Bình tĩnh, thận trọng!
Trước diễn biến dịch bệnh Covid-19 ngày càng nghiêm trọng khiến EU trở thành tâm dịch của thế giới với tốc độ lây lan nhanh, số bệnh nhân tử vong lớn, khiến các quốc gia thành viên EU buộc phải đưa ra những hành động quyết liệt để ngăn ngừa dịch bệnh. Trong đó, ngày 17/3 vừa qua, lần đầu tiên lãnh đạo của tất cả các quốc gia thành viên EU đã thống nhất với đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC) thông qua một kế hoạch chung đóng cửa biên giới khu vực lãnh thổ EU.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Bất luận tình hình thế nào, Bộ Công Thương có trách nhiệm và vai trò rất lớn trong việc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Vì thế, cần hành động với tinh thần quyết liệt hơn, chủ động hơn. |
Trước thông tin này, nhiều chuyên gia, đại diện các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp đã tỏ ra lo lắng trước khả năng các đơn hàng xuất khẩu sang thị trường EU sẽ bị gián đoạn, thậm chí bị huỷ bỏ, do biện pháp đóng cửa biên giới của EU.
Chia sẻ với báo giới, bà Phan Thị Thanh Xuân - Tổng thư ký Hiệp hội Da giày - túi xách Việt Nam (Lefaso) – cho biết, hiện nay nhiều hợp đồng hàng hóa trong quý II và quý III/2020 của doanh nghiệp chưa chốt được do đối tác EU lo ngại về lượng tiêu thụ tại EU suy giảm. Do đó, động thái đóng cửa biên giới để ngăn ngừa dịch bệnh của EU sẽ tiếp tục gây khó khăn và khiến cho các đơn hàng xuất khẩu sản phẩm da giày vào thị trường này suy giảm. Trong khi đó, ông Trương Văn Cẩm - Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may (Vitas) – đưa ra nhận định, doanh nghiệp ngành dệt may chắc chắn không thể tránh khỏi sụt giảm kim ngạch xuất khẩu trong thời gian tới khi EU đóng cửa biên giới.
Trước diễn biến trên, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid – 19 của Bộ Công Thương (Ban Chỉ đạo) vào chiều ngày 20/3, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, xét trên một số khía cạnh, các biện pháp kiểm soát dịch sẽ ảnh hưởng đến tốc độ luân chuyển hàng hóa, từ khâu xuất khẩu, vận chuyển, thông quan, lưu kho, bốc dỡ… cho đến tiêu thụ hàng hóa và hệ quả sẽ gây gián đoạn hoặc làm chậm dòng chảy kinh tế - thương mại - dịch vụ. Tuy nhiên, quy định này chỉ áp dụng đối với hành trình di chuyển của các cá nhân. Hoạt động vận chuyển, thông thương hàng hóa cơ bản không bị hạn chế.
Cụ thể, theo kế hoạch chung đóng cửa biên giới khu vực lãnh thổ EU (Lưu ý: Việc đóng cửa biên giới (closure of external borders) không phải là phong tỏa (lockdown) - PV), những người không phải công dân EU sẽ không được nhập cảnh vào khu vực này trong ít nhất 30 ngày và có thể kéo dài nếu cần thiết. Công dân EU, thân nhân của họ, các nhà ngoại giao, nhân viên/chuyên gia y tế và những người vận chuyển hàng hoá được miễn áp dụng quy định trên. Việc di chuyển trong nội khối được cho phép nhưng sẽ chịu những hạn chế nhất định. Và, mục đích của quy định này là bảo vệ sức khỏe của công dân EU, đảm bảo sự đối xử phù hợp đối với những cá nhân có nhu cầu di chuyển và đảm bảo hàng hóa và các dịch vụ cơ bản có thể tiếp cận được.
Nhận định về động thái trên của EU, TS. Lê Đăng Doanh nhận định, với việc EU chiếm khoảng 17% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam thì việc đóng cửa biên giới sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của nước ta là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, ông Doanh cũng cho rằng, đây chỉ là tác động trong ngắn hạn khi tình hình dịch bệnh chưa kiểm soát được và trong tâm dịch, EU vẫn cần rất nhiều hàng hóa tiêu dùng, lương thực - thực phẩm.
Trùng khớp, trả lời báo chí quốc tế mới đây, Chủ tịch EC - ông Ursula Von der Leyen – đã nhấn mạnh, hàng hóa, các dịch vụ cơ bản đến EU sẽ cần phải được tiếp tục lưu thông để bảo đảm nguồn cung ứng, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu, như: thực phẩm, linh kiện sản xuất, thuốc men…
Ở thời điểm này, các cơ quan chức năng khuyến cáo, để ứng phó kịp thời với những tác động ngoại cảnh không mong muốn, trước mắt, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục rà soát thị trường, thúc đẩy hàng hóa trở lại thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản – những quốc gia kiểm soát dịch rất khả quan; tiếp tục cập nhật và cùng doanh nghiệp xuất khẩu, các Thương vụ Việt Nam tại thị trường này để đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.
Còn với các doanh nghiệp, cần theo dõi sát tình hình dịch bệnh để có kế hoạch sản xuất và kinh doanh phù hợp. Đồng thời, có phương án chuyển đổi hình thức xúc tiến thương mại theo hướng tận dụng hình thức quảng bá trực tuyến, kết nối doanh nghiệp trực tuyến để duy trì và phát triển thị trường ngay cả khi dịch bệnh đang diễn ra để nhanh chóng khôi phục hoạt động ngay sau khi dịch bệnh kết thúc.