứng đủ, kịp thời. Kết quả xét nghiệm không thể hiện rõ thời hạn hiệu lực của phiếu xét nghiệm… khiến nhiều doanh nghiệp, lái xe phải tạm ngừng hoạt động hoặc kinh doanh cầm chừng.
Ngoài ra, nhiều địa phương chưa chấp nhận kết quả xét nghiệm tại các cơ sở y tế tư nhân (thành phố Hải Phòng chỉ định rõ chỉ tiếp nhận kết quả xét nghiệm từ CDC Hải Dương). Một số doanh nghiệp phản ánh, khi làm xét nghiệm tại một số cơ sở y tế tư nhân (Medlactec…) đã không được công nhận (doanh nghiệp không biết kiểm tra âm tính COVID-19 ở đâu và giấy xác nhận có thời hạn bao lâu…). Trong khi đó, thời gian nhận kết quả PCR mất nhiều thời gian, CDC Hải Dương và các điểm xét nghiệm đang quá tải với việc xét nghiệm phòng chống dịch nên không thể đáp ứng được yêu cầu xét nghiệm của các doanh nghiệp và lái xe.
Các địa phương cũng chưa có quy trình hướng dẫn thống nhất bảo đảm an toàn phòng chống COVID-19 trong sản xuất, thu hoạch, bao gói, vận chuyển nông, lâm thủy sản tươi sống từ vùng dịch ra ngoài (hiện các địa phương áp dụng quy trình khác nhau: thành phố Hải Phòng thì cấm, thành phố Hà Nội không cấm người và hàng hóa của tỉnh Hải Dương…) nên cả bên mua và bên bán đều gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh nông sản… Thông tin về an toàn y tế của các sản phẩm được sản xuất tại các tỉnh đang có dịch của chính quyền và các cơ quan chuyên môn có liên quan (ngành nông nghiệp và ngành y tế) chưa được đưa ra chính thức, tạo tâm lý e dè của nhà thu mua và người tiêu dùng..
Những vấn đề trên đã gây nên hậu quả là, nông sản bị tồn ứ khó tiêu thụ tại thị trường trong nước và trong xuất khẩu được. Theo báo cáo nhanh của Sở Công Thương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương nông sản sản xuất ra không tiêu thụ được hoặc tiêu thụ cầm chừng. Hiện hoạt động sản xuất, tiêu thụ nông sản của tỉnh Hải Dương bị ảnh hưởng nặng nề: Đến ngày 15 tháng 2 năm 2021, toàn tỉnh Hải Dương đã thu hoạch được 19.500 ha rau màu, còn 2.802 ha đang đến kỳ thu hoạch. Sản lượng thu hoạch dự kiến là 46.000 tấn hành, 30.700 tấn cà rốt, 8.000 tấn cải bắp, su hào, su lơ, rau ăn lá, 1.000 tấn lợn sữa - 80% số nông sản trên để phục vụ xuất khẩu); nhu cầu vật tư, thức ăn đầu vào cho nuôi trồng cũng thiếu… Tổng lượng nông sản của Hải Dương là 90.760 tấn chưa tiêu thụ được cụ thể: còn 4.080 ha rau đang đến kỳ thu hoạch với 3.205 ha hành, 621 ha cà rốt và 261 ha cải bắp, su hào, súp lơ, rau ăn lá.
Ngoài ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh của tỉnh Hải Dương, những khó khăn vướng mắc nêu trên gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh của các địa phương khác vì tỉnh này nằm ở trung tâm của tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh- Hải Dương. Nhiều hàng hóa ở Hải Dương chính là sản phẩm gia công, nguyên liệu đầu vào lắp ráp theo chuỗi ở các nhà máy tại các tỉnh, thành khác. Nếu không giải quyết được các khó khăn vướng mắc này thì chuỗi cung ứng có thể bị ảnh hưởng thậm chí bị đứt gãy ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế xã hội của nhiều địa phương.
Bộ Công Thương “vào cuộc”
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Bộ Công Thương đã ban hành các văn bản yêu cầu các địa phương và hệ thống phân phối thực hiện việc đảm bảo lưu thông hàng hoá và đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, như:
Công văn số 682/BCT-TTTN ngày 04 tháng 02 năm 2020 của Bộ Công Thương về việc đẩy mạnh các giải pháp tiêu thụ hàng nông sản, thủy sản để ứng phó với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp, trong đó chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan chức năng của địa phương trong việc tổ chức đánh giá diện tích, sản lượng, thời vụ thu hoạch; Xây dựng kịch bản và phương án tiêu thụ đối với sản phẩm nông sản, hàng hóa chủ lực trên địa bàn khi gặp khó khăn trong xuất khẩu và tiêu thụ trong nước; Phối hợp các cơ quan chức năng, doanh nghiệp của địa phương rà soát, tổng hợp khả năng dự trữ của các kho cấp đông, trữ lạnh, bảo quản nông sản, thủy sản và các mặt hàng thiết yếu của các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, phân phối trên địa bàn để huy động khi cần thiết.
Công điện số 526/CĐ-BCT ngày 28 tháng 01 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu, trong đó chỉ đạo Sở Công Thương các địa phương tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của Bộ Công Thương tại Chỉ thị số 04/CT-BCT ngày 31 tháng 01 năm 2020; Chỉ thị số 06/CT-BCT ngày 11 tháng 3 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc tập trung thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của ngành Công Thương trước những diễn biến mới của dịch bệnh COVID-19.
Công văn số 873/BCT-TTTN ngày 18 tháng 02 năm 2021 của Bộ Công Thương về việc đẩy mạnh lưu thông hàng hóa thiết yếu và tiêu thụ nông sản chỉ đạo Sở Công Thương các địa phương phối hợp các đơn vị chức năng trên địa bàn tham mưu, triển khai các biện pháp hỗ trợ lưu thông hàng hóa, đảm bảo các phương tiện vận chuyển hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng và sản xuất của nhân dân được lưu thông thông suốt theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2020 và các văn bản chỉ đạo liên quan khác của Chính phủ, Bộ, ngành; phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan chức năng trên địa bàn thực hiện các giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng nông sản có sản lượng lớn, đã vào vụ thu hoạch; ưu tiên hoạt động sơ chế, chế biến, bảo quản, dự trữ nông sản (đảm bảo an toàn thực phẩm và phòng, chống dịch bệnh); phối hợp các Sở Công Thương, các doanh nghiệp phân phối lớn để mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước và xuất khẩu.
Song song đó, Bộ Công Thương cũng làm việc trực tiếp với các hệ thống phân phối lớn trong nước về việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh. Đẩy mạnh kết nối các doanh nghiệp phân phối lớn phối hợp với các địa phương (thông qua Sở Công Thương) để thúc đẩy tiêu thụ nông sản có sản lượng lớn, đã thu hoạch nhưng gặp khó khăn về thị trường.
Ngay sau khi tỉnh Hải Dương thực hiện giãn cách xã hội từ 0 giờ ngày 16 tháng 02 năm 2021, Bộ Công Thương đã làm việc trực tiếp với các hệ thống phân phối lớn tại phía Bắc như Central Group (chuỗi siêu thị BigC và Go!); Vincommerce (chuỗi Vinmart và Vinmart+), BRG Retail (Chuỗi siêu thị BRG Mart), Chuỗi siêu thị MM Mega Market… để thu mua nông sản bảo đảm an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh hiện đang vào mùa thu hoạch từ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp của tỉnh Hải Dương.
Đến thời điểm hiện nay, Central Group đã thu mua lượng lớn rau, củ, quả của tỉnh Hải Dương tiêu thụ trong hệ thống, khoảng 100 tấn/tuần, dự kiến tăng lên 200 tấn/tuần; MM Mega Market (Việt Nam) đã có văn bản cam kết ngày 18 tháng 2 năm 2021 về việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho tỉnh Hải Dương, đã đặt mua 24,3 tấn rau quả/ ngày từ Hải Dương (bao gồm su hào, cải bắp và ổi) và sẽ tiếp tục tăng sản lượng trong những ngày tới để phân phối về các trung tâm của MM tại miền Trung và miền Nam; Hệ thống Vinmart cũng đã liên hệ và đặt hàng một số loại nông sản an toàn.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã làm việc với các đơn vị chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương và doanh nghiệp để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, loại bỏ tâm lý e dè của người tiêu dùng đối với hàng hóa nông sản thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ từ vùng đang có dịch.
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng cập nhật, báo cáo về khó khăn, vướng mắc về vận chuyển, lưu thông, phân phối hàng hóa từ vùng dịch nêu trên với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, với Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam – Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 các Bộ, ngành liên quan và các địa phương tại cuộc họp của Chính phủ (ngày 08 tháng 02 năm 2021) và cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 (ngày 19 tháng 02 năm 2021).
Bộ Công Thương tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ gỡ khó cho các địa phương vùng dịch
Để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn nêu trên, đảm bảo thực hiện thắng lợi "mục tiêu kép", vừa phòng chống dịch, vừa không gây tác động xấu đến nền kinh tế, làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế cần có hướng dẫn thống nhất về lưu thông người, hàng hóa, phương tiện giữa địa phương có dịch với các địa phương khác, tránh việc mỗi địa phương tự áp dụng một cách như hiện nay. Chỉ đạo và huy động các đơn vị có năng lực xét nghiệm COVID-19 hỗ trợ các tỉnh có dịch COVID-19 bảo đảm phục vụ tối đa nhu cầu xét nghiệm của đội ngũ lái xe, áp tải hàng (theo quy định tại Công văn số 898/BYT-MT ngày 07 tháng 2 năm 2021 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn phòng chống dịch COVID-19) trong thời gian ngắn nhất nhằm hạn chế tối đa ách tắc lưu thông hàng hóa từ vùng dịch ra ngoài. Đồng thời là đầu mối, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo thống nhất các đơn vị chuyên ngành tại địa phương có dịch COVID-19 trong việc xác nhận hàng hóa, nông sản an toàn dịch bệnh. Đầu mối chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải có hướng dẫn thống nhất và quy định rõ các biện pháp an toàn phòng dịch cho người, phương tiện và hàng hóa để lưu thông hàng hóa qua các địa bàn có và không có dịch bệnh.
Bộ Công Thương cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Y tế hướng dẫn quy trình sản xuất nông lâm thủy sản bảo đảm phòng chống dịch bệnh, đủ điều kiện lưu thông phân phối tại thị trường trong nước và xuất khẩu. Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương sản xuất, nuôi trồng các loại nông lâm thủy sản phù hợp với nhu cầu và khả năng tiêu thụ trong bối cảnh dịch bệnh để hạn chế tối đa việc tồn ứ nông lâm thủy sản. Cung cấp thông tin cho ngành Công Thương về hàng hóa nông sản an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh để kết nối tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu.
Về phía các địa phương, Bộ Công Thương đề nghị thực hiện nghiêm tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2020, Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28 tháng 01 năm 2021 quyết liệt triển khai thực hiện các biện pháp hỗ trợ lưu thông hàng hóa, đảm bảo các phương tiện vận chuyển hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng và sản xuất của nhân dân được lưu thông thông suốt, cam kết không để tình trạng “ngăn sông cấm chợ” diễn ra trên địa bàn. Thông báo công khai, thông tin rộng rãi về các đơn vị được chỉ định xét nghiệm SARS-COV-2; Ưu tiên tổ chức xét nghiệm SARS-COV-2 cho đội ngũ lái xe và người áp tải hàng; Thực hiện đúng hướng dẫn của Bộ Y tế tại Công văn số 898/BYT-MT ngày 07 tháng 2 năm 2021 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn phòng chống dịch COVID-19, theo đó: “Chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc đơn vị được chỉ định chịu trách nhiệm xét nghiệm SARS-COV-2 cho người điều khiển phương tiện vận chuyển”.
Các địa phương cần chấp nhận kết quả xét nghiệm SARS-COV-2 của người điều khiển phương tiện vận tải đến từ vùng dịch của các đơn vị xét nghiệm được ngành Y tế chỉ định. Các địa phương có dịch và địa phương giáp ranh chủ động liên hệ làm việc với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có kinh nghiệm (Lạng Sơn, Thừa Thiên-Huế, Tây Ninh, Quảng Nam,…) để tổ chức các mô hình vận chuyển, lưu thông hàng hóa an toàn, phù hợp với điều kiện thực tế của mình bảo đảm phòng chống COVID-19 hiệu quả. Chỉ đạo, hướng dẫn sản xuất, nuôi trồng các loại nông sản phù hợp với nhu cầu và khả năng tiêu thụ trong bối cảnh dịch COVID-19 để hạn chế việc tồn ứ nông sản trên địa bàn. Các địa phương có dịch đẩy mạnh truyền thông về chuỗi nông sản, thực phẩm an toàn do ngành nông nghiệp và y tế xác nhận (bao gồm an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh) để người tiêu dùng yên tâm khi sử dụng. Các địa phương cần chỉ đạo các Sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp thông tin về nông sản, thực phẩm bảo đảm an toàn kép.