Bộ Công Thương: 90% hồ sơ của doanh nghiệp được trả kết quả trước hạn
83% hồ sơ được nộp thông qua Cổng dịch vụ công trực tuyến
Theo quy định pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thẩm quyền tiếp nhận đăng ký và kiểm soát các hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung ở cấp Trung ương được giao cho Bộ Công Thương, cụ thể là Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng.
Trong 6 tháng đầu năm, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã tiếp nhận và xử lý 138 hồ sơ đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.
Trong 138 hồ sơ nêu trên, đơn vị đã ra thông báo kết quả đăng ký đối với 126 hồ sơ của doanh nghiệp, trong đó có 114 hồ sơ (chiếm tỉ lệ 90%) được trả kết quả sớm hơn thời hạn quy định, đảm bảo mục tiêu chất lượng về giải quyết thủ tục hành chính theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 mà Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã đề ra. Các bộ hồ sơ còn lại đang trong quá trình xử lý theo đúng thời hạn và trình tự thủ tục theo quy định pháp luật.
Theo lãnh đạo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, số lượng hồ sơ đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung trong 6 tháng đầu năm được đơn vị xử lý và trả kết quả sớm hơn thời hạn quy định đã tăng lên đáng kể so với cùng kỳ năm 2021, tăng từ 78% lên 90%.
90% hồ sơ của doanh nghiệp được xử lý và trả kết quả sớm hơn thời hạn quy định |
“Để đạt được kết quả này là sự cố gắng nỗ lực không nhỏ của đội ngũ cán bộ phụ trách công tác kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung và lãnh đạo Cục dùng trong việc rút ngắn thời gian thẩm định hồ sơ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, đáp ứng nhu cầu về thời gian cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp” - Lãnh đạo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng nhấn mạnh.
Đồng thời, có được kết quả tích cực nêu trên cũng xuất phát từ sự phối hợp của nhiều doanh nghiệp trong việc chủ động thực hiện thủ tục đăng ký, chủ động sửa đổi, hoàn thiện và nộp lại hồ sơ nhanh chóng hơn để rút ngắn thời gian hoàn thành nghĩa vụ đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.
“Điều này cũng góp phần làm giảm đáng kể tình trạng trước đây là doanh nghiệp chậm hoàn thiện và nộp lại hồ sơ (thậm chí có doanh nghiệp vài tháng sau mới nộp lại hồ sơ) đối với những bộ hồ sơ cần sửa đổi, hoàn thiện sau khi nhận được thông báo kết quả xử lý hồ sơ của đơn vị” - đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho hay.
Một điểm tích cực nữa trong 6 tháng đầu năm 2022 là về phương thức đăng ký, tỉ lệ hồ sơ được nộp thông qua Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương (https://dichvucong.moit.gov.vn/HomePage.aspx) chiếm gần 83%, nộp trực tiếp tại Cục rất thấp chỉ chiếm khoảng 6%, gần 11% hồ sơ được nộp qua bưu điện hoặc thư điện tử.
Tỉ lệ hồ sơ được nộp thông qua cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương chiếm gần 83% |
“Việc nộp và trả kết quả hồ sơ thông qua Cổng dịch vụ công trực tuyến (cấp độ 4) đã giúp doanh nghiệp rút ngắn đáng kể thời gian thực hiện nghĩa vụ đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo quy định” - đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khẳng định.
Cũng nửa đầu năm 2022, số hồ sơ đăng ký trong lĩnh vực mua bán căn hộ chung cư chiếm tỉ trọng cao nhất với hơn 83%, lĩnh vực viễn thông và truyền hình trả tiền chiếm hơn 11%, lĩnh vực cung cấp nước sinh hoạt chiếm hơn 4%, các lĩnh vực khác chỉ chiếm chưa đến 1% trong đó lĩnh vực vận chuyển hành khách đường sắt và cung cấp điện sinh hoạt không phát sinh hồ sơ đăng ký.
Tính tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp còn chưa cao
Tuy nhiên, công tác thẩm định hồ sơ đăng ký trong thời gian qua tại Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cũng cho thấy, tính tuân thủ pháp luật trong các hồ sơ đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung vẫn còn chưa cao.
Cụ thể, trong tổng số 138 hồ sơ nộp vào, tỉ lệ các doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung vẫn ở mức tương đối thấp, chỉ khoảng 35%, số còn lại là các hồ sơ cần sửa đổi, hoàn thiện để đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Số hồ sơ đăng ký trong lĩnh vực mua bán căn hộ chung cư chiếm tỉ trọng cao nhất với hơn 83% |
“Điều này đòi hỏi sự cần thiết phải nâng cao hơn nữa tinh thần, trách nhiệm, tính chủ động của doanh nghiệp trong việc nhận thức đúng, đầy đủ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng và tuân thủ quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cũng như tăng cường kỹ năng soạn thảo hợp đồng của đội ngũ cán bộ pháp chế doanh nghiệp” - Lãnh đạo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khẳng định.
Nhằm nâng cao nhận thức và tính tuân thủ pháp luật về kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung cho các đối tượng liên quan, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cũng đã tiến hành các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung
Ngoài ra, Cục cũng thường xuyên hướng dẫn, giải đáp các câu hỏi do doanh nghiệp và người tiêu dùng gửi đến đơn vị thông qua các phương thức như gửi thư tới trụ sở Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, thư điện tử, điện thoại...